Bao giờ khởi động Hiệp ước Lisbon để Brexit ?

06/07/2016 | 07:39 GMT+7

Sau hàng loạt phản ứng trái chiều cả trong lẫn ngoài nước trước thềm Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu), hàng ngàn người dân Anh đã tập trung biểu tình quanh thủ đô London để phản đối quyết định này.

Dòng người tham gia cuộc biểu tình phản đối Brexit ở London. Ảnh: REUTERS

Sau khi đa số cử tri Anh bỏ phiếu tán thành việc quốc gia này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - đồng nghĩa với việc Anh sẽ chia tay EU trong tương lai, không chỉ người dân Anh mà cả cộng đồng EU đã có những phản ứng trái chiều khá gay gắt xung quanh việc này. Mới đây, tại thủ đô London, hàng ngàn người dân Anh đã tham gia biểu tình phản đối Brexit. Cuộc biểu tình mang tên “Tuần hành vì châu Âu” được kêu gọi thông qua mạng xã hội. Khẩu hiệu của những người tham gia biểu tình là “Bremain” (ý nghĩa nước Anh ở lại EU) hay “Chúng tôi yêu EU”. Mong muốn của người biểu tình hiện nay là Chính phủ Anh không khởi động Hiệp ước Lisbon. Keiran MacDermott, người tổ chức cuộc biểu tình, cho hay họ muốn ngăn cản chính phủ kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon. Bởi lẽ, sau khi Điều 50 được kích hoạt, Anh và EU mới có thể chính thức ngồi vào bàn đàm phán về những điều khoản Brexit. Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne cũng đã thông báo việc Anh chưa thể “kích hoạt” Điều 50 của Hiệp ước Lisbon về tiến trình ra khỏi EU, với lý do phải chờ Đảng Bảo thủ bầu ra lãnh đạo mới thay Thủ tướng Cameron đã tuyên bố sẽ từ chức từ tháng 10 năm nay.

Hiện tại, hơn ai hết nhiều người dân Anh đã nhận thức được sai lầm và cho rằng Brexit là một thảm họa cho nước Anh trong tương lai. Ông Tom North, đến từ Norfolk, tham gia cuộc tuần hành cùng gia đình, khẳng định: “Tôi ở đây vì cảm thấy đất nước đã bỏ phiếu cho một thứ chắc chắn sẽ biến thành thảm họa”.

Trong khi đó, phe đối lập tại Anh cũng rơi vào khủng hoảng. Hiện đã có 20 vụ từ chức của các nghị sĩ Công Đảng và dự kiến các vụ từ chức có thể tiếp tục xảy ra trong những ngày tới. Các nghị sĩ Công Đảng cho rằng ông Jeremy Corbyn - lãnh đạo đảng này - phải chịu trách nhiệm về thất bại của phe ủng hộ nước Anh ở lại EU.

Trong một động thái liên quan, trước đó với 395 phiếu thuận, 200 phiếu chống và 71 phiếu trắng, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua nghị quyết yêu cầu Anh ngay lập tức “kích hoạt” tiến trình rời EU, hay còn gọi là Brexit. Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết thêm 27 nhà lãnh đạo EU cũng sẽ tổ chức một hội nghị cấp cao (không có sự tham dự của Anh), tại Bratislava vào ngày 16-9 tới để tiếp tục thảo luận về hậu quả của việc Anh quyết định rời liên minh. Mặt khác, EU đang rất muốn Thủ tướng Cameron chính thức thông báo việc bắt đầu thủ tục xin ra khỏi EU. Theo đó, Ủy ban châu Âu, Hội đồng châu Âu, Nghị viện châu Âu và cả 6 nước thành viên sáng lập EU gồm Pháp, Italia, Hà Lan, Bỉ và Luxemburg cũng hối thúc Anh đàm phán về việc rời EU “càng sớm càng tốt”. Tuy nhiên, ông Cameron cho rằng các cuộc đàm phán chỉ nên được tiến hành sau khi người kế nhiệm của ông được bầu ra, dự kiến vào tháng 9 hoặc tháng 10 tới. Điều này đồng nghĩa với “cuộc ra đi” của Anh nhiều khả năng chậm trễ so với dự định. Và hệ lụy của sự chậm trễ đó có thể kéo theo những hậu quả không nhỏ cho cả Anh, EU và thị trường toàn cầu.

Hiện tại, nước Anh có quá nhiều vấn đề phải giải quyết mà trước hết là cú sốc về tài chính buộc ngân hàng Trung ương phải xử lý cả về tỷ giá lẫn tình trạng cổ phiếu của các ngân hàng bị sụt giảm trên thị trường chứng khoán khi mất giá tới 30%. Tiếp sau đó là chia rẽ nội bộ một cách sâu sắc làm suy yếu sức mạnh của bộ máy chính phủ cả đối nội và đối ngoại. Điều dễ dàng nhận thấy là người dân mất tự do đi lại, giao lưu, buôn bán với EU, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống vật chất, tinh thần của họ…

Có thể nói Brexit đã tạo ra một lực chuyển làm thay đổi toàn bộ cảnh quan chính trị bên trong nước Anh và chắc chắn cũng tác động không nhỏ tới tình hình chính trị thế giới. Đây là một thực tế đầy khó khăn không thể tránh khỏi đã được dự báo trước.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>