Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và sự tham gia của Việt Nam

24/02/2016 | 08:15 GMT+7

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được ký kết vào ngày 4-2-2016 giữa 12 nước, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam. Đây là một Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới - được kỳ vọng trở thành hình mẫu cho phát triển thương mại khu vực và thế giới với yêu cầu cao hơn trong bối cảnh lực lượng sản xuất phát triển rất nhanh và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Bộ trưởng Công thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng (phải, ngoài cùng) và Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia đàm phán TPP trong cuộc họp báo thông báo về thỏa thuận TPP tại hội nghị ở Atlanta ngày 5-10-2015. Nguồn: THX/TTXVN

Lịch sử hình thành TPP:

Đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hiện nay có nguồn gốc từ Hiệp định hợp tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement - còn gọi là P4) - một Hiệp định thương mại tự do được ký kết ngày 3-6-2005, có hiệu lực từ 28-5-2006 giữa 4 nước Singapore, Chile, New Zealand, Brunei. Đến năm 2028, Hoa Kỳ tuyên bố tham gia vào P4 nhưng không phải Hiệp định P4 cũ mà các bên sẽ đàm phán một Hiệp định hoàn toàn mới, gọi là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ngay sau đó, các nước Australia, Peru cũng tuyên bố tham gia TPP.

Ngay sau khi TPP hình thành, Việt Nam đã được các nước TPP mời tham gia. Việt Nam tham gia đàm phán ngay từ những ngày đầu nhưng chưa phải là thành viên chính thức mà là thành viên liên kết. Sau 3 phiên tham dự với tư cách thành viên liên kết, ngày 13-11-2010, Việt Nam tuyên bố tham gia vào TPP với tư cách là thành viên đầy đủ.

Đến nay, TPP có sự tham gia của 12 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Hoa Kỳ, Singapore, Nhật Bản và Việt Nam. Ngoài ra Colombia, Philippines, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc đã bày tỏ sự quan tâm đến TPP.

Mục tiêu của Hiệp định TPP:

Các nước TPP đặt ra các mục tiêu như sau:

Một là, tạo ra một mô hình mới về hội nhập và hợp tác kinh tế khu vực, tạo thuận lợi hơn nữa cho dòng chảy thương mại và đầu tư nếu có thể thì biến TPP thành hạt nhân để hình thành một khu vực thương mại tự do chung cho toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hai là, đi đường ngắn nhất để đạt lợi ích cao nhất. Do khu vực thương mại tự do mà TPP tạo ra rất lớn (có tổng GDP hơn 28.000 tỉ USD, chiếm 40% tổng GDP và hơn 30% tổng thương mại toàn cầu) nên các dây chuyền cung ứng sẽ có động lực dịch chuyển về khu vực này, tạo ra lợi thế và lợi ích kinh tế to lớn cho tất cả các nước tham gia.

Ba là, những nước chưa có quan hệ FTA với Hoa Kỳ như Nhật Bản, New Zealand, Malaysia và Việt Nam đều mong muốn thông qua TPP để thiết lập FTA với Hoa Kỳ và tiếp cận thị trường rộng lớn này.

Quá trình đàm phán TPP:

Kể từ khi chính thức khởi động vào tháng 3-2010, đàm phán đã trải qua hơn 30 phiên làm việc ở cấp kỹ thuật và hơn 10 cuộc đàm phán ở cấp Bộ trưởng. Lãnh đạo các nước TPP cũng đã nhiều lần gặp nhau để thảo luận các biện pháp thúc đẩy đàm phán. Có thể nói TPP là FTA có tần suất đàm phán và cấp tham gia đàm phán cao nhất trong số các FTA mà Việt Nam đã tham gia.

Trong nhiều năm qua, các nước đã nhiều lần đặt ra mục tiêu kết thúc đàm phán. Tuy nhiên, một phần do nội dung đàm phán quá phức tạp; phần khác do tình hình chính trị nội bộ ở một số nước chưa hoàn toàn thuận lợi nên chưa thể kết thúc. Đến giữa năm 2015, cơ hội kết thúc đàm phán mới xuất hiện rõ nét hơn. Từ ngày 28 đến 31-7-2015 tại Hawaii, Hoa Kỳ, các nước TPP đã tổ chức Hội nghị Bộ trưởng và các nước đã đạt gần như tất cả các vấn đề, kể cả các lĩnh vực khó như đầu tư, dịch vụ tài chính, thương mại và môi trường, doanh nghiệp nhà nước… Tuy nhiên, các Bộ trưởng vẫn chưa kết thúc đàm phán, chủ yếu vì 3 nội dung chưa đạt được đồng thuận. Đó là mở cửa thị trường ô tô, mở cửa thị trường sữa và bảo hộ độc quyền dữ liệu cho thuốc sinh học (sinh dược). Tới Hội nghị Bộ trưởng tại Atlanta, Hoa Kỳ, sau 5 ngày đàm phán (từ 30-9 đến ngày 5-10-2015), các Bộ trưởng đã đạt được đồng thuận về tất cả các vấn đề còn tồn tại và đã ra tuyên bố chính thức về việc kết thúc đàm phán Hiệp định TPP.

TPP được coi là hình mẫu cho hợp tác kinh tế khu vực trong những năm đầu thế kỷ 21, gồm 30 chương, đề cập không chỉ các lĩnh vực truyền thống như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư mà còn cả các vấn đề mới như thương mại điện tử, tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng, DNNN…

Với các kết quả đàm phán đã đạt được, TPP sẽ là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao trên cơ sở cân bằng lợi ích và lưu ý tới trình độ phát triển khác nhau giữa các nước tham gia Hiệp định, đồng thời kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại tất cả các nước TPP; tạo việc làm, giảm nghèo và nâng cao mức sống của người dân, thúc đẩy sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh, thúc đẩy minh bạch hàng hóa, quản trị tốt, đồng thời củng cố các tiêu chuẩn về lao động và môi trường.

TP tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>