Hiệp định ATIGA

21/01/2016 | 17:57 GMT+7

Tại Hội nghị Hội đồng thương mại tự do (AFTA) lần thứ 21 và Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 39, các nước ASEAN đã quyết định xây dựng một hiệp định điều chỉnh toàn diện tất cả các lĩnh vực về thương mại hàng hóa trong khối ASEAN. Hiệp định này thay thế Hiệp định chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung để thực hiện Khu vực Thương mại tự do ASEAN (CEPT/AFTA) đã ký năm 1992. Đó là Hiệp định ATIGA.

Sản xuất linh kiện xe máy tại Khu công nghiệp Sông Công, Thái Nguyên.    Nguồn: TTXVN

Hiệp định ATIGA chính thức có hiệu lực từ ngày 17-5-2010 khi Thái Lan, thành viên cuối cùng của ASEAN nộp văn kiện phê chuẩn Hiệp định ATIGA cho Ban Thư ký ASEAN.

ATIGA là tên viết tắt của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ASEAN Trade in Goods Agreement) được ra đời với mục đích điều chỉnh toàn bộ thương mại hàng hóa trong nội khối ASEAN và được xây dựng trên cơ sở tổng hợp các cam kết đã được thống nhất trong Hiệp định về Khu vực Thương mại tự do ASEAN (CEPT/AFTA) cùng các hiệp định, nghị định thư có liên quan. Nếu so sánh với Hiệp định thương mại hàng hóa được ban hành từ năm 1992 (CEPT), thì Hiệp định ATIGA linh hoạt hơn và chi tiết hơn. Nguyên tắc xây dựng cam kết trong Hiệp định ATIGA là các nước ASEAN phải dành cho nhau mức ưu đãi tương đương hoặc thuận lợi hơn mức ưu đãi dành cho các nước đối tác trong các Thỏa thuận thương mại tự do (AFTA) mà ASEAN là một bên của thỏa thuận. Trong khuôn khổ này, đến năm 2015, cơ bản các mặt hàng sẽ được xóa bỏ thuế quan và 7% tổng số dòng thuế được linh hoạt đến năm 2018. ASEAN đã thống nhất xóa bỏ toàn bộ thuế quan đối với các nước Brunei, Indonesia, Malaysia, Philipines, Singapore và Thái Lan vào năm 2010 và với các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam vào năm 2015 với một số linh hoạt đến năm 2018 (khoảng 7% tổng số dòng thuế); đồng thời cho phép tạm ngừng hoặc điều chỉnh cam kết thực hiện nghĩa vụ cắt giảm, xóa bỏ thuế quan giữa các nước trong khối ASEAN.

Ngoài mục tiêu xóa bỏ hàng rào thuế quan, Hiệp định ATIGA hướng nỗ lực chung của ASEAN để xử lý tối đa các hàng rào phi thuế quan, hợp tác hải quan và vệ sinh… đồng thời xác lập mục tiêu hài hòa chính sách giữa các thành viên ASEAN trong bối cảnh xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Phạm vi toàn diện của Hiệp định ATIGA sẽ góp phần làm minh bạch quá trình tự do hóa thương mại khu vực. Toàn bộ các cam kết về thương mại hàng hóa nội khối đều đã được tổng hợp trong hiệp định.

Hiệp định ATIGA là thành tựu to lớn, góp phần thiết lập thị trường và cơ sở sản xuất đồng nhất để xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) cũng như góp phần thúc đẩy thương mại nội khối thông qua việc đơn giản hóa các thủ tục, giảm bớt thời gian và chi phí kinh doanh, từ đó làm tăng lợi nhuận cho khối doanh nghiệp và đông đảo người tiêu dùng.

Thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan theo quy định của Hiệp định ATIGA, Việt Nam đã cắt giảm trên 8.500 dòng thuế xuống 0%. Số còn lại sẽ tiếp tục điều chỉnh xuống 0% vào năm 2018, chủ yếu là các mặt hàng nhạy cảm như ô tô, xe máy, phụ tùng linh kiện ô tô - xe máy, sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa, hoa quả nhiệt đới…

Với một thị trường có trên 600 triệu người tiêu dùng, tổng GDP trên 1.300 tỉ USD và là khu vực phát triển năng động nhất thế giới, ASEAN hiện là một trong bốn đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Hiệp định ATIGA cùng với việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ tạo nhiều cơ hội cho nước ta đẩy mạnh phát triển thương mại với các nước trong khu vực.

TRUNG HƯNG tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>