IS gia tăng hiện diện ở châu Á

17/08/2016 | 07:41 GMT+7

Sau thất bại liên tiếp ở Trung Đông, nơi được xem là căn cứ địa của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, lực lượng khủng bố này đang gia tăng hiện diện ở nhiều quốc gia châu Âu và gần đây là châu Á. Giới quan sát nhận định, châu Á có thể sẽ là căn cứ địa của IS trong tương lai.

Các tay súng IS.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Malaysia Ahmad Zahid Hamidi cho rằng, Đông Nam Á đang là mục tiêu để IS phát triển các cơ sở mới. Theo ông Hamidi, hiện có khoảng 300 tay chân của Abu Bakar Bashir, cựu lãnh đạo tổ chức khủng bố Jemaah Islamiyah và là chủ mưu hàng loạt vụ đánh bom đẫm máu ở Bali năm 2002, mới được ra tù đang hiện diện ở quốc gia này. Đây được xem là lực lượng nòng cốt, mối đe dọa khủng bố ở Malaysia.

Tổ chức Jemaah Islamiyah là nhóm khủng bố Hồi giáo xuyên quốc gia ở Đông Nam Á, từng có liên hệ với tổ chức khủng bố Al Qaeda và Taliban. Tổ chức này đã bị sụp đổ sau chiến dịch trấn áp mạnh mẽ của Chính phủ Indonesia thời gian qua làm nhiều thủ lĩnh cùng thành viên tổ chức này bị bắt giữ và bị kết án tù giam. Tuy nhiên, hiện có nhiều thông tin cho thấy nhóm này đang được gây dựng trở lại và có liên quan tới IS. Hiện Malaysia đang thảo luận với các đối tác về diễn biến mới nói trên để tìm biện pháp đối phó.

Còn Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte mới đây đã cảnh báo, IS đang dần lộ diện ở nước này. Thông tin được đưa ra khi có sự hiện diện của một số người da trắng giống người Arab ở miền Nam Philippines. Ông Duterte nhấn mạnh: “Họ đến đây như các nhà truyền giáo. Họ không có vũ trang nhưng đều muốn truyền đạo, nhưng tôi nghĩ rằng trong vòng 3 đến 7 năm tới, chúng ta có thể sẽ có vấn đề về IS. Ông Duterte cũng cho rằng chính phủ cần phải hành động trước khi những người Hồi giáo bị đầu độc bởi căn bệnh IS. Trước đó, Chính phủ tiền nhiệm của Philippines đã phủ nhận sự hiện diện của IS tại nước này, bất chấp việc nhóm khủng bố địa phương Abu Sayyaf tuyên bố trung thành với IS.

Thực tế, IS đã đánh dấu sự xuất hiện của chúng tại Đông Nam Á bằng cuộc tấn công hồi tháng 1 năm nay tại Jakarta, làm 8 người thiệt mạng. Đến tháng 4 vừa qua, IS tiếp tục cảnh báo Malaysia, Philippines và Indonesia nằm trong số những mục tiêu tấn công tiếp theo. Mới đây, IS đã nhận trách nhiệm trong vụ đánh bom liều chết nhằm vào đám đông ở bệnh viện tại thành phố Quetta của Pakistan, làm 93 người thiệt mạng và 56 người bị thương.

Trước đó, hồi tháng 6, trong đoạn video, IS đã kêu gọi các đối tượng ủng hộ tổ chức này tại Đông Nam Á ở lại quê nhà và hợp nhất trong một nhóm để phát động tấn công ở Đông Nam Á, thay vì bị cuốn vào cuộc xung đột ở Trung Đông. Chúng cho biết IS đã chọn Abu Abdullah, một thủ lĩnh phiến quân người Philippines thề trung thành với IS hồi tháng 1-2016, làm người đứng đầu một nhánh của IS trong khu vực. Các phần tử khủng bố Malaysia, Indonesia và Philippines sẽ làm nòng cốt cho chi nhánh IS Đông Nam Á này.

Sở dĩ IS chọn Đông Nam Á để xây dựng căn cứ địa mới bởi vì bọn chúng muốn hình thành các chi nhánh có khả năng tiến hành các cuộc tấn công vào các mục tiêu ở khu vực này trong thời gian tới, hướng đến việc thành lập “Vương quốc Hồi giáo” (Caliphate) trong khu vực. Theo Cục Cảnh sát Đặc nhiệm Chống khủng bố Liên bang Malaysia (SB-CTD), IS đã bắt đầu chuyển trọng tâm sang khu vực Đông Nam Á, một phần để chứng minh rằng nó vẫn còn là một lực lượng mạnh, có khả năng phối hợp và phát động các cuộc tấn công khủng bố bất chấp IS đang bị các lực lượng quân sự phương Tây và quân đội Iraq, Syria tấn công dữ dội ở Trung Đông. 

Còn ông Alex Bomberg, Trưởng nhóm An ninh và Tình báo Quốc tế có trụ sở ở London (Anh) nhận định, những diễn biến liên quan đến IS trên khắp châu Á gần đây cho thấy tổ chức này đã sẵn sàng tấn công Đông Nam Á. Hiện IS đẩy mạnh việc tuyển dụng người dân bản địa để sử dụng những người này thực hiện tấn công khủng bố tại đất nước của mình. Bên cạnh đó, nhiều chiến binh IS gốc châu Á chiến đấu ở Syria và Iraq đang có xu hướng trở về nước trong bối cảnh IS bị phương Tây và lực lượng trung thành với Tổng thống Assad tấn công dữ dội ở Trung Đông.

Các chuyên gia chống khủng bố cũng cho rằng, trong bối cảnh IS ngày càng suy yếu ở Trung Đông và cần có một địa bàn mới để đứng chân, với những điều kiện địa lý, yếu tố xã hội, con người... khả năng IS hướng tới thành lập một Caliphate ở Đông Nam Á là hoàn toàn có thể xảy ra.                                            

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>