Quan hệ Mỹ - Triều Tiên

Khó tìm được tín hiệu khả quan

22/02/2017 | 09:02 GMT+7

Sau 5 năm cắt đứt mọi quan hệ, thậm chí là thù địch ra mặt giữa hai quốc gia nhưng mới đây Triều Tiên lại tuyên bố đã chuẩn bị đưa các quan chức cấp cao nước này tới Washington để đàm phán với các cựu quan chức tân chính quyền Mỹ. Dù chưa biết kết quả thực hư ra sao nhưng đây là tín hiệu mới trong quan hệ giữa hai quốc gia.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nguồn: DAILYRECORD.CO.UK

Theo đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un muốn liên lạc với tân chính quyền Mỹ của Tổng thống Donald Trump nhằm thảo luận việc lên kế hoạch tổ chức “cuộc đàm phán lộ trình 1.5”. Lộ trình 1.5 sẽ diễn ra sự tiếp xúc theo kế hoạch giữa các cựu quan chức Mỹ và các quan chức đương nhiệm của Triều Tiên, nhằm tiến đến cuộc đàm phán “lộ trình 2” giữa các cựu quan chức của hai bên. Tuy nhiên, hiện Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn chưa chấp thuận thị thực nhập cảnh cho các quan chức Triều Tiên tham dự cuộc đàm phán nêu trên. Phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ đề cập đến các cuộc gặp lộ trình 2 thường bàn về nhiều chủ đề trên thế giới và diễn ra độc lập với chính quyền Mỹ. Trong khi đó, một quan chức Nhà Trắng cho hay Chính phủ Mỹ không có kế hoạch gặp phía Triều Tiên.

Thời gian qua, Triều Tiên liên tục phóng  thử  tên lửa đạn đạo và thử vũ khí hạt nhân nhằm chống đối Mỹ và các lệnh trừng phạt của Washington và phương Tây áp đặt lên Bình Nhưỡng. Gần đây nhất, ngày 12-2, Triều Tiên đã cho phóng thử tên lửa đạn đạo. Vụ phóng thử này được xem là một thách thức đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump và cả Nhật Bản. Trước đó vào tháng 9-2016, Bình Nhưỡng đã thử vũ khí hạt nhân ở độ sâu hơn 800m tính từ mặt đất. Đây là vụ thử vũ khí hạt nhân lần thứ năm của quốc gia này. Theo kết quả phân tích của hai chuyên gia địa chất học của Mỹ thuộc Viện nghiên cứu quốc tế Los Alamos, ở bang New Mexico của Mỹ là Frank Pabian và David Coblentz, sức công phá của vụ thử hạt nhân lần thứ năm của Triều Tiên đạt khoảng từ 11,9 đến 23,7kT (1 kT=1.000 tấn TNT). Điều này đã cho thấy thời gian gần đây năng lực hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đã có sự cải thiện “về chất lượng”. Tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp những người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cho biết trong năm 2016, Triều Tiên đã tiến hành 24 vụ thử tên lửa và 2 vụ thử hạt nhân và rút ra nhiều kinh nghiệm sau mỗi vụ thử này. Ông nói: “Theo đánh giá của chúng tôi, năng lực của họ đã có sự phát triển về chất lượng trong năm qua nhờ các vụ thử tên lửa và hạt nhân ở cường độ chưa từng thấy và mối đe dọa từ Triều Tiên ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn”.

Cũng theo quan chức Mỹ, để đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như các nước khác cần tăng cường hợp tác và vấn đề quan trọng nhất lúc này là phải duy trì sức ép để buộc Triều Tiên phải ngừng các chương trình phát triển hạt nhân và quay trở lại bàn đàm phán, đồng thời buộc nước này phải có thiện ý trong vấn đề phi hạt nhân hóa.

Tuy nhiên, trong thông điệp Năm mới ngày 1-1 vừa qua, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố nước này “đang ở giai đoạn cuối của việc bắn thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa” với tầm bắn có thể đến lãnh thổ Mỹ. Động thái này gây quan ngại cho nhiều quốc gia liên quan trong đó có Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản... Qua đó, càng khẳng định cộng đồng quốc tế cần phải duy trì sức ép đối với Bình Nhưỡng nhằm đưa họ trở lại bàn đàm phán về vấn đề giải trừ hạt nhân.

Từ những diễn biến trên cho thấy khó có khả năng chính quyền Tổng thống Donald Trump chấp thuận đàm phán với Triều Tiên nếu như Bình Nhưỡng không từ bỏ tham vọng theo vũ khí hạt nhân.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>