G7 phản đối Trung Quốc về vấn đề Biển Đông

14/04/2016 | 07:22 GMT+7

Sau hai ngày làm việc, Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) diễn ra tại thành phố Hiroshima của Nhật Bản vừa kết thúc với tuyên bố phản đối Trung Quốc về các hành vi khiêu khích ở Biển Đông và Hoa Đông. Động thái trên của G7 được xem là sự công kích nhằm vào Bắc Kinh vì những mưu đồ độc chiếm Biển Đông.

Các tàu đánh cá của Trung Quốc. Nguồn: AFP

Theo đó, các ngoại trưởng G7 (gồm Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Italia và Nhật Bản) cho biết họ phản đối bất cứ hành động đơn phương có tính chất hăm dọa, cưỡng ép hoặc khiêu khích có thể làm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Mặc dù không nêu thẳng tên Trung Quốc trong tuyên bố nhưng họ kêu gọi các quốc gia ngưng các hoạt động như cải tạo đảo và xây dựng vì mục đích quân sự có thể ảnh hưởng sự ổn định hoặc thay đổi tình trạng khu vực. Tranh chấp giữa các quốc gia liên quan nên được giải quyết bằng sự tin cậy và theo luật pháp quốc tế.

Sở dĩ G7 công kích hành vi độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc bởi vì thời gian qua, Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với gần hết Biển Đông. Nước này đang xây dựng phi pháp các đảo nhân tạo trên các rạn san hô nhằm củng cố các tuyên bố chủ quyền sai trái của mình. Gần đây, Bắc Kinh đã đưa vào sử dụng sân bay nhằm quân sự hóa với ý đồ đen tối độc chiếm Biển Đông. Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn ngang nhiên tuyên bố nước này có quyền xây dựng trên quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam), đồng thời cho rằng điều này không hề cản trở tự do hàng hải và hàng không quốc tế.

Những tuyên bố chủ quyền vô căn cứ của Bắc Kinh không chỉ bị các quốc gia trong khối ASEAN phản đối mạnh mẽ mà còn bị cả thế giới cực lực lên án vì làm thay đổi hiện trạng Biển Đông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thương hàng hải quốc tế đi qua vùng biển này. Tương lai không xa khi Bắc Kinh thiết lập vùng nhận dạng phòng không thì cả vùng trời nơi đây cũng bị khống chế, cản trở hoạt động hàng không quốc tế khi đi qua khu vực.

Trong một động thái liên quan trước đó, Tổng Giám đốc Cơ quan thực thi pháp luật biển Malaysia (MMEA) Ahmad Puzi Ab Kahar cho biết, gần đây các tàu của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc đã hộ tống 100 tàu cá của nước này xâm nhập vùng biển Malaysia tại bãi cạn Luconia ở Biển Đông, ngoài khơi bang Sarawak. Điều này lý giải tại sao chúng tôi đang thực hiện một cách tiếp cận thận trọng”.

Liên quan đến vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, Philippines khẳng định sẽ chờ phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Hay (Hà Lan), có thể sẽ được đưa ra trong vài tuần tới. Được biết, trước đó, Manila nộp đơn khiếu nại về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với phần lớn diện tích ở Biển Đông tại tòa án này và vụ kiện đã cơ bản xử xong, chờ phán quyết. Theo giới phân tích, vụ kiện trên, phần thắng đang thiên về Philippines.

Giới quan sát cho rằng, tuyên bố của G7 và phản ứng của dư luận quốc tế về việc Trung Quốc đã và đang lấn chiếm trái phép Biển Đông một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh Bắc Kinh về hành động sai trái này. Điều này buộc các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải xem lại mình nếu không muốn bị thế giới cô lập.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>