Liên kết Nga - Mỹ gia tăng sức mạnh chống IS

26/01/2016 | 07:58 GMT+7

Mặc dù còn những bất đồng nhất định nhưng thời gian gần đây, cuộc chiến chống khủng bố, nhất là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã được các quốc gia liên quan phối hợp khá chặt chẽ. Những động thái đồng thuận của Nga - Mỹ (hai cường quốc đứng đầu trong cuộc chiến chống IS) mới đây đã gia tăng thêm sức mạnh chống IS.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại cuộc họp báo ở New York, Mỹ ngày 18-12-2015. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã quyết định mở mặt trận chống khủng bố thứ ba tại Libya để loại bỏ vòng kiểm soát đang thắt chặt của Mặt trận Hồi giáo đối với quốc gia Bắc Phi này. Chiến dịch này sẽ được tiến hành cùng với Nga và những nước đồng minh Tây Âu liên quan. Đây là chiến dịch quân sự chung đầu tiên của Mỹ và Nga tại Libya trong suốt nhiều thập niên qua và có thể được xem như việc mở rộng quan hệ đối tác quân sự Nga - Mỹ trong cuộc chiến chống IS.

Theo kế hoạch, liên quân mới này sẽ tiến hành các cuộc tấn công bằng không quân, hải quân và trên bộ nhằm vào những vị trí chủ chốt của các tổ chức Hồi giáo cực đoan tại Libya. Theo đó, một nhóm đặc nhiệm Mỹ, Nga, Pháp và Italia đã đổ bộ vào một điểm ở phía Nam thành phố Tobruk gần biên giới Libya-Ai Cập và cách Darnah khoảng 144km - thành trì chính của các nhóm Hồi giáo cực đoan Libya liên kết với Al-Qaeda hoặc IS.

Việc quay lại Libya lần thứ hai trong vòng bốn năm của chính quyền Obama nhằm vào ba mục tiêu gồm: kiểm soát các giếng dầu khí của Libya; ngăn chặn IS sử dụng Libya làm bàn đạp để tấn công khủng bố châu Âu, nhất là Italia; cứu Tunisia, Algeria và Maroc khỏi chiếc thòng lọng mà IS và Al-Qaeda đang buộc quanh họ từ phía sau.

Trong một động thái liên quan về cuộc chiến chống IS tại Syria, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov để thảo luận về các giải pháp liên quan. Trong cuộc gặp, hai bên tập trung thảo luận việc thực hiện những thỏa thuận đạt được tại hai hội nghị của Nhóm quốc tế hỗ trợ Syria, diễn ra ở Vienna (Áo) ngày 30-10 và 14-11-2015. Theo đó, một chính phủ chuyển tiếp sẽ được thành lập tại Syria trong vòng 6 tháng và các cuộc bầu cử được tiến hành trong vòng 18 tháng. Cả Mỹ và Nga đã nhất trí cuộc hòa đàm Syria sẽ diễn ra trong tuần này.

Hiện nay, hai vấn đề quan trọng còn có quan điểm trái ngược nhau là: số phận của Tổng thống Syria Bashar Assad và các nhóm Ahrar-as-Sham và Jaish al-Islam. Nga và Iran, vốn ủng hộ Tổng thống Syria Bashar Assad; còn các nước Arab khác cũng như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) thì không ủng hộ. Trong khi nhóm Ahrar-as-Sham và Jaish al-Islam bị Nga và Syria coi là khủng bố thì Saudi Arabia, Mỹ và một số nước khác coi là các nhóm đối lập hợp pháp. Tuy nhiên, cuộc hòa đàm lần này, vấn đề quyết tâm tiêu diệt IS được đặt lên hàng đầu nên nhiều khả năng hai bên sẽ nhượng bộ nhau. Đây được xem là lối mở để gia tăng sức mạnh tấn công IS.

Với sự đồng thuận và liên kết quân sự như trên, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng, Mỹ - Nga và các nước liên quan đang đi đúng hướng, đồng thời tin tưởng rằng tiềm lực quân sự của IS tại Iraq và Syria sẽ bị suy yếu nghiêm trọng vào cuối năm 2016. Đây cũng là nền tảng để các quốc gia liên quan tiêu diệt IS trong tương lai.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>