Đức tiếp tục mở cửa tiếp nhận người di cư tác động đến EU

03/11/2016 | 07:18 GMT+7

Mặc dù bị phản đối từ các nhà chính trị cánh hữu đối lập, song Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách mở cửa với người di cư. Động thái này đã góp phần thúc đẩy các quốc gia liên quan ủng hộ tiếp nhận người di cư.

Cuộc khủng hoảng di cư đang làm các nhà lãnh đạo EU phải đau đầu.   Nguồn: GETTY IMAGES

Thủ tướng Đức Merkel khẳng định vẫn còn rất nhiều việc phải làm để giải quyết khủng hoảng di cư do ảnh hưởng từ cuộc xung đột ở Trung Đông, song bà khẳng định sẽ không thay đổi chính sách này. Bà Merkel cũng cho biết: “Đức đang thực hiện những kế hoạch đã đề ra tại Hội nghị London (Anh) hồi tháng 2. Theo đó, hội nghị đã thảo luận chi tiết về những kết quả đạt được trong giải quyết làn sóng người di cư tị nạn, trong đó có việc nhiều trẻ em tị nạn đã được đến trường hay có thêm nhiều người tị nạn tìm được việc làm…”. Tại Đức, chỉ tính riêng năm học vừa qua, các trường học và trường đào tạo nghề đã tiếp nhận khoảng 300.000 trẻ em tị nạn. Thông báo được đưa ra tại Hội nghị các bộ Văn hóa 16 bang nước Đức gần đây cho biết hệ thống giáo dục tại Đức đã mở rộng cửa để tiếp nhận những trẻ em tị nạn và chính quyền tại các bang đã nỗ lực rất nhiều trong thời gian qua. Mục đích chính của hệ thống giáo dục Đức là đào tạo cho các trẻ em tị nạn nhanh chóng học ngôn ngữ, hiểu biết giá trị dân chủ, đồng thời kết hợp đào tạo nghề. Theo số liệu của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR), hiện có tới 3,7 triệu trong khoảng 6 triệu trẻ em tị nạn đang ở độ tuổi đi học mà không được đến trường. Người đứng đầu UNHCR Filippo Grandi nhấn mạnh con số này cho thấy đây là một cuộc khủng hoảng đối với hàng triệu trẻ em tị nạn, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế phối hợp hành động.

Đức là một trong những quốc gia trong khối Liên minh châu Âu (EU) chủ trương mở cửa tiếp nhận những người di cư tị nạn. Năm 2015 có 577.000 người tị nạn nhập cư vào Đức, chiếm hơn 50% số người tị nạn nhập cư vào EU. Trong số này, khoảng 400.000 người đã được phân bổ xuống các địa phương, đã được đăng ký và kiểm tra với sự hỗ trợ của quân đội liên bang. 9 tháng đầu năm nay, có khoảng 213.000 người tị nạn đăng ký ở Đức. Chính những động thái tích cực trên của Đức đã tác động đến một số quốc gia cùng hưởng ứng tiếp nhận người tị nạn. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ đang cưu mang gần 2,7 triệu người Syria, đổi lại theo thỏa thuận đã ký với Thổ Nhĩ Kỳ hồi cuối tháng 3 năm nay, EU có trách nhiệm giải ngân 3 tỉ euro (3,38 tỉ USD) cho Ankara để đối phó với cuộc khủng hoảng nhập cư và đảm bảo tài chính cho các dự án về nhà ở, y tế, giáo dục, nghiên cứu dành cho người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ. EU còn cam kết huy động các nguồn tài chính để cung cấp thêm cho Thổ Nhĩ Kỳ 3 tỉ euro cho tới cuối năm 2018.

Mới đây, Bộ trưởng Nhập cư, Di trú và Công dân Canada John McCallum tuyên bố nước này sẽ tiếp nhận 300.000 di dân trong năm 2017 nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và khắc phục tình trạng lão hóa dân số. Con số này cao hơn hẳn mục tiêu của cả 5 năm trước đó cộng lại, theo đó từ năm 2011-2015, Canada chỉ đón tổng cộng 260.000 người.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh Theresa May cho biết, Anh sẽ không tiếp nhận thêm người di cư tị nạn nữa. Bởi lẽ, gần đây Anh đã tiếp nhận một số lượng đáng kể trẻ em từ trại tị nạn Calais và sẽ đưa sang Anh định cư. Theo đó, chỉ tính riêng trong tháng 10, Anh đã tiếp nhận tổng cộng 274 trẻ em từ khu trại tị nạn Calais (Pháp), đa phần những trẻ em này có người thân hiện đang sinh sống ở Anh. Trước đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã lên tiếng yêu cầu Anh tiếp nhận thêm trẻ em trong tổng số 1.500 trẻ em hiện đang ở khu trại tị nạn Calais do Pháp tiến hành dỡ bỏ khu trại này. Những trẻ em không có người thân đi cùng ở khu trại tị nạn này được đưa một phần đến Anh và một phần về các khu trại khác trên đất Pháp.

Giới quan sát nhận định, mặc dù cũng còn nhiều quốc gia chưa sẵn sàng tiếp nhận người di cư nhưng chính sách mở cửa của Đức thời gian qua đã góp phần tích cực giải quyết việc khủng hoảng làn sóng di cư từ các quốc gia Trung Đông, Bắc Phi vào EU. Hành động vì cộng đồng của Đức mà đại diện là Thủ tướng Angela Merkel đã tác động tích cực đến các quốc gia EU cùng chung tay giải quyết bài toán khó cuộc khủng hoảng di cư hiện nay.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>