Hình thành Cộng đồng ASEAN

04/01/2016 | 08:19 GMT+7

Tại Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 27 vừa qua (tháng 11-2015) tại thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia), các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký Tuyên bố chung hình thành Cộng đồng ASEAN vào ngày 31-12-2015. Đây là bước ngoặt lịch sử trong quá trình phát triển và mở ra triển vọng hội nhập sâu rộng của ASEAN đối với thế gới.

Cộng đồng ASEAN được thành lập vào ngày 31-12-2015.

Việc lãnh đạo các quốc gia thành viên ASEAN ký Tuyên bố chung hình thành Cộng đồng là một minh chứng rõ ràng nhất khẳng định cam kết của các nước thành viên đối với Hiến chương ASEAN, phản ánh mong muốn và ý chí tập thể nhằm chung sống trong một khu vực hòa bình, an ninh và ổn định lâu dài, tăng trưởng kinh tế bền vững, thịnh vượng chung và tiến bộ xã hội… Sự hình thành Cộng đồng ASEAN là kết quả nỗ lực phấn đấu của các thành viên trong khối trong suốt nửa thế kỷ qua, mở ra tương lai đầy triển vọng đối với từng thành viên cũng như cả khu vực.

Hình thành dựa trên ba trụ cột

Cộng đồng ASEAN là một cộng đồng phát triển trên cả ba trụ cột gồm chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội. Trong ba trụ cột đó, Cộng đồng chính trị-an ninh đóng vai trò đặc biệt quan trọng, giúp đảm bảo cho khu vực một môi trường hòa bình, ổn định, không có chiến tranh để tập trung phát triển kinh tế. Sự phát triển kinh tế cũng tạo điều kiện để an ninh được đảm bảo.

Cộng đồng chính trị-an ninh (APSC) nhằm tạo dựng môi trường hòa bình và an ninh cho phát triển ở khu vực Đông Nam Á thông qua việc hợp tác chính trị-an ninh trong khối ASEAN, kết hợp với sự tham gia và đóng góp xây dựng của các đối tác bên ngoài. Các lĩnh vực hợp tác hướng tới Cộng đồng chính trị-an ninh ngày càng được thúc đẩy và đi vào chiều sâu.

Cộng đồng kinh tế (AEC) nhằm mục tiêu tạo ra một thị trường chung duy nhất và cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề, từ đó nâng cao tính cạnh tranh và thúc đẩy sự thịnh vượng chung cho cả khu vực, tạo hấp dẫn với đầu tư và kinh doanh từ bên ngoài. Hiện Cộng đồng ASEAN có khoảng 625 triệu dân, là thị trường lớn thứ ba thế giới; GDP khoảng hơn 2.500 tỉ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ bảy thế giới. Các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhất trí thông qua Kế hoạch tổng thể về Cộng đồng kinh tế. Nhằm xây dựng một khu vực cạnh tranh về kinh tế, ASEAN thúc đẩy chính sách cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ sở hữu trí tuệ, phát triển cơ sở hạ tầng, thương mại điện tử… Hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế đồng đều, ASEAN đã thông qua và đang triển khai Khuôn khổ ASEAN về phát triển kinh tế đồng đều (AFEED), trong đó đáng chú ý là hỗ trợ các nước thành viên gia nhập sau, khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển.

Cộng đồng văn hóa-xã hội nhằm mục tiêu góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN lấy con người làm trung tâm; có trách nhiệm xã hội nhằm xây dựng tình đoàn kết và thống nhất bền lâu giữa các quốc gia và dân tộc ASEAN bằng cách tiến tới một bản sắc chung; xây dựng một xã hội chia sẻ, đùm bọc, hòa thuận và rộng mở nơi mà cuộc sống, mức sống và phúc lợi của người dân được nâng cao.

Những tín hiệu lạc quan

Cộng đồng ASEAN hình thành sẽ là một cộng đồng gắn kết về chính trị, hội nhập về kinh tế và chia sẻ trách nhiệm về xã hội; gắn kết toàn bộ người dân các nước thành viên ASEAN thông qua các kế hoạch cải cách và hiệu quả, nhằm thúc đẩy cam kết và nhận diện các chính sách cũng như lợi ích khu vực của ASEAN. Bên cạnh đó, Cộng đồng ASEAN cam kết thực hiện quyền tự do cơ bản, quyền con người và mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho toàn bộ người dân ASEAN.

Cộng  đồng ASEAN sẽ thúc đẩy các nước thành viên đoàn kết, tạo dựng lòng tin chiến lược giữa các nước ở khu vực thông qua đối thoại và hợp tác, đẩy mạnh các hoạt động xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa, nhất là các biện pháp ngăn ngừa và quản lý các xung đột tiềm tàng, minh bạch hóa chính sách an ninh-quân sự để từ đó có thể đối phó được với các thách thức, các vấn đề phức tạp nảy sinh.

