Nga - Mỹ

Căng thẳng leo thang

06/10/2016 | 23:01 GMT+7

Sau sự kiện Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014 và cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, mối quan hệ giữa Nga và Mỹ đã xuống tới mức gần như thời Chiến tranh Lạnh. Gần đây, mối quan hệ này càng thêm tồi tệ hơn khi Nga-Mỹ bất đồng trong đàm phán về lệnh ngừng bắn ở Syria và việc Nga vừa tuyên bố đình chỉ thỏa thuận hạt nhân với Mỹ.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong cuộc gặp tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 9-9. Nguồn: AFP/TTXVN

Giám đốc phụ trách quan hệ với Nga tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) Mỹ Olga Oliker cho rằng, quan hệ Nga-Mỹ trở nên vô cùng tồi tệ trong vòng 2 năm qua và những diễn biến mới nhất chỉ là biểu hiện của thực tế đó.

Minh chứng đầu tiên cho nhận định này là đàm phán hòa bình ở Syria do Nga-Mỹ làm trung gian đang đi vào ngõ cụt. Mới đây, Mỹ tuyên bố ngừng các cuộc đàm phán với Nga và cáo buộc Nga không tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận ngừng bắn hôm 9-9. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nêu rõ: “Mỹ sẽ ngừng tham gia các kênh song phương với Nga, vốn được thiết lập để duy trì lệnh ngừng các hành động thù địch”. Ông Kirby cho biết thêm quân đội Mỹ và Nga sẽ tiếp tục sử dụng một kênh liên lạc được lập ra để đảm bảo các lực lượng hai bên không “ngáng đường nhau” trong các chiến dịch chống khủng bố ở Syria. Tuy nhiên, Mỹ sẽ rút về nước các nhân viên được điều tới Geneva (Thụy Sĩ) để thiết lập Trung tâm triển khai chung với các sĩ quan Nga nhằm phối hợp các cuộc không kích phiến quân IS.

Về phần mình, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, Matxcơva lấy làm tiếc về quyết định của Mỹ, đồng thời cho rằng Washington đang tìm cách đổ trách nhiệm cho Nga về sự thất bại của thỏa thuận này trong khi Nga đã có những bước đi tích cực trong thời gian gần đây nhằm duy trì lệnh ngừng bắn. Ngoài ra, bà Zakharova nhận định, việc Washington không hành động sẽ giúp các phiến quân IS tại Syria có cơ hội tái nhóm và củng cố lực lượng.

Trước đó, Nga và Mỹ liên tục cáo buộc nhau đã tấn công nhầm vào quân đội, dân thường ở Syria kể cả xe vận chuyển hàng hóa nhân đạo vào quốc gia này làm cho nhiều người thương vong, gây xôn xao dư luận quốc tế.

Một động thái liên quan khiến dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm là mới đây, Nga lại đơn phương tuyên bố sẽ chấm dứt thỏa thuận hạt nhân với Mỹ. Vụ trưởng Vụ các vấn đề về kiểm soát và không phổ biến vũ khí, thuộc Bộ Ngoại giao Nga, ông Mikhail Ulyanov tuyên bố: Nga không thể tiếp tục đơn phương giải trừ vũ khí hạt nhân. Theo đó, Nga đã đơn phương cắt giảm tới 85% tiềm lực hạt nhân chiến lược của mình, là điều không thể”. Kể từ năm 1991, hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới là Nga và Mỹ đã ký 3 hiệp ước về cắt giảm vũ khí hạt nhân, cũng như có nỗ lực đơn phương hạn chế kho vũ khí của mình. Tuy nhiên, so với thập kỷ trước, tốc độ giải trừ vũ khí hạt nhân của hai quốc gia này đã chậm lại. Từ khi Hiệp ước START-3 được ký năm 2010 và có hiệu lực 1 năm sau đó, Nga và Mỹ hầu như chưa có nỗ lực đáng kể trong mục tiêu này trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước ngày càng căng thẳng.

Phản ứng trước vấn đề trên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Elizabeth Trudeau cho rằng: “Đây là bước đi mới nhất trong hàng loạt hành động của Nga nhằm chấm dứt sự hợp tác lâu nay về vấn đề an ninh và giải giáp hạt nhân”. Trước đó, Nga đã không tham gia Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân 2016. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Elizabeth Trudeau cho biết thêm, việc Nga cáo buộc Mỹ đe dọa đến sự ổn định chiến lược làm cái cớ cho quyết định chấm dứt thỏa thuận hạt nhân với Mỹ là không đúng. Chính phủ Mỹ lấy làm tiếc về quyết định của Nga khi đơn phương đình chỉ thỏa thuận hạt nhân, đồng thời khẳng định vẫn duy trì cam kết theo thỏa thuận này vì lợi ích của cả hai nước. Cùng nhận định trên, bà Oliker, Giám đốc phụ trách quan hệ với Nga tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Mỹ cho rằng, Nga chưa bao giờ là người quá nhiệt thành với thỏa thuận hạt nhân với Mỹ, do đó việc đình chỉ thỏa thuận này không phải là một cái giá quá lớn đối với Matxcơva, nhưng lại là đòn ngoại giao mạnh nhằm vào Mỹ.

Thực tế, quan hệ Nga-Mỹ trong lịch sử trải qua nhiều thăng trầm. Có lúc dư luận quốc tế kỳ vọng Nga-Mỹ hợp tác hiệu quả cắt giảm vũ khí hạt nhân vì hòa bình trên thế giới. Gần đây là sự phối hợp về mặt quân sự ở Syria để cùng chống tổ chức IS. Tuy nhiên, những kỳ vọng trên đều đổ vỡ khi những diễn biến xấu liên tục diễn ra vào những tháng cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Giới quan sát cho rằng, cho dù bất đồng đang gia tăng nhưng hai cường quốc Nga-Mỹ, từng đứng đầu thế giới hai cực này sẽ không thể ngừng hợp tác vì lợi ích của mỗi bên. Đây có thể là một giai đoạn khó khăn trước khi hai nước tìm được một chu trình mới trong quan hệ song phương, vì lợi ích chung của hai nước và hòa bình cho cả thế giới.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>