Chính phủ Anh nỗ lực ở lại EU

22/06/2016 | 07:42 GMT+7

Brexit hay ở lại EU là vấn đề quan tâm đặc biệt không chỉ nước Anh, Liên minh châu Âu (EU) mà còn là băn khoăn của nhiều quốc gia trên thế giới.

Cử tri Anh sẽ đứng trước lựa chọn quan trọng đi hay ở lại EU vào ngày 23-6. Ảnh: Telegraph

Ngày mai 23-6, sẽ diễn ra cuộc trưng cầu dân ý để quyết định Anh ở lại hay rời khỏi EU. Sự kiện này đang là mối quan tâm đặc biệt của Chính phủ và người dân Anh. Bởi lẽ, việc này sẽ tác động rất lớn đến mọi mặt kinh tế, xã hội và mọi mặt đời sống của người dân Anh. Tuy nhiên đến thời điểm này, việc Anh ở lại hay rời khỏi EU vẫn chưa ngã ngũ. Kết quả cuộc thăm dò cuối cùng của Tổ chức Opinium/Observer mới đây, cho thấy tỷ lệ ủng hộ Anh rời khỏi và ở lại EU hiện ngang bằng nhau là 44%, trong khi 10% chưa quyết định. Tuy nhiên, càng gần đến ngày trưng cầu dân ý, tỷ lệ cử tri lưỡng lự lại càng tăng, chủ yếu là giới trẻ, những người bị tác động nhiều bởi các chiến dịch tuyên truyền trên các mạng xã hội và thường hay thay đổi chính kiến. Hiện cả hai phe đang tận dụng những cơ hội ít ỏi cuối cùng để lôi kéo những cử tri còn do dự cũng như thuyết phục các cử tri thay đổi lựa chọn của mình. Hai vấn đề các nhà lãnh đạo cả 2 phe tập trung tranh luận là làn sóng nhập cư và phát triển kinh tế Anh. Phe ủng hộ đòi Anh rời EU cho rằng EU kìm hãm sự phát triển của Anh do luật lệ và các khoản đóng góp của Anh vào liên minh này, đồng thời, họ muốn giành lại quyền kiểm soát biên giới, hạn chế người nhập cư. Ngược lại, phe ủng hộ Anh ở lại EU thì khẳng định lợi ích quốc gia này nhiều hơn về mọi mặt khi rời khỏi EU.

Thủ tướng Anh David Cameron lý giải: “Kiểm soát nhập cư là một thách thức rất lớn. Phần lớn người nhập cư vào Anh đến từ các nước bên ngoài EU. Tôi cho rằng, có nhiều cách tốt để kiểm soát nhập cư khi có sự thay đổi chính sách. Mặt khác, dù trong EU, tăng trưởng của những nước khác còn yếu nhưng điều đó đang thay đổi. Trong khi đó, nếu rời khỏi thị trường chung này, chúng ta chỉ làm tổn hại nền kinh tế, đánh mất công ăn việc làm, ảnh hưởng đến các gia đình người Anh và đây không phải là cách tốt để kiểm soát nhập cư”.

Giới phân tích nhận định, chưa nói đến kết quả ở lại hay rời khỏi EU, cuộc trưng cầu ý dân ở Anh cũng bộc lộ sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Anh. Điều này ví như những cơn sóng ngầm, ngòi nổ chậm của những bất đồng sẽ bùng phát trong tương lai.

Trong một động thái liên quan, nhiều nước châu Âu đã diễn ra các chiến dịch gửi tình đoàn kết với hy vọng nước Anh ở lại với EU. Mới đây, tại Italia đã diễn ra sự kiện có tên là “chuỗi các nụ hôn”. Đại diện Ban tổ chức Luca Nicotra cho biết: “Chúng tôi tổ chức hành động mang tính biểu tượng này, đó là một chuỗi các nụ hôn bắt đầu từ Rome, đến Berlin rồi Paris và kết thúc tại London với ý nghĩa gửi tình yêu đến nước Anh trong thời điểm quyết định về việc nước Anh sẽ ở lại với châu Âu hay ra đi”.

Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) Jose Angel Gurria nhận định: Việc Anh rời khỏi EU sẽ ảnh hưởng không tốt tới cả Anh, châu Âu và toàn thế giới, trong đó có Mỹ. 

Theo Washington Post, Brexit, tức Anh rút khỏi EU, Mỹ sẽ chịu tác động đáng kể, bởi nhiều công ty Mỹ coi Anh là “cánh cửa” cho quan hệ tự do thương mại với 28 nước EU.

Giới quan sát cho rằng, dù còn những bất đồng quan điểm giữa 2 phe trong nội bộ nhưng khả năng Anh ở lại lớn hơn là rời khỏi EU. Bởi lẽ họ nhận thức được lợi ích của quốc gia “nặng ký” hơn so với bất đồng nội bộ.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, khi rời khỏi EU, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Anh giảm 5,6% trong vòng 3 năm tới. GDP của Anh sẽ giảm 0,8% trong năm 2017. Ngược lại nếu vẫn là thành viên EU, kinh tế Anh sẽ tăng trưởng 2,2%. Không những thế, khi chia tay EU, Anh sẽ phải thương lượng các điều khoản rời khỏi EU và mối quan hệ mới với EU. Tất cả những điều này phải mất nhiều năm mới giải quyết được, qua đó tác động mạnh tới hoạt động đầu tư và kinh tế.                       

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>