Bán đảo Triều Tiên lại “nóng” lên vì đấu khẩu

01/03/2016 | 07:55 GMT+7

Theo kế hoạch, từ ngày 7-3 đến 30-4 tới, liên quân Hàn - Mỹ sẽ tiến hành các cuộc tập trận chung thường niên. Phản ứng trước cuộc tập trận này, Triều Tiên đã ra tuyên bố sẽ tiến hành “đánh đòn phủ đầu” nhằm vào cả Mỹ và Hàn Quốc. Động thái trên sẽ tạo thêm mâu thuẫn sâu sắc giữa các quốc gia liên quan và có nguy cơ dẫn đến cuộc chiến tranh không mong muốn.

Xe quân đội Mỹ - Hàn Quốc tham gia tập trận ngày 19-2. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Cuộc tập trận liên quân Hàn - Mỹ năm nay có tên là Giải pháp Then chốt (Key Resolve) và Đại bàng non (Foal Eagle) được dự kiến có quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Về phía Mỹ, sẽ có 15.000 binh sĩ tham gia cuộc tập trận, nhiều gấp bốn lần so với 3.700 binh sĩ tham gia cuộc tập trận năm ngoái. Ngoài ra, tại cuộc tập trận Đại bàng non sẽ có sự tham gia của những lực lượng chiến lược của Mỹ như một lữ đoàn chiến đấu của không quân, thủy quân lục chiến, một hạm đội hải quân do một tàu sân bay dẫn đầu và các tàu ngầm hạt nhân. Về phía Hàn Quốc sẽ có khoảng 290.000 binh sĩ tham gia các hoạt động này và đây cũng là con số lớn nhất từ trước tới nay. Đây được xem là hành động đáp trả việc Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân và phóng vệ tinh (mà Mỹ, Hàn Quốc và các nước phương Tây cho là vỏ bọc của một vụ thử tên lửa tầm xa) trong thời gian qua.

Về phần mình, Triều Tiên cho rằng, cuộc tập trận trên là “đỉnh cao của các hành động thù địch”. Do vậy, Bình Nhưỡng sẽ sử dụng tất cả các biện pháp có thể để chống lại bất kỳ nỗ lực nào nhằm chống đối và có mưu đồ lật đổ chế độ của Triều Tiên. Đồng thời khẳng định, Triều Tiên đã sở hữu các phương tiện tác chiến ở cả cấp độ chiến lược và chiến thuật có khả năng đánh đòn phủ đầu vào các lực lượng thù địch… Bình Nhưỡng đã sẵn sàng để ngay lập tức trừng phạt không thương tiếc, không khoan nhượng bất cứ thế lực nào đe dọa sự tôn kính của lãnh đạo tối cao nước này. Theo đó, Triều Tiên cũng chỉ rõ là Phủ Tổng thống Hàn Quốc và Bộ Tư lệnh liên quân Hàn - Mỹ là các mục tiêu tấn công đầu tiên và mục tiêu tiếp theo là các lực lượng và khí tài chiến lược của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và lãnh thổ Mỹ.

Thực tế là từ trước tới nay, Triều Tiên luôn lên án các cuộc tập trận chung thường niên của liên quân Hàn - Mỹ trên bán đảo Triều Tiên là hành động tập dượt chuẩn bị cho việc xâm lược nước này.

Trong một động thái liên quan, sau khi Mỹ và Trung Quốc (đồng minh duy nhất của Bình Nhưỡng), nhất trí được gói biện pháp trừng phạt Triều Tiên sau 7 tuần đàm phán căng thẳng, Mỹ đã công bố dự thảo nghị quyết thắt chặt lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng, trong đó biện pháp mạnh nhất là kiểm tra tất cả các chuyến hàng biển tới và rời Triều Tiên. Dự thảo nghị quyết  cũng cấm các tàu của Triều Tiên bị tình nghi là chở những mặt hàng phi pháp được rời các bến cảng trên khắp thế giới, đồng thời thắt chặt lệnh cấm vận vũ khí để cản trở các nhà cung cấp vũ khí loại nhỏ giao dịch với Bình Nhưỡng. Ngoài ra, văn kiện này cũng áp đặt lệnh cấm Triều Tiên xuất khẩu than, quặng, vàng, titan và khoáng sản đất hiếm, đồng thời áp đặt lệnh cấm các quốc gia cung cấp cho nước này nhiên liệu dùng trong ngành hàng không. Văn kiện này cũng sẽ liệt danh sách đen 17 cá nhân và 12 thực thể Triều Tiên.

Những biện pháp trừng phạt này, nếu được thông qua thì Triều Tiên sẽ gặp khó khăn chồng chất khi cả thế giới không chấp nhận hành vi phổ biến vũ khí hạt nhân của họ. Họ sẽ phải chịu hậu quả khi lệnh cấm vận tiếp tục bao vây vì những hành động của mình.

Mới đây, Hàn Quốc và Mỹ dự kiến sẽ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc nhằm đáp trả việc Triều Tiên hăm dọa sẽ đánh phủ đầu Mỹ - Hàn.

Mặc dù những trận “đấu khẩu” giữa Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc chỉ mang tính hù dọa, tuy nhiên giới phân tích vẫn lo ngại một cuộc chiến tranh mới đang ngấm ngầm diễn ra trên bán đảo Triều Tiên này nếu các bên liên quan thiếu kiềm chế.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>