Bủa vây trừng phạt Triều Tiên

05/12/2016 | 05:03 GMT+7

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) cuối tuần qua đã thông qua nghị quyết trừng phạt mới đối với Triều Tiên, liên quan đến vụ thử hạt nhân thứ 5, cũng là vụ thử hạt nhân lớn nhất của nước này, tiến hành vào tháng 9-2016.

Toàn cảnh phiên họp Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tại New York, Mỹ. Ảnh: THX

Tâm điểm của loạt đòn trừng phạt mới của Nghị quyết số 2321 này là ngăn chặn các hoạt động xuất khẩu than của Triều Tiên - nguồn xuất khẩu đơn lẻ và cũng là nguồn tiền mạnh lớn nhất của nước này. Lệnh cấm mới sẽ cắt giảm thu nhập từ xuất khẩu than hàng năm của Triều Tiên tới hơn 60%, tương đương khoảng 700 triệu USD - một khoản tiền khổng lồ chiếm gần 1/4 tổng xuất khẩu của quốc gia này. Bên cạnh vấn đề kinh tế, bản nghị quyết dài 17 trang cũng áp đặt lệnh trừng phạt đối với 11 quan chức và 10 tổ chức của Triều Tiên, trong đó có tên của cựu Đại sứ Triều Tiên tại Ai Cập và Myanmar. Các nước thành viên của LHQ có nghĩa vụ phải ngừng các hoạt động hợp tác kỹ thuật và khoa học có sự tham gia của các cá nhân và tổ chức được Triều Tiên tài trợ chính thức hoặc đại diện cho Bình Nhưỡng. Các quốc gia thuộc LHQ cũng được yêu cầu giảm bớt số lượng nhân viên ngoại giao của Bình Nhưỡng tại nước mình, trong khi mỗi nhân viên ngoại giao Triều Tiên bị giới hạn chỉ còn một tài khoản ngân hàng.

Đây là nghị quyết thứ 6 của Hội đồng Bảo an áp đặt cấm vận lên Triều Tiên. 5 nghị quyết trước đó được thông qua sau khi Triều Tiên thực hiện vụ thử hạt nhân lần 1 năm 2006, vụ thử lần 2 năm 2009, vụ thử tên lửa tầm xa vào cuối năm 2012, vụ thử hạt nhân lần 3 năm 2013 và vụ thử hạt nhân lần 4 vào tháng 1 năm nay.

Ngoài nghị quyết trừng phạt của HĐBA LHQ, hiện một số nước cũng tuyên bố đơn phương trừng phạt đối với Triều tiên. Trong đó, Hàn Quốc ngày 2-12 công bố một loạt các biện pháp trừng phạt đơn phương chống Triều Tiên, đưa vào “danh sách đen” nhiều cá nhân và tổ chức bị nghi hỗ trợ các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng. Cùng ngày, Mỹ cũng đã áp đặt biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Triều Tiên, đưa vào danh sách “đen” 7 cá nhân và 16 đơn vị, trong đó có hãng hàng không duy nhất của nước này là Air Koryo. Nhật Bản cũng quyết định áp đặt trừng phạt đơn phương đối với Triều Tiên. Thủ tướng Shinzo Abe hôm 2-12 cho biết, Nhật Bản quyết định phối hợp với Mỹ và Hàn Quốc nhằm giải quyết toàn diện các lo ngại về bắt cóc (công dân nước ngoài) cũng như phát triển tên lửa và hạt nhân. Ông nhấn mạnh rằng nghị quyết của LHQ cho thấy rõ quyết tâm của cộng đồng quốc tế nhằm phản ứng mạnh ở một mức độ hoàn toàn mới đối với mối đe dọa mới do việc Triều Tiên thử hạt nhân. Các đặc phái viên hạt nhân cấp cao của Mỹ - Nhật -Hàn đã nhất trí nhóm họp tại Seoul vào giữa tháng này.

Về phần mình, Triều Tiên đã kịch liệt lên án và bác bỏ Nghị quyết 2321 của HĐBA LHQ. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn một tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh nghị quyết của LHQ “là một biểu hiện khác cho thấy HĐBA bị Mỹ giật dây vi phạm chủ quyền của Triều Tiên”, đồng thời lên án “văn bản này không thừa nhận chủ quyền cũng như các quyền tồn tại và phát triển của Triều Tiên”. Tuyên bố khẳng định vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng là “một bước tiến thực sự nhằm đối phó với mối đe dọa hạt nhân và các lệnh trừng phạt”. Người phát ngôn trên nhấn mạnh các trừng phạt sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng, đồng thời cảnh báo sẽ “trả đũa mạnh mẽ để tự vệ”. Không chỉ phản đối suông, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã thị sát và chỉ đạo một cuộc tập trận pháo binh mô phỏng tấn công các mục tiêu quân sự ở Hàn Quốc và cũng bắn 6 tên lửa tầm ngắn ra biển lúc 10 giờ ngày 3-3 (giờ địa phương). Đây được cho là nhằm thách thức việc HĐBA LHQ vài giờ trước đó thông qua các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhất trong vòng 20 năm qua đối với Bình Nhưỡng.

Sự gia tăng cả về số lượng và cường độ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên thời gian gần đây bị cộng đồng quốc tế nhìn nhận là đã đặt ra mối đe dọa lớn chưa từng thấy đối với an ninh khu vực và cơ chế không phổ biến hạt nhân toàn cầu. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cũng cho rằng những hoạt động quân sự gần đây của Mỹ và Hàn Quốc như tập trận, triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa tầm cao (THAAD)… để ứng phó với Triều Tiên cũng phần nào khiến căng thẳng thêm leo thang, dẫn tới những đáp trả có tính cực đoan hơn của Bình Nhưỡng. Vì thế, nếu không có những ứng xử hợp lý từ cả hai phía, lệnh trừng phạt lần này ngoài việc tạo sức ép cho nền kinh tế vốn đã mong manh của Triều Tiên, nhưng chưa chắc có thể giảm sức nóng của câu chuyện hạt nhân...

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>