Kinh nghiệm đối phó với nắng nóng của Trung Đông

14/06/2023 | 08:02 GMT+7

Nhiều quốc gia trên thế giới đang đối mặt với nắng nóng kỷ lục, kinh nghiệm chống nóng để sinh tồn của Trung Đông đang được các nước quan tâm.

Nhiệt độ cao trung bình trong mùa Hè tại Saudi Arabia là 38oC. Ảnh: AFP

Thủ đô London, Anh đang đối mặt với những ngày nhiệt độ cao nhất kể từ đầu năm nay. Theo đó, nhiệt độ trên 30oC khiến người dân đổ xô ra bãi biển nhân tạo bên bờ sông Thames. Cơ quan An ninh Y tế Anh đã đặt cảnh báo mức “vàng đậm” về những nguy cơ đe dọa sức khỏe do nắng nóng, áp dụng ở nhiều vùng.

Tại Đức, Cơ quan Khí tượng nước này cũng dự báo nhiệt độ cao hơn mức trung bình hàng năm khoảng 1oC sẽ duy trì suốt mùa Hè, từ tháng 6 đến tháng 8 và nguy cơ xảy ra hạn hán nghiêm trọng.

Mực nước trên các sông được dự báo sẽ xuống mức thấp, gây ảnh hưởng tới giao thông vận tải đường thủy. Chỉ số tia cực tím cao và độ ẩm không khí thấp cũng đe dọa đến sức khỏe của người dân.

Nhiệt độ cao bất thường ngay từ nửa đầu tháng 6, khi mới bước vào mùa Hè, làm dấy lên lo ngại về các vấn đề về sức khỏe người dân và nguy cơ thiếu nước tại châu Âu.

Còn tại châu Á, liên tục phải hứng chịu đợt nắng nóng với nhiệt độ tăng cao kỷ lục vào cuối tháng 5, thời điểm thời tiết thường mát mẻ hơn khi bắt đầu mùa mưa.

Từ cuối tháng 5 đến nay, nhiều nơi ở Trung Quốc phải hứng chịu nắng nóng nhất trong năm, với  nhiệt độ cao kỷ lục 40,2oC. Đợt nắng nóng này dự kiến sẽ còn kéo dài tại khu vực miền Nam trong vài ngày tới.

Cùng tình trạng trên, Ấn Độ, Pakistan và khu vực Đông Nam Á hồi tháng 4 cũng đã trải qua đợt nắng nóng nghiêm trọng, gây hư hại nặng nề về cơ sở vật chất và làm gia tăng số ca đột quỵ do nắng nóng. Bangladesh cũng trải qua đợt nóng nhất trong 50 năm qua, trong khi Thái Lan ghi nhận nhiệt độ kỷ lục 45oC. Kỷ lục về nhiệt độ tiếp tục được ghi nhận trong tháng 5 khi đây là tháng nóng nhất của Singapore trong 40 năm qua.

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) vừa đưa ra lời cảnh báo, nhiệt độ toàn cầu có thể tăng lên mức kỷ lục trong giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2027 do khí nhà kính giữ nhiệt và hiện tượng tự nhiên El Nino xảy ra.

Trong một nghiên cứu khác công bố tuần trước, các nhà khoa học cảnh báo có tới 2 tỉ người sẽ phải hứng chịu nắng nóng cực đoan nếu đà tăng nhiệt độ Trái Đất duy trì như hiện tại và dự kiến sẽ tăng trung bình 2,7oC trong thế kỷ này. Theo đó, Ấn Độ sẽ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Nhà khoa học Chaya Vaddhanaphuti, thành viên của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Chiang Mai (Thái Lan) nhận định đợt nắng nóng hồi tháng 4 có nguyên nhân biến đổi khí hậu cao gấp 30 lần, và đợt nắng nóng hiện nay dường như cũng chịu tác động của cùng yếu tố.

Để đối phó với đợt nắng nóng kỷ lục vừa qua, Ấn Độ và nhiều quốc gia đã triển khai một số biện pháp để giải quyết những nguy cơ đối với sức khỏe của người dân do nhiệt độ tăng cao, như mở “phòng mát” công cộng và đưa ra quy định hạn chế đối với công việc ngoài trời. Nhưng nhà khoa học Vaddhanaphuti cho rằng chính phủ các nước cần lập kế hoạch tốt hơn, đặc biệt là để bảo vệ các cộng đồng dễ bị tổn thương hơn.

Trong lúc khắc nghiệt này, nhiều người hay nhắc đến kinh nghiệm đối phó nắng nóng của Trung Đông. Giáo sư Sylvia Bergh tại Đại học Erasmus Rotterdam (Hà Lan) chỉ ra rằng, người dân Trung Đông đã quen với nhiệt độ cao, do đó họ có xu hướng sống trong những ngôi nhà mát mẻ hơn như kiến trúc xây dựng “hứng gió” (điều hướng không khí mát vào không gian sống), dùng bình phong thay tường, dùng các tấm chạm khắc từ gỗ hoặc đá để đặt trước các cửa sổ lớn, chặn và khuếch tán ánh nắng, tạo điều kiện để không khí trong lành đi vào không gian sống… Đặc biệt là sử dụng nước phù hợp, tiết kiệm cả trong sinh hoạt và sản xuất.

Theo dự báo El Nino sẽ quay trở lại, đồng nghĩa nắng nóng sẽ tiếp diễn nên các quốc gia cần có giải pháp ứng phó kịp thời. Về lâu dài cần vận dụng kinh nghiệm của Trung Đông để thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn cuộc sống của nhân loại.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>