Đừng đùa với tiềm lực hạt nhân của Triều Tiên

13/10/2016 | 08:23 GMT+7

Triều Tiên vừa dõng dạc tuyên bố, sẵn sàng thực hiện các đòn giáng trả không thương tiếc bằng vũ khí hạt nhân nhằm vào Mỹ nếu Washington tìm cách tiến hành các cuộc tấn công phủ đầu vào Triều Tiên. Điều này vừa là thách thức vừa là cảnh báo đối với Mỹ là Bình Nhưỡng đã có đủ tiềm lực về vũ khí hủy diệt để đương đầu với Washington.

Phòng thí nghiệm được Triều Tiên sử dụng để chia tách plutonium từ chất thải của một lò phản ứng hạt nhân. Nguồn: AP/TTXVN

Theo nhóm nghiên cứu phi lợi nhuận thuộc Viện nghiên cứu RAND ở Mỹ, vừa công bố một báo cáo ước tính rằng Triều Tiên có thể sở hữu 100 vũ khí hạt nhân chỉ trong vòng 4 năm tới và số vũ khí này có thể được phát triển thành tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, tên lửa lưu động và tên lửa tầm xa. Theo đó, các ước tính gần đây nhất cho thấy Triều Tiên có thể đã có đủ nguyên vật liệu để chế tạo từ 13 đến 21 vũ khí hạt nhân. Đến năm 2020, nước này có thể sở hữu đủ điều kiện để chế tạo từ 50 đến 100 vũ khí hạt nhân. Với tiềm lực hạt nhân trên trong vòng 4 đến 6 năm tới, Bình Nhưỡng sẽ sở hữu một lực lượng hạt nhân với quy mô đáng kể và đa dạng chủng loại. Đây là mối đe dọa đối với Hàn Quốc, Mỹ, Nhật và một số quốc gia lân cận.

Mặc dù liên tục bị bao vây, cấm vận từ các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, nhưng chỉ trong vòng 10 năm sau khi tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên, Triều Tiên đã phát triển cả chương trình vũ khí hạt nhân cũng như đạt tiến bộ rõ rệt trong công nghệ tên lửa. Van Jackson, phó giáo sư tại Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương - một cơ quan cố vấn của Lầu Năm Góc trụ sở tại Hawaii, cho rằng: “Triều Tiên đang chạy tới đích của đường đua hạt nhân”. Trong khi đó, Vipin Narang, nhà khoa học chính trị và chuyên gia về phổ biến hạt nhân tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), cho rằng dường như Triều Tiên đang xây dựng một loạt nền tảng phóng tên lửa để có thể bắn trúng Nhật Bản, Hàn Quốc, các căn cứ của Mỹ tại châu Á và cuối cùng là nước Mỹ. Theo ông Narang, chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng không còn là trò đùa nữa.

Trước những sự kiện trên, Hàn Quốc đang nỗ lực tìm mọi giải pháp để đối phó với Triều Tiên. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết nước này và Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí áp dụng mọi biện pháp có thể, nhằm góp phần chấm dứt chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se và Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Federica Mogherini, đều cho rằng vấn đề hạt nhân Triều Tiên là cấp bách cần được quan tâm, đồng thời cam kết hợp tác chặt chẽ trong việc nỗ lực để các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để ngăn chặn Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân. Mới đây, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố quân đội nước này sẽ đánh phủ đầu Triều Tiên nếu xuất hiện những dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng chuẩn bị tiến hành một vụ tấn công hạt nhân. Đây được xem là lời tuyên bố mạnh mẽ và cứng rắn nhất của chính quyền Seoul nhằm chống lại những nguy cơ an ninh ngày càng gia tăng từ Bình Nhưỡng.

Cùng thời gian này, Mỹ và Hàn Quốc đã hối thúc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhanh chóng thông qua nghị quyết trừng phạt cứng rắn hơn đối với Triều Tiên. Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se thông báo, chính phủ Hàn Quốc đang cân nhắc việc soạn thảo các biện pháp trừng phạt đơn phương cứng rắn hơn nhằm vào Triều Tiên.

Trong một động thái liên quan, Tư lệnh Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, Tướng Vincent Brooks đã hội đàm với Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản (JGSDF), Tướng Toshiya Okabe để thảo luận về cách thức tăng cường hợp tác trước các mối đe dọa quân sự của Triều Tiên. Tại cuộc gặp, các lãnh đạo quân sự cũng “chia sẻ quan điểm về tầm quan trọng của tăng cường đối thoại và can dự giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản nhằm tập trung vào các lựa chọn để ngăn chặn Triều Tiên có những hành động khiêu khích trong tương lai”.

Giới phân tích nhận định, Triều Tiên đã thực sự sở hữu vũ khí hạt nhân và tiềm lực về vũ khí hủy diệt này sẽ lớn nhanh theo thời gian. Đây là mối đe dọa đối với các nước đối đầu như Hàn Quốc, Mỹ, Nhật… Những động thái thách thức gần đây của Bình Nhưỡng đã gióng lên hồi chuông về nguy cơ chạy đua vũ trang ở Bán đảo Triều Tiên. Tín hiệu xấu này đã dự báo cho cuộc chiến tranh hạt nhân trong tương lai nếu các bên liên quan không tìm được giải pháp hòa bình.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>