Để ăn hay đổ đi

23/08/2016 | 07:37 GMT+7

Nhiều người trong chúng ta luôn đấu tranh tư tưởng là đồ ăn dư thừa để lại ăn tiếp dù biết rằng không ngon hay đổ đi để rồi áy náy vì lãng phí thực phẩm...

Hình ảnh trẻ em châu Phi thiếu cái ăn ám ảnh người xem.

Rất nhiều người dù vô tình hay cố ý đều đã từng bỏ đi thức ăn thừa, góp phần làm nhức nhối thêm vấn đề lãng phí thực phẩm. Theo Hội đồng Môi trường Liên Hiệp Quốc, thất thoát và lãng phí thực phẩm là một trong những vấn đề môi trường lớn của toàn cầu và là một trong những thách thức của các thành phố trên thế giới ngày nay đang phải đương đầu. Số thực phẩm dư thừa đổ đi làm tiêu tốn 1/4 lượng nước thế giới sử dụng cho nông nghiệp, trên diện tích canh tác lớn bằng Trung Quốc và tạo ra 8% lượng khí thải toàn cầu. Theo Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc, hàng năm, số thực phẩm bị lãng phí ở các nước giàu xấp xỉ lượng thực phẩm ròng của toàn bộ khu vực phía Nam sa mạc Sahara, châu Phi (khoảng 222-230 triệu tấn). Hàng năm, số thực phẩm bị lãng phí và thất thoát lớn hơn một nửa  sản lượng ngũ cốc hàng năm của thế giới. Đây là con số đáng báo động.

Dù biết về nạn đói trên thế giới, nhiều người vẫn lãng phí thực phẩm vì thiếu sự cảm thông, trở nên thờ ơ với những gì họ nhìn thấy hay chưa bao giờ biết đói là gì. Theo ước tính của Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc, 1/3 số đồ ăn thức uống bị bỏ đi phí phạm trên thế giới hiện nay là do thói quen tiêu dùng chưa hợp lý của con người. Ngoài ra, các nguyên nhân dẫn đến tình trạng đáng báo động này cũng xảy ra ở khâu sản xuất, chế biến và phân phối ngoài thị trường. Hệ quả của nó không chỉ có việc lãng phí tiền của, công sức, hình thành nên thói quen xấu trong xã hội mà còn bao gồm cả ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Ở các nước có thu nhập thấp, sự lãng phí thức ăn xảy ra trong quá trình sản xuất, còn ở những nước phát triển, hầu hết thức ăn bị phí phạm là do thói quen sử dụng của người tiêu dùng (con số này lên tới 100 kg/người/năm). Tại các quốc gia phát triển như Anh, New Zealand, hàng ngày người dân mua về nhà lượng thực phẩm nhiều gấp đôi, gấp ba nhu cầu thực sự. Số thức ăn hết hạn bị vứt đi sau một thời gian không sử dụng cũng tiêu tốn của mỗi gia đình từ 1.300-2.200 USD/năm (tương đương tiền Việt Nam từ 27-46 triệu đồng). Về sự lãng phí trong khâu sản xuất, khoảng 30% số rau củ quả được thu hoạch trong ngày ở Anh đã bị các nhà vườn thẳng tay loại bỏ bởi chúng không đạt tiêu chuẩn mẫu mã, kích cỡ mà các siêu thị, cửa hàng yêu cầu. Một thực tế dễ nhận thấy là các thực khách khi đến ăn tại nhà hàng cũng để thừa lại một phần thức ăn trên đĩa của mình. Trong khi các nhà hàng lại ngày càng có xu hướng nấu nhiều thức ăn hơn nhu cầu của mỗi vị thực khách để thể hiện sự phong phú trong chế biến. Thực trạng các nhà hàng vẫn bỏ đi vô số các loại thực phẩm đã nấu hay còn chưa sử dụng sau mỗi ngày kinh doanh.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc tiến hành tại châu Âu và Bắc Mỹ, trung bình mỗi người bỏ đi từ 280-300kg đồ ăn trong một năm, nhiều gấp đôi so với các khu vực đang phát triển như Đông Nam Á.

Như vậy, mỗi năm trên thế giới số đồ ăn thức uống bị bỏ đi phí phạm là rất lớn, trong khi có nhiều nơi số người nghèo đói còn rất nhiều, họ đang cần cứu đói hàng ngày, nhất là ở những nơi bị thiên tai, xung đột vũ trang…

TRUNG HƯNG tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>