Động thái đáp trả phán quyết của PCA

05/07/2016 | 07:04 GMT+7

Càng gần tới ngày Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan) đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc đưa ra yêu sách phi lý “đường lưỡi bò” trên Biển Đông, Bắc Kinh đã có những động thái đáp trả gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế.

Trung Quốc tiến hành bồi lấp trái phép trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc cho biết, nước này sẽ tiến hành một cuộc tập trận quân sự xung quanh quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã chiếm của Việt Nam. Cuộc tập trận quân sự này dự kiến sẽ diễn ra trước thời điểm Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đưa ra phán quyết vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc về yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý chiếm phần lớn Biển Đông, xâm phạm chủ quyền của nhiều nước trong khu vực, trong đó có Philippines. Theo Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc, nơi diễn ra cuộc tập trận bao gồm khu vực từ phía Đông đảo Hải Nam trở xuống và bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Mặc dù tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), nhưng Trung Quốc cho rằng Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) không có quyền đưa ra một phán quyết mang tính ràng buộc về vấn đề này. Quan điểm của Trung Quốc gói gọn trong ba điểm. Thứ nhất, bản chất vụ kiện là chủ quyền đối với một số cấu trúc địa lý không thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Thứ hai, Trung Quốc và Philippines có thỏa thuận song phương giải quyết các vấn đề tranh chấp bằng đàm phán nên việc Philippines đơn phương khởi kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) là vi phạm thỏa thuận. Thứ ba, kể cả nếu vấn đề tranh chấp thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, thì đây vẫn là trường hợp phân định biển của hai quốc gia.

Đối với Philippines, Biển Đông là con đường huyết mạch nối quốc gia này với các thị trường quốc tế, vận chuyển hàng hóa nhập khẩu cũng như phục vụ ngành chế tạo còn non trẻ của nước này. Ngoài ra, hầu hết dân cư các vùng duyên hải của nước này kiếm sống bằng nghề đánh bắt cá. Nếu Philippines đánh mất lợi thế trong cuộc tranh chấp lãnh hải này, thì vị thế địa chính trị vốn đã yếu của quốc gia này càng bị lung lay hơn.

Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) cuối cùng cũng sẽ đưa ra phán quyết của mình và nhiều khả năng không có lợi cho phía Trung Quốc. Song điều đó không có nghĩa phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) sẽ làm thay đổi sâu sắc tình hình khu vực. Thực tế cho thấy Trung Quốc là một cường quốc mạnh tại Thái Bình Dương và họ đang sở hữu trái phép nhiều đảo bất chấp những quy định của luật pháp quốc tế. Hiện Trung Quốc đã bồi đắp ít nhất 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam với diện tích được mở rộng lên tới hơn 1.300ha, mặc dù những thực thể này nằm trong vụ kiện mà Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) thụ lý từ năm 2013.

Mới đây, trong một cuộc thảo luận tại trung tâm nghiên cứu ở thủ đô Washington, dư luận Mỹ lo ngại Trung Quốc  sẽ đơn phương thiết lập Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông nếu vấp phải phán quyết bất lợi từ Tòa Trọng tài Thường trực (PCA).

TRUNG HƯNG tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>