Giờ Trái đất năm 2016

21/03/2016 | 06:39 GMT+7

Mới đây, nhiều nước trên thế giới đã tiến hành tắt đèn để hưởng ứng sự kiện Giờ Trái đất năm 2016 nhằm mục đích to lớn là bảo vệ hành tinh và nêu bật những tác hại của tình trạng biến đổi khí hậu.

Giờ Trái đất là sáng kiến của Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (World Wildlife Fund-WWF) nhằm mục đích nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu và tiết kiệm năng lượng trên toàn thế giới. Giờ Trái đất bắt đầu được tổ chức vào năm 2007 ở Sydney (Australia) với số người tham gia khoảng 2 triệu. Nhờ các phương tiện truyền thông tuyên truyền, nên số người tham gia ngày càng tăng dần với khoảng 50 triệu người vào năm 2008 và năm 2009 là hơn 1 tỉ người. Từ một chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức về tác động của biến đổi khí hậu, Giờ Trái đất đã trở thành một phong trào với sự tham gia đông đảo của nhân dân ở hơn 7.000 thành phố của 178 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất, mọi người không chỉ tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và gia đình trong thời gian diễn ra Giờ Trái đất hàng năm, mà còn thường xuyên thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện như: hạn chế sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện nhiều vào giờ cao điểm; tắt đèn chiếu sáng khi không có nhu cầu sử dụng; bố trí đèn chiếu sáng hợp lý; ngắt hẳn các thiết bị điện ra khỏi nguồn điện; sử dụng đèn và các thiết bị có dán nhãn năng lượng,… Tạo thói quen sống thân thiện với môi trường như: Tận dụng đồ để tái sử dụng khi  có thể; sử dụng túi sinh học tự hủy không ảnh hưởng tới môi trường thay cho túi ni lông truyền thống; sử dụng phương tiện giao thông bằng xe buýt; vứt rác đúng nơi quy định và giữ gìn vệ sinh công cộng; tích cực tham gia hưởng ứng các sự kiện về bảo vệ môi trường.

Năm nay là năm thứ 10 diễn ra sự kiện Giờ Trái đất và có nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới hưởng ứng mạnh mẽ. Tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc, nhiều tòa nhà của chính phủ đã tắt đèn trong thời điểm diễn ra Giờ Trái đất. Nhiều khu phố sầm uất, nhà ga đường sắt chính và nhiều cây cầu bắc qua sông Hàn cũng hạn chế các ngọn đèn bật sáng. Tại thành phố Sydney của Australia, Nhà hát Opera và Cầu Cảng, hai công trình biểu tượng của nước này, đã đồng loạt tắt đèn trong thời gian diễn ra Giờ Trái đất năm 2016 (từ 20 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút ngày 19-3). Giám đốc điều hành toàn cầu Giờ Trái đất Siddharth Das đã bày tỏ vui mừng trước sự mở rộng của chiến dịch trong suốt 10 năm qua, kết nối hàng triệu người trên thế giới vì mục tiêu hành động chống biến đổi khí hậu. Ông Das cho biết, người dân hiện đang phải tiếp xúc với các tác động của biến đổi khí hậu hơn bao giờ hết so với thời điểm chiến dịch bắt đầu, biến đổi khí hậu hiện nay đã trở thành một quan ngại ở cấp độ cá nhân.

Theo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan Đại dương và Khí quyển Mỹ (NOAA), năm 2015, nhiệt độ trung bình của Trái đất đã lên tới mức cao kỷ lục, do vậy, để khí hậu Trái đất bớt nóng thì cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính là việc làm rất cần thiết. Cũng theo hai cơ quan này, sự gia tăng nhiệt độ nói trên một phần là do hiện tượng khí hậu thời tiết cực đoan El Nino gây ra. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng nhiệt độ này chủ yếu là do các hoạt động của con người gây ra, đặc biệt là việc tăng sử dụng nhiện liệu hóa thạch.

TRUNG HƯNG tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>