Căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ leo thang

17/01/2018 | 09:09 GMT+7

Liên quân chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng do Mỹ dẫn đầu vừa quyết định thành lập “Lực lượng an ninh biên giới” ở Syria với nòng cốt là các tay súng người Kurd. Động thái này đã làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ.

Lực lượng vũ trang người Kurd ở Syria. Ảnh: REUTERS

Người Phát ngôn của liên quân cho biết, cuộc chiến chống IS đang dần đi đến hồi kết, liên quân và các đồng minh trong Lực lượng Bảo vệ Syria (SDF) gồm các nhóm vũ trang đối lập bắt đầu chuyển sang bảo vệ an ninh biên giới. Nên việc huấn luyện các tay súng trong SDF để thành lập “Lực lượng an ninh biên giới” là cần thiết. Mục tiêu là thành lập một lực lượng gồm 30.000 thành viên, với một nửa trong số này là các tay súng trong SDF đã được huấn luyện. Hiện có 230 người đang được huấn luyện trong lực lượng an ninh này và đây là lớp huấn luyện mở màn. Dự kiến các đơn vị mới này sẽ được triển khai dọc khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và giáp với vùng lãnh thổ binh sĩ Syria đang đồn trú.

Thời gian qua, được sự hỗ trợ toàn diện của liên quân do Mỹ dẫn đầu từ các cố vấn đặc biệt, vũ khí và trực tiếp không kích nên SDF đã đánh bật IS ra khỏi các vùng lãnh thổ rộng lớn ở Đông Bắc Syria. Hiện các lực lượng người Kurd và Arab của SDF đang kiểm soát vùng lãnh thổ giáp giới Thổ Nhĩ Kỳ về phía Bắc, giáp Iraq về phía Đông và giáp khu vực do các lực lượng Chính phủ Syria kiểm soát về phía Tây.

Tuy nhiên, động thái huấn luyện và thành lập “Lực lượng an ninh biên giới” ở Syria với nòng cốt là các tay súng người Kurd của liên quân do Mỹ đứng đầu đã làm Thổ Nhĩ Kỳ phản ứng quyết liệt. Ankara cho rằng, thay vì chấm dứt sự hỗ trợ đối với đảng Liên minh dân chủ người Kurd (PYD) và các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) nhưng liên quân lại ủng hộ thành lập lực lượng này. Điều này nhằm hợp pháp hóa một tổ chức khủng bố không thể chấp nhận được.

Thực tế, YPG và PYD là những lực lượng chủ chốt trong SDF được Mỹ hậu thuẫn tại Syria. Mỹ coi YPG là lực lượng chiến đấu hiệu quả nhất chống lại IS, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ coi lực lượng này là một tổ chức khủng bố vì có liên hệ với các tay súng thuộc Đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó, về mặt quan điểm giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ có bất đồng sâu sắc.

Thời gian gần đây, quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ vốn “cơm không lành, canh không ngọt” nên những diễn biến trên càng làm gia tăng căng thẳng và là tác nhân đưa mối quan hệ này rơi xuống mức “chạm đáy”. Trong một diễn biến liên quan, gần đây Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng đã tuyên bố sẽ tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào thị trấn Afrin ở miền Bắc Syria do YPG đang nắm quyền kiểm soát. Tuyên bố này như một lời tuyên chiến với Mỹ và liên quân, bởi YPG đang được liên quân hậu thuẫn. Ông Erdogan đã bày tỏ hy vọng các đồng minh sẽ không “mắc sai lầm” chọn nhầm phía trong cuộc chiến ở Afrin.

Trước những diễn biến trên, chuyên gia về quan hệ quốc tế Huseyn Bagci, Đại học Kỹ thuật Trung Đông (Thổ Nhĩ Kỳ), nhận định các bước đi của Mỹ ở Syria chỉ làm hai nước ngày càng tiến gần đến xung đột. Ông cho rằng sự hợp tác Thổ Nhĩ Kỳ - Mỹ thời gian tới sẽ biến đổi theo một mức độ mới, khi hai nước theo đuổi những quan tâm khác nhau.

Còn Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Nga Yuri Shvitkin cho rằng Mỹ đang theo đuổi mục tiêu mờ ám ở khu vực. Thực chất là Mỹ đang muốn xây dựng cứ điểm cho các tay súng phiến quân từ các nước láng giềng chạy qua gia nhập, cụ thể từ Iraq. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng đã lên tiếng chỉ trích các kế hoạch của Mỹ cho thấy chính quyền Washington “không muốn giữ toàn vẹn lãnh thổ của Syria”. Về lâu dài, lực lượng này có thể giúp Mỹ đạt được các mục tiêu chính trị khác, trong đó có cả việc lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad được bầu chọn hợp pháp.

Giới phân tích nhận định, những mâu thuẫn gần đây gữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ nhiều khả năng dẫn đến một cuộc chiến tranh ngoài mong muốn nếu các bên liên quan thiếu kiềm chế.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>