Liên Hiệp Quốc kêu gọi đàm phán chấm dứt xung đột ở Syria

24/06/2016 | 07:05 GMT+7

Kêu gọi các cường quốc liên quan gây sức ép để các bên tham chiến tại Syria quay trở lại bàn đàm phán chấm dứt xung đột ở quốc gia Trung Đông này đang được Liên Hiệp Quốc xúc tiến.

Hình ảnh Syria tan hoang do cuộc nội chiến kéo dài tại quốc gia Trung Đông này. Ảnh: Reuters

Một cổ 3 tròng là thực trạng người dân Syria phải gánh chịu hiện nay. Theo đó, họ phải chịu nhiều mất mát bởi những hành động tàn bạo của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, sự khắc nghiệt của những vụ tấn công nhằm vào cả dân thường của Mặt trận al-Nusra và các vụ không kích của Liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu và cả không quân Nga. Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) có trụ sở ở Anh, sau 5 năm diễn ra cuộc nội chiến tại Syria (bắt đầu từ tháng 3-2011 đến nay) đã cướp đi sinh mạng của hơn 280.000 người. Trong đó có 81.436 dân thường (có 14.040 trẻ em và 9.106 phụ nữ), 48.568 tay súng nổi dậy phi thánh chiến, 47.095 phần tử cực đoan (trong đó có cả người nước ngoài), 101.662 tay súng ủng hộ Chính phủ Syria (trong đó có 56.609 binh sĩ chính phủ), 3.522 người còn lại chưa xác định được danh tính. Đáng quan ngại hơn theo Ủy ban Điều tra về Syria của Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho biết đã có một cộng đồng người Yazidis tại Syria bị diệt chủng do IS giết hại, bắt làm nô lệ tình dục… Theo Tổng thống Syria Bashar al-Assad, tổng thiệt hại về kinh tế và cơ sở hạ tầng từ cuộc nội chiến này đã lên hơn 200 tỉ USD. Đây là những con số đầu tiên được công bố kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn tạm thời có hiệu lực giữa quân chính phủ và lực lượng nổi dậy hồi cuối tháng 2 vừa qua.

Tuy nhiên, các cuộc hòa đàm Syria tại Geneva, Thụy Sĩ, do LHQ làm trung gian giữa Chính phủ Syria và các nhóm đối lập nhằm chấm dứt cuộc xung đột đã kết thúc mà không có được bước đột phá nào. Dư luận trông đợi sẽ có thêm một vòng đàm phán mới để chấm dứt xung đột trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tình hình chiến sự bùng phát đã ngăn cản nỗ lực đưa các phe phái tại Syria trở lại bàn đàm phán.

Trước những căng thẳng trên, mới đây Chủ tịch Ủy ban Điều tra về Syria của LHQ Paulo Pinheiro đã đề nghị tất cả các nước ủng hộ vô điều kiện tiến trình chính trị cho Syria, theo đó thúc đẩy các bên tại Syria đối thoại và thỏa hiệp cho một nền hòa bình lâu dài tại quốc gia Trung Đông này. Ông nói: “Chúng ta cần hành động tích cực hơn nữa để chấm dứt sự chịu đựng của dân thường Syria trước cuộc xung đột này”.

Trong một động thái liên quan, Nga và Mỹ - hai quốc gia có tác động trực tiếp đến Syria - đã khởi động nối lại cuộc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột ở quốc gia Trung Đông này. Theo đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry đã thảo luận về triển vọng nối lại cuộc đàm phán hòa bình cho Syria đang bị trì hoãn. Mặc dù ông Lavrov cũng bày tỏ quan điểm rằng việc phe đối lập Syria đặt ra những điều kiện cho việc nối lại hòa đàm là điều không thể chấp nhận được.

Trong khi đó, các cuộc giao tranh đẫm máu ở Syria vẫn tiếp tục diễn ra. Đại sứ Syria tại Nga Riyad Haddad vừa thông báo, với sự yểm trợ của các máy bay chiến đấu Nga, quân đội Syria đã đạt được những bước tiến rõ rệt khi tiến về thành phố Raqqa, đồng thời cũng tiêu diệt một số lượng tay súng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Thành phố lớn nhất Syria, với dân số khoảng 200.000 người này sẽ trở thành chiến trường cuối cùng giữa quân đội chính phủ và các phần tử khủng bố IS.

Mặc dù trên lý thuyết là vậy nhưng để tiêu diệt được IS tại đây không hề dễ. Bởi đây là thành trì quan trọng được IS gia tăng lực lượng bảo vệ nên sẽ có nhiều thương vong, mất mát. Mặt khác, hiện tại phe đối lập với chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad vẫn liên tục chống phá tạo ra mặt trận ngầm bên trong khó tiêu diệt. Giới quan sát cho rằng, chỉ khi nào giải quyết đàm phán hòa bình giữa chính phủ và phe đối lập thì Syria mới hy vọng đánh đuổi IS khỏi quốc gia này.                           

H.N tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>