Khó hòa giải khủng hoảng chính trị ở Venezuela

16/09/2016 | 07:56 GMT+7

Nỗ lực tìm giải pháp hòa bình cho Venezuela đang được các quốc gia liên quan đặc biệt quan tâm, trong đó có Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR). Tuy nhiên, tình hình chính trị tại quốc gia này vô cùng phức tạp khi những cuộc biểu tình phản đối tổng thống đương nhiệm liên tục diễn ra, nên việc tìm giải pháp hòa bình khó thành hiện thực.

Biển người biểu tình, yêu cầu Tổng thống Venezuela từ chức tại thủ đô Caracas vào ngày 1-9.

Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro cho biết, Tổng Thư ký Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) Ernesto Samper sẽ làm trung gian thúc đẩy đối thoại giữa Chính phủ Venezuela và liên minh Bàn Đoàn kết dân chủ (MUD) đối lập. Mục tiêu của UNASUR là tìm giải pháp để tạo thuận lợi cho đối thoại chính trị ở Venezuela, nhằm thiết lập một môi trường hòa bình và giúp ngăn chặn hận thù giữa các phe đối lập ở quốc gia này. Đây được ví như chiếc phao cứu sinh của Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro trong giai đoạn này với mong muốn lập lại trật tự, đảm bảo ổn định và an ninh đất nước.

Trong một động thái liên quan trước đó, ông Maduro cũng đã gặp cựu Thủ tướng Tây Ban Nha José Luis Rodríguez Zapatero, một trong những người đứng ra làm trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng chính trị tại Venezuela. Cựu Thủ tướng Tây Ban Nha Zapatero khẳng định việc thúc đẩy đối thoại tại Venezuela là con đường dẫn tới hòa giải dân tộc. Trước đó, ông Zapatero cũng đã đối thoại với đại diện MUD. Ông Zapatero cùng với các cựu Tổng thống Panama Martín Torrijos và Cộng hòa Dominicana Leonel Fernández đang tham gia các bên trung gian hòa giải giữa Chính phủ Venezuela và MUD, do UNASUR khởi xướng.

Từ những cuộc đối thoại trên, bước đầu đã đạt kết quả nhất định. Ngoại trưởng Venezuela Delcy Rodríguez khẳng định, đối thoại hòa bình ở Venezuela đã có những tín hiệu khả quan, tuy nhiên không đề cập cụ thể nội dung. Mới đây, đại diện Chính phủ Venezuela đã bày tỏ lạc quan về khả năng đối thoại chính thức với MUD, nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng hiện nay. Theo đó, Ngoại trưởng Delcy Rodríguez, nhà ngoại giao Roy Chaderton và nghị sĩ Elías Jaua cùng ông Rodríguez đã họp với 4 đại diện phe đối lập. Ông Rodríguez khẳng định đã có tiến triển trong việc đề ra lộ trình đối thoại, song tái khẳng định chính phủ sẽ không đối thoại với phe đối lập về cuộc trưng cầu dân ý nhằm bãi nhiệm Tổng thống Nicolas Maduro như phe này đặt điều kiện. Ông cũng không thông báo thời điểm cụ thể có thể tiến hành các cuộc đàm phán.

Thực tế, trong những tuần gần đây đã liên tục xảy ra các cuộc biểu tình tại nhiều thành phố ở Venezuela do phe đối lập phát động, thu hút hàng triệu người dân tham gia tuần hành nhằm gây sức ép để Hội đồng bầu cử quốc gia (CNE) cho phép tiến hành trưng cầu dân ý trong năm nay để phế truất ông Maduro. Trước đó, vào đầu tháng 8-2016, CNE đã thông qua giai đoạn khởi đầu của những thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm Tổng thống Maduro với việc thu thập 1% chữ ký của cử tri, mặc dù phe đối lập đã gian lận nhiều chữ ký. Sau đó, CNE đã ấn định thời điểm cuối tháng 10 tổ chức việc thu thập 20% chữ ký cử tri và cũng thông báo cuộc trưng cầu ý dân chỉ được tiến hành vào quý I/2017 nếu MUD đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Giới quan sát cho rằng mặc dù UNASUR có 12 quốc gia thành viên, gồm Argentina, Bolivia, Brazil, Chile, Colombia, Guyana, Ecuador, Paraguay, Peru, Suriname, Uruguay và Venezuela tham gia và có tác động rất lớn đối với các quốc gia Nam Mỹ, tuy nhiên những bất ổn giữa các phe đối lập ở Venezuela quá lớn nên khó có thể đạt được thỏa thuận hòa bình trong thời gian ngắn như mong muốn. Đây sẽ là bài toán khó cho chính quyền Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro ở hiện tại và tương lai.

Khủng hoảng chính trị tại Venezuela đã trở nên trầm trọng kể từ khi phe đối lập chiếm đa số ghế tại kỳ bầu cử Quốc hội tháng 12 năm ngoái, cũng như việc phe này yêu cầu tiến hành trưng cầu dân ý nhằm phế truất Tổng thống Maduro. Hiến pháp Venezuela quy định trong trường hợp trưng cầu dân ý được tiến hành vào năm tới nếu Tổng thống Maduro thất bại, tổng tuyển cử sớm cũng sẽ không được tổ chức và Phó Tổng thống sẽ lên cầm quyền theo như quy định của Hiến pháp, điều mà MUD không mong muốn.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>