IS yếu nhưng chưa sụp đổ

12/04/2016 | 06:26 GMT+7

Mặc dù quân đội Syria đã chiếm thành phố Qaryatain, một thành phố chiến lược thuộc tỉnh Homs gần thành cổ Palmyra, thành trì cuối cùng của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nhưng cuộc chiến này vẫn chưa có hồi kết vì IS còn nhiều tiềm năng đáng sợ.

Binh sĩ quân đội Syria. Nguồn: AFP/TTXVN

Sau hai chiến thắng quan trọng của quân đội Syria ở thành phố Qaryatain (do IS chiếm đóng từ tháng 8-2015) và thành cổ Palmyra, nhiều người cho rằng sức mạnh của IS đã bị suy giảm nghiêm trọng. Mới đây, Thủ tướng Syria đã tuyên bố quân đội Syria sẽ phối hợp với không quân Nga đang bắt đầu chiến dịch giải phóng Aleppo khỏi các nhóm khủng bố. Động thái trên thể hiện sự quyết tâm giải phóng đất nước khỏi tay IS của chính phủ nước này. Đây được xem là dấu hiệu cho sự sụp đổ của IS tại Syria.

Tuy nhiên trong thực tế, dù đã thiệt hại nặng nề, song IS vẫn còn khả năng phát động các cuộc tấn công khủng bố gây hậu quả nghiêm trọng. Bởi lẽ, tiềm lực và hoạt động của IS rất khó đoán, đặc biệt là lực lượng thánh chiến này có mặt khắp nơi trên thế giới. Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng, IS vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng và có khả năng tiến hành các vụ tấn công khủng bố quy mô lớn. Do vậy, ông đã thảo luận với các tư lệnh tác chiến và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ về mối đe dọa này, đồng thời cho biết thêm Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đã đệ trình kế hoạch để chống lại IS một cách hiệu quả hơn. Tuy nhiên, ông Obama tin tưởng cuối cùng IS sẽ bị đánh bại.

Trong một động thái liên quan được cho là hành động trả đũa Syria, IS đã bắt hơn 344 công nhân tại một nhà máy xi măng ở thị trấn Dumair, phía Đông Bắc thủ đô Damascus của Syria. Theo thông tin mới đây, mặc dù một phần trong số những công nhân này được trả tự do nhưng IS cũng đã hành quyết 4 người thuộc dân tộc Druze thiểu số - cộng đồng bị coi là không trung thành với tín ngưỡng của IS (trước đó, Hãng tin Sputnik của Nga dẫn nguồn tin từ Quân đội Syria đưa tin, IS đã hành quyết 175 công nhân), đồng thời giam giữ 20 công nhân khác được xác nhận là thành viên của Lực lượng phòng vệ quốc gia (NDF - nhóm vũ trang bán quân sự ủng hộ lực lượng chính phủ Syria).

Mặt khác, theo nhận định, IS không chỉ có mặt ở Syria, Iraq, Lybia mà còn xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tư lệnh Bộ Chỉ huy Quân đội Mỹ tại châu Phi, Tướng David Rodriguez cho biết hiện có khoảng 4.000-6.000 tay súng IS tại Libya, tăng gấp đôi năm 2015. Mặc dù gia tăng về số lượng, nhưng ông Rodriguez cho rằng IS tại đây không có khả năng tiến hành chiếm đóng các vùng lãnh thổ lớn do gặp nhiều thách thức từ các chiến binh Libya.

Còn theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grigory Karasin cho biết, IS đang gia tăng vị thế của nhóm này ở Afghanistan kể từ cuối năm 2015, và hiện có khoảng 6.000 tay súng ở quốc gia này. Theo đó, những phần tử ủng hộ IS đã xuất hiện ở 25 trong số 34 tỉnh của Afghanistan, trong số này có những chiến binh đến từ những quốc gia ở Trung Á và Bắc Caucasus, như: Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan và các nước cộng hòa ở vùng Bắc Caucasus của Nga.

Trong một diễn biến liên quan, trước đó, Reuters đưa tin, IS đã tung ra một đoạn băng video với nội dung đe dọa có thể tiến hành thêm các vụ tấn công ở phương Tây, trong đó chỉ rõ các mục tiêu tiềm tàng là London, Berlin và Rome. Đây là điều quan ngại nhất của các quốc gia phương Tây vì phải đối mặt với một lực lượng “ngầm” ngay tại nước mình. Nếu sự việc diễn ra sẽ gây thiệt hại nặng nề.

Mặc dù nhà khoa học chính trị Đức Harald Muller nhận định, nguồn tài chính IS sắp cạn vì các giếng dầu (nguồn thu lớn nhất của IS) bị các vụ không kích của Nga và liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu phá hủy trong những tháng qua và nguồn ủng hộ bị chặn đứng nên chỉ có thể duy trì hoạt động khoảng 3 năm nữa. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng muốn tiêu diệt hoàn toàn lực lượng thánh chiến này là điều khó khăn và đòi hỏi thời gian dài.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>