Chiêu bài hai mặt của Trung Quốc

07/07/2016 | 07:12 GMT+7

Ngày 12-7 tới đây, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan) ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan tới các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, đến giờ này Trung Quốc không chỉ tỏ ra phớt lờ mà còn dùng chiêu bài hai mặt về vấn đề trên.

Trung Quốc tiến hành tập trận tại Biển Đông tháng 5-2016.  Nguồn: AFP

Hiện Bắc Kinh vẫn khăng khăng phủ quyết và cho rằng PCA không có thẩm quyền pháp lý để xét xử vụ việc trên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi ngang nhiên tuyên bố: “Liên quan đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ và phân giới trên biển, Trung Quốc sẽ không chấp nhận bất kỳ một bên thứ 3 nào tham gia giải quyết tranh chấp hoặc áp đặt một giải pháp để giải quyết tranh chấp lên Trung Quốc”. Ông Hồng Lỗi còn bao biện rằng: “Tòa PCA được thiết lập để ủng hộ những tuyên bố phi pháp của Philippines và không có thẩm quyền pháp lý để xét xử những vấn đề có liên quan”. Mới đây, trả lời phóng viên hãng tin Reuters, Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh cho rằng: “Chúng tôi không quan tâm khi nào họ ra phán quyết, bởi quyết định của họ cũng không có ý nghĩa gì nên chúng tôi cho rằng dù có thế nào, đó cũng là những phán quyết sai lầm… Phán quyết đó sẽ không thể ảnh hưởng tới Trung Quốc, tới chủ quyền của Trung Quốc đối với các rạn san hô hay các hòn đảo. Chúng tôi không tham gia vụ kiện này song chúng tôi kiên quyết đấu tranh vì chủ quyền của mình”.

Một mặt phớt lờ các kết quả phán quyết của PCA, mặt khác Bắc Kinh lại nỗ lực thúc đẩy một chiến dịch tuyên truyền quốc tế về quan điểm của mình. Theo đó, Trung Quốc đưa ra nhiều lập luận sai lệch để bảo vệ yêu sách đường 9 đoạn phi lý với đòi hỏi chủ quyền bao trùm hơn 80% diện tích Biển Đông. Ngoài ra, Bắc Kinh còn vận động bằng ngoại giao với một số quốc gia trong khối ASEAN để ủng hộ cho việc làm sai trái độc chiếm Biển Đông của mình. Cùng thời gian này, Trung Quốc đẩy nhanh quá trình cải tạo phi pháp các bãi đá tại đây thành các đảo nhân tạo và xây dựng trái phép nhiều công trình quân sự trên đó hòng tạo “sự đã rồi”, đi kèm với tập trận trên Biển Đông tạo cớ để gia tăng lực lượng quân đội tại các vùng tranh chấp nhằm uy hiếp các quốc gia liên quan.

Về phần mình, Philippines quyết tâm theo đuổi vụ kiện trên đến cùng cho dù phán quyết của PCA có lợi cho quốc gia Đông Nam Á này hay không. Tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, mới đây cũng nhắc lại quyết tâm theo đuổi vụ kiện, đồng thời nêu rõ quan điểm của ông là phản đối mọi xung đột vũ trang. Theo đó, Manila sẵn sàng đàm phán với Trung Quốc, chứ không đi đến chiến tranh, nếu Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan) ra phán quyết có lợi cho quốc gia Đông Nam Á này trong vụ kiện các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Trong một động thái liên quan,  Anh, Australia và Nhật Bản cùng nhiều quốc gia khác đã cùng với Mỹ liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng tự do hàng hải và luật quốc tế. Giới chức Mỹ cũng đã nhiều lần hối thúc các quốc gia Đông Nam Á thiết lập một mặt trận chung để giải quyết vấn đề này, tuy nhiên kết quả đạt được cho tới nay vẫn rất hạn chế. Liên minh châu Âu (EU) và Nhóm G7 đều nhấn mạnh việc tôn trọng phán quyết của PCA là điều cần thiết, dù Trung Quốc có phản đối hay không. Tuy nhiên, giới chuyên gia pháp lý cho rằng trên lý thuyết, phán quyết của PCA mang tính ràng buộc, song thực tế là chưa có bất kỳ cơ chế nào đảm bảo việc thi hành các quy định của Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS).

Giới quan sát cho rằng, phán quyết của PCA nhiều khả năng phần thắng thuộc về Philippines. Cho nên hành động hai mặt của Trung Quốc cho thấy về sâu xa Bắc Kinh đã có phần lo ngại mặc dù vẫn tuyên bố phủ nhận phán quyết của PCA. Nếu sự việc diễn ra như dự đoán của giới quan sát, Bắc Kinh bị coi là nước lớn vừa là Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhưng lại không tuân thủ trật tự luật pháp quốc tế. Điều này không chỉ làm mất uy tín của quốc gia này với cộng đồng quốc tế mà còn có thể khiến các tranh cãi về chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông leo thang nghiêm trọng. 

Sau 17 năm đàm phán với Trung Quốc thông qua con đường chính trị và ngoại giao không đạt kết quả, đầu năm 2013, Philippines đã chính thức kiện Trung Quốc lên PCA liên quan tới các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông. Trong đơn kiện của mình, Philippines muốn Trung Quốc làm rõ yêu sách đường 9 đoạn phi lý của Trung Quốc bao trùm hơn 80% diện tích Biển Đông hòng lấy đó làm cớ để đẩy nhanh quá trình cải tạo phi pháp các bãi đá tại đây thành các đảo nhân tạo và xây dựng trái phép nhiều công trình quân sự với mưu đồ độc chiếm Biển Đông. Trải qua 3 năm xét xử cùng 2 phiên tranh tụng và xem xét hơn 4.000 tài liệu mà Philippines cung cấp, vụ kiện cực kỳ phức tạp đã có phán quyết cuối cùng theo dự kiến sẽ công bố vào ngày 12-7 tới đây.

Không chỉ có Philippines, nhiều nước láng giềng cũng lên tiếng phản đối yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc. Mỹ - quốc gia không có liên quan trực tiếp đến tranh chấp ở Biển Đông - cũng bày tỏ quan ngại về những hành động hiếu chiến gần đây của Trung Quốc và đã tiến hành ký kết nhiều thỏa thuận quốc phòng với các đồng minh trong khu vực.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>