Khó có khả năng Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác với Mỹ đánh IS

30/09/2016 | 07:38 GMT+7

Đòi loại người Kurd khỏi đàm phán, không hỗ trợ vũ khí để lực lượng này chống IS, là giá mặc cả để Thổ Nhĩ Kỳ cùng tham gia chiến dịch quân sự với Mỹ chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tuy nhiên, đây có thực sự là điều cần và đủ để quốc gia này tham gia cuộc chiến chống IS hay không đang được giới quan sát quan tâm.

Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ từng tiến vào khu vực biên giới Syria để tấn công lực lượng người Kurd. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố nước này muốn cùng Mỹ tham gia chiến dịch quân sự chung nhằm đẩy lùi IS ra khỏi thành trì chúng đang kiểm soát ở thành phố Raqqa, miền Bắc Syria, nhưng với điều kiện Washington phải loại lực lượng người Kurd khỏi các cuộc đàm phán. Ông Erdogan nêu rõ: “Nếu Mỹ không đưa Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD) và Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) vào các cuộc thương lượng, chúng tôi có thể chiến đấu cùng Mỹ”. Theo đó, ông Erdogan cáo buộc Mỹ vừa cung cấp thêm vũ khí cho lực lượng người Kurd ở miền Bắc Syria và điều 2 máy bay chở vũ khí cho lực lượng này. Mỹ coi YPG là một đối tác chiến lược lớn trong cuộc chiến chống IS tại Syria và đã cung cấp vũ khí cho lực lượng này ở thị trấn Kobani từ năm 2014. Tuy nhiên, Tổng thống Erdogan lại cho rằng một nửa số vũ khí mà Mỹ thả xuống thị trấn có đa số người Kurd sinh sống này đã rơi vào tay các tay súng IS. Theo ông Erdogan, Mỹ đã sai lầm khi nghĩ rằng có thể tiêu diệt IS nhờ YPG và PYD. Trong khi đó, từ lâu Thổ Nhĩ Kỳ đã coi các lực lượng người Kurd ở cả Iraq và Syria là những mối đe dọa an ninh nghiêm trọng đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara luôn lo sợ kịch bản các lực lượng người Kurd ở Syria và Iraq sẽ liên kết với người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ để thành lập một quốc gia riêng.

Thực tế, kể từ tháng 8, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa xe tăng, xe bọc thép và binh lính tràn qua biên giới miền Bắc Syria trong chiến dịch quân sự mang tên “Lá chắn Euphrates” với mục tiêu quét sạch các tay súng IS, cũng như ngăn chặn bước tiến của các tay súng người Kurd. Tuy nhiên, hiện Mỹ hậu thuẫn lực lượng YPG tham gia chiến dịch chống tổ chức IS nên rất khó buộc Washington tuân thủ điều kiện của Ankara. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến rạn nứt quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ.

Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Erdogan cũng cáo buộc phía Mỹ “bao che cho giáo sĩ Fethullah Gulen, kẻ khủng bố” và các hoạt động của ông ta nên bị cấm trên toàn thế giới. Đồng thời kêu gọi Washington nên nhanh chóng dẫn độ ông này về Thổ Nhĩ Kỳ để xử lý theo pháp luật nước này. Giáo sĩ Gulen, sống lưu vong tại Mỹ từ năm 1999, bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc đứng đằng sau cuộc đảo chính bất thành tại nước này hồi giữa tháng 7 vừa qua. Tuy nhiên, giáo sĩ Gulen bác bỏ mọi cáo buộc liên quan đến cuộc đảo chính. Phía Mỹ cũng nói rằng, sẽ chỉ dẫn độ giáo sĩ Gulen nếu Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp bằng chứng rõ ràng về sự liên quan của giáo sĩ này đến cuộc đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ đặt điều kiện để tham gia cùng liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu chỉ là lý do để thoái thác. Thực chất của vấn đề chính là sự khủng hoảng chính trị tại quốc gia này do cuộc đảo chính gây ra. Theo đó, mới đây Cơ quan Tình báo Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ (MIT) đã đình chỉ công tác đối với 141 nhân viên của cơ quan này sau cuộc điều tra nội bộ liên quan đến cuộc đảo chính quân sự bất thành vào đêm 15-7 vừa qua. Sau cuộc đảo chính không thành, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ hàng chục nghìn người từ các cơ quan, tổ chức của nhà nước từ đó gây ra sự biến động trong bộ máy công quyền và làm bất ổn chính trị lớn ở nước này.

Từ những lý do trên, cho thấy rất ít khả năng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hợp tác với Mỹ để tham chiến chống IS tại Syria. Hệ lụy của vấn đề trên đã làm cho bất đồng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng lớn. Liên quan đến quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ, mới đây, Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục cảnh báo công dân nước này về mối đe dọa ngày càng gia tăng từ phía các tổ chức khủng bố tại Thổ Nhĩ Kỳ và khuyến cáo tránh đi lại tới khu vực Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, giáp với Syria. Ngoài ra, bộ trên cũng đã kêu gọi “hồi hương tự nguyện” với thân nhân các quan chức Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Ankara và Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại Istanbul.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>