Đề xuất “luật tử hình”... robot

16/01/2017 | 08:11 GMT+7

Quốc hội châu Âu vừa soạn thảo đề cương hợp pháp robot trong bối cảnh châu Âu sắp có cuộc cách mạng robot. Một trong số này, Quốc hội châu Âu đề nghị phải có nút để giết, ngăn không cho robot phá hoại.

Lo robot làm hại con người - chuyện không thừa.

Mady Delvaux, nghị sĩ phụ trách bản đề xuất, nói với Hãng tin CNN: “Ngày càng nhiều mặt của đời sống hàng ngày bị thế giới robot ảnh hưởng. Để đảm bảo robot luôn và chỉ phục vụ loài người, chúng tôi khẩn thiết đưa ra đề cương hợp pháp robot tại châu Âu”. Đề xuất này kêu gọi phải có hiến chương nhằm hướng dẫn các kỹ sư thiết kế ra những cỗ máy an toàn, đạo đức. Thí dụ, mỗi robot đều phải có công tắc khẩn để “giết” robot trong trường hợp khẩn cấp. Đồng thời, tất cả nhà thiết kế, điều hành, sản xuất robot phải tuyệt đối tuân thủ “luật robot”, trong đó robot không được làm hại hay giết con người và phải tuyệt đối nghe lời chủ nhân.

Ông Mady Delvaux nói rằng con người phải luôn nhìn nhận robot như một loại máy móc và tuyệt đối không được nghĩ rằng robot thương yêu con người. Ông Delvaux đưa ra ví dụ rằng những người bệnh phải phụ thuộc vào robot dần dà có thể nảy sinh tình cảm với chính robot.

Vấn đề thiệt hại do robot gây ra cũng được đề xuất này nhắc đến. Theo đó, nhà sản xuất và chủ nhân robot sẽ phải mua bảo hiểm cho những thiệt hại robot gây ra, tương tự như chủ ôtô mua bảo hiểm cho xe hiện nay. Quốc hội châu Âu cũng yêu cầu Ủy ban châu Âu xem xét việc đánh thuế chủ robot nếu như robot bắt đầu ồ ạt thay thế con người, trở thành một lực lượng sản xuất trong các nhà máy.

Có thể thấy rằng sự ra đời của robot đã giúp ích rất nhiều cho con người ở thời buổi hiện đại, tuy nhiên robot thông minh quá cũng rất nguy hiểm và nỗi lo này không phải quá xa vời. Thực tế, năm 2015, đã có một vụ án mạng tại Nhà máy chế tạo xe hơi Volkswagen nằm ở Baunatal, gần Kassel, miền Trung nước Đức. Một nhân viên kỹ thuật 22 tuổi, khi trong giai đoạn lắp đặt robot hoàn toàn tự động, robot đột nhiên mất kiểm soát, túm anh lên và ném thật mạnh vào các thanh kim loại. Đồng nghiệp có mặt tại hiện trường đều ra sức ngăn cản nhưng vô ích, nhân viên này cuối cùng bị thương quá nặng mà qua đời. Phát ngôn viên Heiko Hillwig của Volkswagen cho biết, những kết luận chỉ ra rằng lỗi này do anh ta sơ ý và có thể là lập trình sai, chứ không phải do trục trặc của máy móc. Mỗi khi công nhân và robot cùng làm việc, có lưới an toàn ngăn cách, nhưng người này lại đang đứng trong vùng nguy hiểm, nên mới có câu chuyện đau lòng trên.

Trường hợp khác, năm 1978, một công nhân trong nhà máy ở Hiroshima, Nhật Bản do quên không ấn nút ngắt nguồn điện ở máy móc nên đã bước qua hàng rào an toàn để đi sửa chữa, không cẩn thận bị một robot đẩy vào máy mài đến chết. Hai năm sau đó, trong xưởng sản xuất ô tô Ford ở Michigan, Mỹ cũng có một vị kỹ sư 25 tuổi bị robot tấn công, chết ngay tại chỗ.

“Bênh vực” cho robot, tiến sĩ Blay Whitby, giảng viên về trí tuệ nhân tạo tại Đại học Sussex, cho biết: “Điều quan trọng mà các bạn cần phải làm rõ, với công nghệ hiện nay chúng ta không thể đổ lỗi cho robot được, vì chúng chưa đạt tới trình độ có thể hoàn toàn tự kiểm soát hành vi của mình. Những tai nạn đáng tiếc này đều phát sinh từ các vấn đề kỹ thuật và tiêu chuẩn an toàn lao động”. Còn Noel Sharkey, giáo sư về trí tuệ nhân tạo và robot tại Đại học Sheffield, Anh, cho rằng: “Hiện tại, robot chưa thể “muốn làm gì thì làm” và chúng sẽ không tấn công con người trừ khi được lập trình để làm như vậy”!

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>