Hạ viện Anh đồng thuận kế hoạch Brexit

09/12/2016 | 06:59 GMT+7

Hạ viện Anh đã nhất trí với thời gian biểu kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon vào cuối tháng 3-2017 nhằm khởi động tiến trình đàm phán đưa đảo quốc này ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.

Ảnh minh họa: AP

Với 461 phiếu thuận và 89 phiếu chống với thời gian biểu kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon (điều kiện đầu tiên để khởi động Brexit) do Chính phủ của Thủ tướng Theresa May đưa ra đã cho thấy sự đồng thuận khá cao của Hạ viện Anh về Brexit. Điều quan trọng, Công đảng đối lập đã bày tỏ sự nhất trí đối với thời gian biểu của Thủ tướng May. Tuy nhiên, lãnh đạo Công đảng vẫn cho rằng việc đầu tiên mà bà May cần phải làm ngay đó là công bố chiến lược đàm phán với các nội dung chi tiết, cụ thể. Ông David Davis, Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit, nhắc lại cam kết sẽ dành quyền bỏ phiếu cuối cùng cho các nghị sĩ trước khi Chính phủ kích hoạt Điều 50 khởi động tiến trình đàm phán với EU. Mặc dù vậy, ông khẳng định đây sẽ không phải là một nguyên tắc quyết định đến việc nước Anh rời EU. Việc Hạ viện Anh nhất trí với thời gian biểu kích hoạt Điều 50 sẽ giúp tiến trình Brexit “thuận buồm, xuôi gió” hơn. Tuy nhiên, giới chức Anh vẫn hy vọng sẽ có một “Brexit mềm”, nghĩa là nước này đạt được thỏa thuận “chia tay” với EU nhưng vẫn duy trì mối quan hệ hữu ích cho cả hai bên.

Dự kiến lộ trình Brexit sẽ kéo dài 2 năm, theo đó Anh sẽ chia tay liên minh này vào mùa Hè năm 2019. Tuy nhiên, Tòa Thượng thẩm Anh đã ra phán quyết rằng cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU ngày 23-6 chỉ mang tính chất tham khảo và việc kích hoạt Điều 50 cần được Quốc hội thông qua.

Trong khi đó, ông Michel Barnier, nhà thương lượng của EU về việc Anh rời khỏi liên minh, cho rằng một thỏa thuận về Brexit cần đạt được trước tháng 10-2018 để Nghị viện châu Âu kịp thông qua thỏa thuận này vào tháng 3-2019. Ông Barnier dự kiến sẽ đàm phán với tất cả 27 nước EU, ngoại trừ Anh vào cuối tháng 1-2017 về vấn đề này và cho biết EU đã chuẩn bị cho việc Thủ tướng Anh Theresa May gửi thông báo kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon. Ông Barnier nói: “Tiến trình đàm phán sẽ rất phức tạp cả về mặt pháp lý, nhạy cảm chính trị, cũng như tác động lớn đối với nền kinh tế của cả Anh và EU. Song chúng ta sẽ chỉ có chưa đầy 18 tháng để thương lượng. Vì thế, Anh nên thông báo cho Hội đồng châu Âu quyết định của mình vào cuối tháng 3 năm tới để các cuộc đàm phán có thể bắt đầu vài tuần sau đó”.

Tuyên bố của nhà đàm phán châu Âu đã gia tăng sức ép lên Thủ tướng Anh Theresa May, trong bối cảnh Tòa án Tối cao nước này đang có phiên điều trần kéo dài 4 ngày để xem xét kháng cáo của Chính phủ Anh đối với phán quyết của Tòa Thượng thẩm nước này rằng việc kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon phải được Quốc hội thông qua. Theo các nhà phân tích, nếu Tòa án Tối cao giữ nguyên phán quyết của Tòa Thượng thẩm, tiến trình đàm phán về vấn đề này sẽ bị chậm lại nhiều tháng và quy trình pháp lý cũng phức tạp hơn. Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson tự tin cho rằng, lộ trình đàm phán mà Ủy ban châu Âu đưa ra là hoàn toàn có thể đáp ứng được, nếu tất cả các bên liên quan đều làm việc trên tinh thần công bằng và tích cực.

Theo giới quan sát, mặc dù được Hạ viện Anh thông qua thời gian biểu Brexit nhưng tiến trình này đòi hỏi lâu dài bởi những thủ tục liên quan. Thực tế thì cả Anh và EU vẫn còn rất nhiều lúng túng trong quá trình tiến tới đàm phán. Theo kết quả khảo sát do hãng Ipso MORI vừa công bố mới đây, gần một nửa số người Anh cho rằng Chính phủ của Thủ tướng Theresa May đang xử lý vấn đề Brexit một cách “tồi tệ”. Kết quả khảo sát trên được đưa ra sau khi một tài liệu bị rò rỉ tiết lộ Chính phủ Anh đang chia rẽ sâu sắc về Brexit và cần tuyển dụng thêm 30.000 nhân viên nữa để xử lý 500 dự án liên quan đến vấn đề này. Điều này đồng nghĩa chuyện “ly hôn” của Anh và EU sẽ còn kéo dài.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>