Đàm phán - Giải pháp hòa bình khả thi cho bán đảo Triều Tiên

28/07/2017 | 09:04 GMT+7

Giới chức Mỹ vừa tuyên bố bóng gió sẽ có hành động quân sự nhằm đáp trả lại việc Triều Tiên dọa tấn công hạt nhân vào nước này. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định đối thoại giữa các bên liên quan là giải pháp nhanh nhất hướng đến hòa bình hiện nay.

Theo lời Tướng Mỹ Joseph Dunford, giải pháp quân sự với Triều Tiên hoàn toàn có thể xảy ra.

Một số phương tiện truyền thông đưa tin, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng quân đội Mỹ, Tướng Joseph Dunford, đã úp mở về hành động quân sự nhằm vào Triều Tiên. Đây là động thái quân sự tiếp theo của Washington nhằm đáp trả việc Bình Nhưỡng liên tục thử tên lửa đạn đạo và dọa tấn công hạt nhân vào trung tâm nước Mỹ. Tướng Joseph Dunford tuyên bố cuộc chiến với Triều Tiên hoàn toàn có thể xảy ra. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang bóng gió rằng Mỹ sẵn sàng tiêu diệt nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Trong khi đó, ông James Clapper, cựu Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Mỹ, cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ không bao giờ từ bỏ phát triển vũ khí hạt nhân. Đây được xem là sự tồn tại của nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng như của Triều Tiên. Bình Nhưỡng cho rằng phát triển hạt nhân chính là sức mạnh quân sự để đối phó với các thế lực thù địch từ bên ngoài bao gồm Mỹ và đồng minh Hàn Quốc, Nhật Bản. Chính điều này đã đặt nước Mỹ luôn phải đối mặt với vô số đe dọa an ninh mang tính khẩn cấp. Từ đó, việc lựa chọn một giải pháp quân sự nhằm vào Bình Nhưỡng đang được Washington hướng đến. Theo đó, ông Dunford nhấn mạnh: “Chúng ta vẫn nên ủng hộ Ngoại trưởng Rex Tillerson đang nỗ lực giải quyết vấn đề này thông qua các kênh ngoại giao, kinh tế ngay cả khi chúng ta nhận thức được giải pháp này khó thực hiện được và có thể phải tính tiếp đến phương án quân sự”. Ông Dunford cũng cho rằng chính quyền Mỹ có thể chỉ kiên trì với giải pháp ngoại giao trong vài tháng tới.

Tuy nhiên, theo ông Donald P.Gregg, Chuyên gia kỳ cựu về Đông Bắc Á của Mỹ, người được đánh giá là am hiểu về Triều Tiên hơn bất cứ người Mỹ nào hiện nay, nhận định: “Không thể giải quyết vấn đề Triều Tiên nếu Mỹ không hiểu về người Triều Tiên. Và càng không thể hiểu họ nếu không tiếp xúc với họ”. Nói một cách khác, chỉ có ngồi lại đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên thì mới giải quyết được mâu thuẫn hiện nay. Quan điểm của ông Gregg có phần trái ngược với luồng tư tưởng chủ đạo là tăng cường các giải pháp trừng phạt Bình Nhưỡng của các thành viên Quốc hội Mỹ. Bởi lẽ, kể từ năm 2015, Mỹ và Triều Tiên đã không đối thoại với nhau. Mỹ cũng hầu như không quan tâm đến việc đàm phán với Triều Tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ George W.Bush liệt Triều Tiên, Iran và Iraq vào “trục ma quỷ” trong Thông điệp Liên bang năm 2002 của ông. Tuy nhiên, quan điểm này đã tìm được đồng minh là Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và có cơ sở khả thi của nó. Theo ông Gregg, đối thoại là cần thiết để ngăn chặn tình hình vốn rất nguy hiểm hiện nay trở nên trầm trọng hơn. Ông cũng không đồng tình với các biện pháp trừng phạt vì cho rằng chúng chỉ làm cho Triều Tiên trở nên “cứng đầu” hơn. Chuyên gia Gregg cũng cho rằng bất chấp những lời lẽ hiếu chiến và chiến dịch tuyên truyền của Bình Nhưỡng, giới lãnh đạo Triều Tiên “là những người thực dụng, thận trọng và có học”. Ông ủng hộ việc Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in chìa “cành olive” với Triều Tiên, cho rằng nó gợi lại “Chính sách Ánh dương” của cố Tổng thống Kim Dae Jung - chính sách đã giúp xoa dịu mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên.

Giới quan sát nhận định, mặc dù không kỳ vọng Trung Quốc sẽ nhúng tay vào ngăn cản sự phát triển hạt nhân của Triều Tiên cũng như ủng hộ Mỹ trừng phạt nước này nhưng để làm trung gian ngồi lại bàn đàm phán là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Mặt khác, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang nỗ lực kêu gọi Triều Tiên đàm phán hòa bình nhằm bình thường hóa quan hệ hai miền Triều Tiên đã nhận được sự hưởng ứng của người dân yêu chuộng hòa bình nơi đây cho nên dù ít dù nhiều cũng có tác động đến Bình Nhưỡng. Vấn đề cốt lõi là cả Mỹ lẫn Triều Tiên đều nhận thức rất rõ nếu xảy ra chiến tranh cả hai đều mất mát. Do vậy việc lựa chọn một giải pháp đàm phán hòa bình thay thế cho quân sự hoàn toàn có thể diễn ra nếu các bên liên quan nhận thức thiệt hơn.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>