Cộng đồng ASEAN sẽ mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp cho hàng trăm triệu người một khi hàng hóa, dịch vụ, người lao động và vốn có thể di chuyển tự do hơn trong khối.

Cộng đồng ASEAN bao gồm nhiều lĩnh vực: giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội, môi trường, ứng phó các thách thức an ninh phi truyền thống như dịch bệnh, ma túy, thiên tai… Cộng đồng văn hóa - xã hội sẽ góp phần chăm lo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân một cách toàn diện và thực chất.

Những khó khăn thách thức

Giữa các thành viên Cộng đồng ASEAN có sự khác biệt về lợi ích, chế độ chính trị và hệ tư tưởng. Đây có thể được coi là khó khăn thách thức lớn, vì điều này có thể tạo ra sự phân cực chính trị hay duy trì tình trạng lỏng lẻo trong liên kết giữa các nước ASEAN. Sự tồn tại nhiều cấp độ dân chủ và sự đa dạng về tôn giáo, sắc tộc sẽ cản trở tiến trình liên kết ở các lĩnh vực.

Khoảng cách chênh lệch sự phát triển giữa các thành viên trong Cộng đồng ASEAN là khó khăn lớn nhất để hiện thực hóa cộng đồng. Bản chất của ASEAN là một tổ chức liên chính phủ nên cơ chế hợp tác còn lỏng lẻo, không có tính ràng buộc cao, không có một cơ chế, luật định nào có thể áp chế các xã hội ASEAN. Bên cạnh đó, “phương cách ASEAN” với nguyên tắc không can thiệp là khó khăn rất lớn cho việc thúc đẩy các xã hội hòa nhập để đi tới một cộng đồng thống nhất.

Quá trình di chuyển lao động giữa các thành viên Cộng đồng ASEAN sẽ tạo ra sự thay đổi về cơ cấu dân cư, dân số, phân bổ lao động và việc làm, dẫn đến những chi phí xã hội và chi phí kinh tế tăng cao. Quá trình này sẽ tạo ra sự giao thoa giữa các nền văn hóa, sẽ tạo ra sự đa dạng và sinh động về văn hóa, nhưng cũng làm thay đổi giá trị gia đình, thái độ ứng xử với xã hội.

Cộng đồng ASEAN hình thành sẽ dẫn đến tốc độ phát triển kinh tế nhanh làm ảnh hưởng đến môi trường, dễ làm phát sinh các dịch bệnh nguy hiểm mới.

Sự phát triển công nghệ thông tin và truyền thông sẽ tạo điều kiện cho các dân tộc xích lại gần nhau hơn, qua đó tăng thêm sự hiểu biết đối với đất nước, con người, phong tục, tập quán của nhau. Tuy nhiên, nó cũng tạo nên nguy cơ về sự đồng nhất hóa các hệ thống giá trị, đe dọa làm giảm khả năng sáng tạo của các nền văn hóa - nhân tố hết sức quan trọng đối với sự tồn tại lâu dài của nhân loại. Trong khi đó, bản sắc chung của ASEAN chưa được định hình rõ ràng.

Trong quá trình hội nhập, các nước thành viên sẽ nỗ lực đồng bộ hóa chính sách, đặc biệt trong các lĩnh vực như phát triển nguồn nhân lực, xác định hệ thống tiêu chuẩn hành nghề, tăng cường sự kết nối về cơ sở hạ tầng và thông tin liên lạc. Nhờ quá trình xây dựng cộng đồng chung, người dân ASEAN sẽ được sống trong môi trường chính sách lành mạnh, kinh tế năng động, tự do và văn hóa - xã hội tiến bộ.

Khi ASEAN được thành lập năm 1967, Ngoại trưởng đầu tiên của Singapore, ông S. Rajaratnam đã tuyên bố: “Nếu chúng ta không thống nhất thì chúng ta sẽ bị tiêu diệt từng người một”. Điều này cho thấy tầm quan trọng của sự thống nhất, đoàn kết trong ASEAN.

Trong bối cảnh nhiều khu vực trên thế giới chìm trong xung đột, bạo lực và khủng hoảng chính trị, kinh tế - xã hội, sự ra đời của Cộng đồng ASEAN càng trở nên đặc biệt khi tất cả các quốc gia thành viên đã tìm được tiếng nói đồng thuận, mang lại một cơ hội lớn cho sự phát triển và thịnh vượng của khu vực Đông Nam Á.

Có thể khẳng định, năm 2015 là năm bản lề quan trọng của ASEAN trong tiến trình hội nhập liên kết khu vực. Cộng đồng ASEAN chính thức hình thành sẽ đưa ASEAN bước sang giai đoạn phát triển mới, năng động hơn, thực chất hơn và tất cả vì người dân.

TRUNG HƯNG tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>