Khủng hoảng chính trị ở Venezuela

04/04/2017 | 08:09 GMT+7

Mặc dù Tòa án Tối cao Venezuela đã tuyên bố rút lại quyết định gây tranh cãi tiếp quản quyền lập pháp của Quốc hội vốn do phe đối lập kiểm soát, nhưng cuộc khủng hoảng chính trị ở nước này chưa được vãn hồi.

Người dân Venezuela biểu tình về việc giải tán Quốc hội. Ảnh: NORMANGEE STAR

Một cuộc biểu tình đang diễn ra tại nước này nhằm yêu cầu phế truất 7 thẩm phán của Tòa án Tối cao nước này (TSJ) vì đưa ra phán quyết tước quyền lập pháp của Quốc hội do phe đối lập chiếm đa số. Các nghị sĩ kêu gọi tuần hành đến tận trụ sở Quốc hội, tại trung tâm thủ đô Caracas để ủng hộ phiên họp sắp tới thảo luận về việc bãi nhiệm các thẩm phán và quyết định nói trên của TSJ mà lực lượng đối lập cáo buộc là một “cuộc đảo chính”.

Chủ tịch Quốc hội Venezuela Julio Borges tố cáo Tổng thống Nicolas Maduro đã thông đồng với TSJ để đưa ra quyết định trên và sau đó lại rút lại.

Căng thẳng giữa chính phủ và phe đối lập Venezuela gia tăng kể từ hôm 31-3, sau khi TSJ đưa ra quyết định tiếm quyền của Quốc hội, do phe đối lập chiếm đa số. Dù được Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cố gắng bảo vệ, song hành động của Tòa án Tối cao vẫn vấp phải phản ứng dữ dội của phe đối lập. Việc giành được quyền kiểm soát Quốc hội hiện vẫn là một con bài đầy sức mạnh của phe đối lập trong quá trình đàm phán dài hạn với chính phủ về 4 điểm, bao gồm tôn trọng pháp trị và quyền lực chính phủ, nhân quyền và hòa giải, các vấn đề kinh tế - xã hội và thời gian biểu tổ chức tổng tuyển cử.

Bởi vậy, chắc chắn phe đối lập không thể để công sức “đổ sông đổ bể” với việc để tuột mất ưu thế về quyền lập pháp vào tay Tòa án, vì vậy họ đã lên kế hoạch tổ chức những cuộc biểu tình đường phố với quy mô lớn để phản đối quyết định của Tòa án Tối cao. Tinh thần quyết tâm của phe đối lập được “tiếp sức” bởi sự phản đối của nhiều quốc gia có tiếng nói trong khu vực. Hàng loạt quốc gia, như: Mỹ, Argentina, Brazil, Peru… đều kêu gọi Venezuela cho phép Quốc hội thực thi quyền lập pháp, đối thoại giữa các bên nhằm tái lập trật tự thể chế, thiết lập trật tự dân chủ và tiến hành bầu cử sớm nhất có thể.

Trong nỗ lực làm giảm căng thẳng trong nước, Tổng thống Maduro đã mời lực lượng đối lập đàm phán, nhưng các nhà lãnh đạo đối lập không chấp nhận đối thoại cho đến khi chính phủ đáp ứng một số yêu cầu của họ, chẳng hạn như tổ chức bầu cử tổng thống vào năm 2018. Những người phản đối ông Maduro cho biết, họ sẽ tiến hành thủ tục buộc thay thế các thành viên của Tòa án Tối cao, cơ quan mà họ cho là ủng hộ Tổng thống Maduro. Nghị sĩ phe đối lập Juan Miguel Matheus cho biết Quốc hội sẽ bắt đầu tiến trình bãi nhiệm 7 thẩm phán trên của TSJ vào ngày 4-4 theo Điều 165 của Hiến pháp. Nỗ lực này cùng với nhiều cuộc xuống đường của lực lượng đối lập nhiều khả năng khiến tình hình Venezuela thêm căng thẳng.

Dù Tòa án Tối cao Venezuela đã rút lại tuyên bố giành quyền lập pháp của Quốc hội, nhưng theo các nhà phân tích, dù “ngòi nổ” mới này đã được tháo gỡ, song mới chỉ là giải quyết phần ngọn. Gốc rễ của cuộc khủng hoảng chính trị của Venezuela hiện nay chính là cuộc khủng hoảng kinh tế đã kéo dài hơn 3 năm qua tại đất nước này.

Theo dự báo của các chuyên gia, triển vọng kinh tế của Venezuela trong năm 2017 này cũng không sáng sủa hơn năm 2016 là bao với mức suy giảm dự kiến ở mức trên 10%. Sự trì trệ về kinh tế sẽ tiếp tục là điểm yếu của chính quyền Tổng thống Maduro để phe đối lập khai thác nhằm tìm cách buộc ông phải ra đi hoặc tổ chức bầu cử sớm. Trong khi đó, phe ủng hộ tổng thống lại cố gắng để duy trì nhiệm kỳ của ông đến tháng 1-2019. Với sự đối đầu về lợi ích, về mục tiêu giữa các phe phái, nên khi “ngòi nổ” này được tháo gỡ, sẽ nhanh chóng có “ngòi nổ” khác phát sinh đe dọa sự ổn định của đất nước Venezuela.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>