Anh trước sức ép cả ngoại lẫn nội

03/04/2017 | 07:40 GMT+7

Hành trình đàm phán với thời hạn 2 năm cho việc rút hẳn khỏi Liên minh châu Âu (EU) chưa biết ngã ngũ thế nào, giờ Vương quốc Anh còn phải đối mặt với vấn đề chia rẽ khi Scotland chính thức yêu cầu được trưng cầu dân ý về độc lập.

Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu trước Quốc hội ngày 29-3 (giờ Anh), công bố kích hoạt điều khoản 50, bắt đầu tiến trình Brexit. Ảnh: REUTERS

Về vấn đề Anh “ly hôn” với EU, trong phát biểu trước Hạ viện, bà May thừa nhận sẽ có nhiều thách thức. “Chúng tôi hiểu sẽ có những hậu quả cho việc Vương quốc Anh rời EU. Chúng tôi hiểu rằng ta sẽ mất ảnh hưởng đối với các luật lệ tác động lên kinh tế châu Âu. Chúng tôi biết các công ty Anh đang giao dịch với EU sẽ phải căn chỉnh theo những giao ước mà chúng ta không còn là một phần trong đó nữa, cũng tương tự những gì chúng ta làm với các thị trường nước ngoài khác”, Guardian dẫn lời bà May.

Là thành viên nổi bật của EU lâu nay, dĩ nhiên việc rời khỏi khối này sẽ phá hủy toàn bộ các thỏa thuận thương mại tự do, quyền đi lại, thuế, trách nhiệm, quyền lợi... của người Anh với 27 thành viên còn lại. Báo chí châu Âu, Mỹ và thậm chí tại Anh đã có hàng loạt bài viết bi quan về bối cảnh nước Anh hậu Brexit. Các phân tích của báo giới cho thấy đơn cử ở lĩnh vực ngân hàng, nhiều đại gia sẽ rút trụ sở khỏi London và xem Dublin (Cộng hòa Ireland) cũng như Frankfurt (Đức) là “thiên đường” mới. Dĩ nhiên việc này kéo theo nguồn thu từ thuế cho Chính phủ Anh, tước đi cơ hội việc làm của người dân Anh.

Trong thời gian 2 năm đàm phán, người Anh vẫn cần hợp tác ở mọi phương diện với các đối tác châu Âu. Tuy nhiên, nguyện vọng về hai cuộc đàm phán song song, vừa rời đi - vừa tái đàm phán thương mại, đang vấp phải thái độ cứng rắn từ EU. Họ khẳng định khi nào Anh rời khỏi EU, trả “phí Brexit” (ước chừng 60 tỉ euro) thì hãy tính đến việc đàm phán thương mại. Thực tế, việc muốn đẩy nhanh các thỏa thuận thương mại mới song song quá trình Brexit là yêu cầu then chốt của bà May. Tuy vậy, mong muốn này không lấy được thiện chí của EU, ngược lại các lãnh đạo châu Âu còn cho rằng bà May xài chiêu “uy hiếp” EU. Trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Nghị viện châu Âu Guy Verhofstadt khẳng định không thể chấp nhận việc Anh sử dụng sức mạnh quân sự và lĩnh vực tình báo để làm con bài uy hiếp EU trên bàn đàm phán.

Một áp lực khác cho Vương quốc Anh là thủ hiến Nicola Sturgeon mới đây đã gửi thư đề nghị chính thức đến Thủ tướng Anh Theresa May và khẳng định London không có “lý do hợp lý” nào để ngăn Scotland yêu cầu độc lập. Thủ hiến Nicola Sturgeon cũng khẳng định Quốc hội Scotland hôm thứ ba trước đó cũng bỏ phiếu ủng hộ quyết định này với tỷ lệ 69 trên 59. Ngoài ra, hơn 62% người Scotland ủng hộ việc ở lại châu Âu trong cuộc trưng cầu dân ý rời Liên minh châu Âu của Anh (Brexit).

Dự đoán London một lần nữa bác bỏ đề nghị của Scotland, bà Sturgeon cảnh báo bà sẽ đưa ra một chiến lược mới để thực hiện trưng cầu dân ý sau tháng 4-2017. “Quan điểm của tôi là yêu cầu của Quốc hội Scotland phải được tôn trọng và tiến hành. Câu hỏi không phải nếu mà là bằng cách nào”, bà khẳng định. Thủ hiến Scotland tỏ ra mềm mỏng hơn về thời gian trưng cầu, cho biết có thể diễn ra vào cuối năm 2019. Trước đó, bà yêu cầu được trưng cầu độc lập vào cuối năm sau.

Về vấn đề này, phát ngôn chính phủ Anh, cho biết: “Thủ tướng đã nói rõ rằng đây không phải là thời điểm cho một cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai. Thời điểm này cần tập trung vào cuộc đàm phán của chúng ta với Liên minh châu Âu”. Còn Bộ trưởng Văn phòng Scotland David Mundell cũng cho biết London sẽ không tham gia bất cứ đàm phán nào với Scotland cho đến khi Brexit kết thúc.

Vương quốc Anh đang đứng trước 2 thách thức kép: đối ngoại lẫn đối nội. Hãy chờ xem chính phủ của bà Theresa May lèo lái để vượt qua những khó khăn này như thế nào?

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>