Liệu Anh có bắt đầu tiến trình rời EU vào tháng 3-2017 ?

06/10/2016 | 08:06 GMT+7

Mặc dù các nước EU đã nhiều lần thúc giục Anh nhanh chóng khởi động tiến trình rời khỏi khối này nhưng phải đến tháng 3-2017 London mới bắt đầu tiến trình này.

Thủ tướng Anh Theresa May. Nguồn: Bloomberg

Hơn 3 tháng kể từ sau khi cử tri Anh lựa chọn Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU)), nước Anh vẫn chưa có một động thái tích cực nào chính thức khởi động Brexit. Một việc làm mang tính quyết định khởi đầu cho Brexit, là việc kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon 2007. Theo đó, mọi thành viên có thể tự quyết định rút khỏi Liên minh EU theo trình tự quy định bởi Hiến pháp. Tuy nhiên, thành viên đó phải thông báo cho Hội đồng châu Âu (gồm 28 lãnh đạo của các nước thành viên, hiện do Chủ tịch Donald Tusk đứng đầu) về ý định của mình. Do vậy Brexit cũng phải theo quy trình này. Thêm vào đó, Điều 50 cũng quy định chỉ có nước thành viên có ý định rời khỏi liên minh mới có quyền quyết định thời điểm ra tuyên bố chính thức. Do vậy, quá trình Brexit sẽ kéo dài ít nhất trong vòng 2 năm để triển khai các cuộc đàm phán chính thức. Nó sẽ được bắt đầu ngay khi Anh chính thức thông báo cho Hội đồng châu Âu (EC). Như vậy đồng nghĩa với việc Anh vẫn là thành viên EU ít nhất cho đến năm 2018. Đó cũng là thông báo của Thủ tướng Anh Theresa May trong phiên khai mạc cuộc họp thường niên của đảng bảo thủ cầm quyền tại thành phố Birmingham, miền Trung nước Anh. Điều này đồng nghĩa nước Anh sẽ chính thức rời khỏi EU sớm nhất vào mùa Hè năm 2019 nếu tiến hành đúng quy trình. Thủ tướng Anh Theresa May cho biết: “Chúng tôi sẽ không kích hoạt (Điều 50 Hiệp ước Lisbon) trong năm nay để có thời gian chuẩn bị. Hiệp ước sẽ được kích hoạt cuối tháng 3 năm sau”.

Trước đó, bà May đã thông báo “Dự luật Hủy bỏ Lớn” (Great Repeal Bill) để chấm dứt thẩm quyền của luật pháp EU đối với Anh, đưa toàn bộ luật lệ của EU vào luật pháp Anh và xác nhận rằng Quốc hội Anh có quyền sửa đổi chúng nếu cần. Trả lời tờ The Sunday Times mới đây, bà May nêu rõ: “Điều này đánh dấu bước đi đầu tiên của Anh trên con đường một lần nữa trở thành quốc gia độc lập và có chủ quyền. Nó sẽ trao trả quyền lực và thẩm quyền cho các cơ quan được bầu cử của đất nước Anh..., thẩm quyền của luật pháp EU tại Anh sẽ chấm dứt”.

Trong một động thái liên quan, Bộ trưởng Anh phụ trách đàm phàn Brexit David Davis nêu rõ: “Chúng tôi đang xem xét tất cả các lựa chọn và chuẩn bị đối phó với mọi tình huống liên quan đến Brexit. Song chắc chắn, các điều khoản đưa ra sẽ không gia tăng rào cản về thương mại giữa Anh và EU”. Chính quyền Anh cam kết, nước này sẽ bảo vệ quyền lợi công dân các nước EU sinh sống tại Anh với điều kiện công dân Anh tại EU cũng được đảm bảo. Mặt khác, Anh cũng cam kết giải quyết những thách thức chung của EU, đồng thời Anh luôn sẵn sàng chung tay góp sức trong việc tái thiết khu vực Balkans, giải quyết cuộc khủng hoảng làn sóng người nhập cư từ Địa Trung Hải.

Mặc dù cả EU và Anh đều biết rõ những mất mát khi Brexit nên đã có những cam kết để giảm bớt thiệt hại nhất là về kinh tế, tuy nhiên cả hai phía vẫn chưa lường hết những khó khăn khi tiến trình này thành hiện thực. Do vậy, London luôn thận trọng và trì hoãn thời gian Brexit đến khi chín muồi. Giới quan sát cho rằng, Chính phủ Anh hiện nay ví như một chiếc máy bay trục trặc động cơ nên không thể cất cánh. Chỉ khi nào động cơ được sửa chữa hoặc thay mới thì máy bay mới hy vọng cất cánh. Cho nên London đang cố gắng chuẩn bị những yếu tố cần thiết cho một “động cơ” mới rồi mới tháo dỡ những thỏa thuận thương mại cũ với EU, qua đó nhằm tránh rơi vào những “vùng thời tiết xấu” hay thậm chí là “rơi máy bay”. Kịch bản đã, đang và sẽ diễn ra là Anh chưa chia tay EU vội vàng cho nên thời gian để khởi động Điều 50 Hiệp ước Lisbon theo dự định cuối tháng 3 năm sau cũng khó trở thành hiện  thực.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>