Hồi kết cho Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng

16/06/2016 | 08:15 GMT+7

Thất bại trên nhiều chiến trường ở Trung Đông và cả Bắc Phi đi kèm nguồn tài chính ngày càng cạn kiệt đã làm tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng suy yếu toàn diện. Liệu đây có phải là dấu hiệu báo trước sự sụp đổ của tổ chức khủng bố này trong tương lai gần?

Lực lượng Libya chiếm lại nhiều căn cứ trọng yếu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Ảnh: CNN

Sau gần 1 tháng (bắt đầu từ ngày 23-5) triển khai chiến dịch giải phóng thành phố Fallujah, quân đội Iraq dưới sự hỗ trợ của Liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu đã cơ bản giành thắng lợi ở chiến trường này. Người phát ngôn Liên quân quốc tế chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, Đại tá Steve Warren cho biết, Liên quân quốc tế đã tiến hành hơn 20 đợt không kích nhằm vào các căn cứ của IS tại Fallujah trong những ngày qua đã làm tan rã lực lượng IS tại đây. Hiện nhiều khu vực quan trọng của vùng ngoại ô thành phố đã được giải phóng và tổ chức khủng bố IS đang bị cô lập hoàn toàn tại Fallujah. Đặc biệt, thủ lĩnh IS tại thành phố Fallujah là Maher Albiloa cũng bị tiêu diệt trong các đợt không kích của Liên quân. Thành phố Fallujah, một khu vực rộng lớn chỉ cách thủ đô Baghdad, Iraq hơn 60km về phía Tây bị tổ chức khủng bố đánh chiếm hồi tháng 1-2014. Đây vừa là vị trí chiến lược, đồng thời cũng là một trong những sào huyệt trọng điểm của IS. Việc quân đội Iraq tái chiếm thành phố này có ý nghĩa hết sức quan trọng được xem là nền tảng để quét sạch IS khỏi quốc gia Trung Đông này.

Còn ở Syria, IS cũng đang thất thủ nặng nề ở hầu hết các trận địa trọng yếu, kể cả thủ lĩnh của tổ chức khủng bố của tổ chức này là Abu Bakr al-Baghdadi đã chết trong một chiến dịch không kích của Mỹ. Quân đội chính phủ cũng đã giành thắng lợi quan trọng trên nhiều trận địa làm cho lực lượng IS tại đây suy sụp.

Liên tục thất thủ trên các trận địa thuộc nhiều quốc gia, cộng với nguồn tài chính cạn kiệt đã khiến tổ chức cực đoan này lâm vào cảnh khó khăn. Hệ lụy của nó là IS không thể trả lương cho các tay súng thành viên, làm gia tăng tình trạng tham nhũng, nội bộ xâu xé lẫn nhau dẫn đến sức mạnh bị giảm sút toàn diện. Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ, phụ trách vấn đề liên quan khủng bố Daniel Glaser nhấn mạnh, cùng với các cuộc không kích do liên quân tiến hành nhằm vào các kho chứa tiền và các chuyến buôn bán dầu mỏ của IS đã tiêu hủy phần lớn nguồn tài chính của tổ chức này. Mặt khác, các biện pháp ngăn chặn không để IS tiếp cận với hệ thống ngân hàng cũng như cắt đứt nguồn tiền chuyển tới các khu vực do IS kiểm soát ở vùng phía Bắc Iraq của nhiều quốc gia liên quan đã khiến nguồn lực kinh tế của IS cạn kiệt dần theo thời gian. Đây là nguyên nhân khiến tổ chức cực đoan này gặp khó khăn, dẫn tới nhiều tay súng IS rời bỏ hàng ngũ. Trong đó, phải kể đến vai trò của các nước vùng Vịnh trong việc siết chặt các quy định để phát hiện và đóng băng các quỹ cũng như tài khoản của các nhóm và cá nhân bị tình nghi là khủng bố. Bên cạnh đó, việc cắt đứt đường dây cung cấp tài chính cho nhóm Hezbollah tại Lebanon cũng góp phần quan trọng làm suy yếu tổ chức khủng bố này.

Bị thất bại trên chiến trường Trung Đông mà cụ thể là Iraq và Syria, hiện nay IS đã chuyển hướng rút về Libya nuôi hy vọng củng cố lực lượng. Tuy nhiên, tại quốc gia Bắc Phi này, IS cũng đang bị thất thủ trước quân đội chính phủ và đang bị bao vây cô lập. Một lần nữa hy vọng cuối cùng của IS đang đứng trước sự thất bại hoàn toàn. Liệu đây có phải là tín hiệu báo trước sự sụp đổ hoàn toàn của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trong tương lai gần?

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>