Có chấm dứt được nội chiến ở Colombia ?

10/10/2016 | 08:14 GMT+7

Việc cân bằng giữa nhu cầu hòa giải dân tộc và bảo đảm công lý cho các nạn nhân nội chiến là một thử thách đặc biệt khó khăn trong tiến trình tìm kiếm hòa bình ở Colombia.

Colombia là một nước Nam Mỹ có dân số khoảng 49 triệu người. Ảnh: GoWay.com

Thượng nghị sĩ của Đảng Đoàn kết dân tộc cầm quyền, ông Armando Benedetti tại Colombia mới đây đã đề xuất tiến hành lại trưng cầu về thỏa thuận hòa bình giữa Chính phủ và lực lượng  nổi dậy FARC nhằm tìm giải pháp hóa giải nội chiến ở nước này. Đây được cho là một nỗ lực khác của Đảng Đoàn kết dân tộc cầm quyền nhằm cứu vãn thỏa thuận hòa bình với Lực lượng vũ trang Cách mạng Colombia sau cuộc trưng cầu ý dân về thỏa thuận hòa bình hôm 2-10 bị bác bỏ. 

Với kết quả trưng cầu ý dân vừa qua, đó thật sự là một cú sốc với tất cả các bên tham gia thỏa thuận, cũng như với chính người dân Colombia. 4 năm kiên trì đàm phán với nỗ lực và thiện chí của Chính phủ và FARC cùng sự hỗ trợ của các bên trung gian hòa giải đã không đạt kết quả như mong muốn. Còn cuộc xung đột vũ trang bùng phát từ năm 1964, cướp đi sinh mạng của 260.000 người, khiến 45.000 người mất tích và khoảng 6,9 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn vẫn chưa thể chấm dứt.

Công bằng mà nói, kết quả trưng cầu ý dân phản ánh chính xác nguyện vọng của đa số người dân Colombia. Thông điệp là: Hòa bình là điều được chờ đợi, thế nhưng sẽ không có sự thanh thản “miễn phí” cho những người đã gây ra tội ác và bất ổn trong hơn 5 thập kỷ qua, ở đây là những thành viên của FARC.

Nhiều người Colombia đã và đang cảm thấy trong những năm qua, Tổng thống Jose Manuel Santos đã nhượng bộ quá nhiều để có thể đưa FARC ngồi vào bàn đàm phán và tìm ra một thỏa thuận cuối cùng. 5 thập kỷ giao tranh giữa chính quyền và lực lượng nổi dậy đã tạo ra những hậu quả khủng khiếp trong lòng đất nước Colombia. Có rất nhiều người dân là nạn nhân của nạn bắt cóc và giết chóc của phiến quân. Trong khi đó, thỏa thuận hòa bình đạt được hồi tháng trước cho phép những chiến binh khét tiếng một thời được bắt đầu cuộc sống mới như những công dân bình thường, và lãnh đạo phe nổi dậy được giảm hình phạt vì những tội ác chiến tranh. Theo nội dung thỏa thuận hòa bình này thì lực lượng nổi dậy đồng ý từ bỏ ngay lập tức các trại huấn luyện tại 28 “khu vực tập trung” trên khắp cả nước. Trong 6 tháng tiếp theo, họ sẽ giao lại vũ khí cho các nhóm giải giáp của Liên Hiệp Quốc. Đổi lại, phiến quân được hưởng ân xá. Những người bị tình nghi liên quan tới tội ác chiến tranh được xét xử tại tòa án đặc biệt với hình phạt được giảm nhẹ. Nhiều người trong số này sẽ làm nghĩa vụ công ích, như gỡ bỏ bom mìn do chính FARC cài đặt trên khắp đất nước. Ngoài ra, các thành viên của FARC, một tổ chức từng bị coi là khủng bố, còn đang hy vọng tái hòa nhập với xã hội Colombia như những nhà lãnh đạo chính trị với 10 ghế trong Quốc hội. Cựu Tổng thống Colombia Alvaro Uribe thốt lên: “Thỏa thuận này quá nhẹ nhàng với phiến quân. Chúng cần phải bị điều tra như những kẻ giết người hay buôn lậu ma túy”.

Nhiều chuyên gia cho rằng, kết quả bỏ phiếu như trên tạo ra sự bất định lớn đối với tương lai của Colombia. Có mối nguy lớn là tiến trình hòa bình sẽ dừng lại và nội chiến bùng phát ở Colombia. Và do vậy, điều cần kíp hiện nay là các bên, bao gồm Tổng thống Santos và thủ lĩnh du kích FARC Rodrigo Londono, phải tiếp tục tôn trọng lệnh ngừng bắn.

Tổng thống đương nhiệm Santos đã khởi xướng các cuộc đàm phán mở đường cho một thỏa thuận hòa bình lịch sử giữa chính phủ Colombia và lực lượng du kích FARC vừa nhận giải Nobel Hòa bình 2016. Hơn ai hết ông thấu hiểu sâu sắc rằng nếu không có giải pháp hóa giải được cuộc nội chiến thì sự nỗ lực, kiên trì thúc đẩy tiến trình hòa bình ở quốc gia này của ông cũng như giải thưởng Nobel Hòa bình mà ông vừa nhận sẽ không có ý nghĩa gì, vì vậy ông tuyên bố sẽ không từ bỏ và tiếp tục tìm kiếm hòa bình cho tới “ngày cuối cùng của nhiệm kỳ”. Điều đáng hy vọng là lực lượng FARC cũng cam kết tiếp tục các cuộc hòa đàm với Chính phủ, bất chấp thất bại của cuộc trưng cầu ý dân vừa qua.

Việc đa số cử tri nói “không” với thỏa thuận hòa bình không nhất thiết đồng nghĩa với việc tiến trình hòa bình đã chết. Cuộc trưng cầu dân ý không phải là một cuộc bỏ phiếu chống hay ủng hộ hòa bình. Cái bị bác bỏ là một thỏa thuận hòa bình cụ thể. Đây chính là mấu chốt trong giải pháp hóa giải nội chiến ở Colombia, vì vậy cần có sự nỗ lực của các bên cũng như của người dân.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>