Anh nói lời chia tay EU

27/06/2016 | 05:31 GMT+7

Kết quả cuộc trưng cầu dân ý vừa mới được tổ chức tại Anh đã đưa phe ủng hộ Anh rời Liên minh châu Âu (phe Brexit) đã giành thắng lợi. Với kết quả này, sau 43 năm chung sống, Anh đã chính thức nói lời chia tay với Liên minh châu Âu (EU). Điều này đã gây nên cú sốc rất lớn đối với nhiều người dân Anh và các nước trên thế giới.

Thủ tướng Anh David Cameron sau khi bỏ phiếu trưng cầu ý dân ở London. Nguồn: THX/TTXVN

Kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Anh đã được công bố có 51,9% cử tri (17.410.742 người) đã bỏ phiếu ủng hộ Anh rời Liên minh châu Âu (EU), trong khi đó chỉ có 48,1% cử tri (16.141.241 người) bỏ phiếu ủng hộ Anh ở lại Liên minh châu Âu (EU). Với tỷ lệ chênh lệch khoảng 4% (tương đương 1.269.501 người), phần thắng đã thuộc về phe ủng hộ Anh rời Liên minh châu Âu (EU).

Vào năm 1953, Thủ tướng Anh khi đó là Winston Churchill đã đưa ra tuyên bố nổi tiếng: “Chúng tôi đồng hành với châu Âu, nhưng không phải là một phần của nó. Chúng tôi có mối liên hệ với châu Âu, nhưng không phải bị hòa vào nó”. Chính vì vậy mà mãi cho đến năm 1973, Anh mới gia nhập Liên minh châu Âu (khi đó lấy tên là Cộng đồng Than thép châu Âu) một cách do dự, không hề nhiệt tình và đầy sự hoài nghi. 43 năm sau, với cuộc trưng cầu dân ý mang ý nghĩa lịch sử (23-6-2016), đã chứng minh lời nhận định của cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill là chính xác.

Khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU), liên minh này sẽ phải đối mặt với thiệt hại về kinh tế, sụt giảm ngân sách, hạn chế trong việc mở rộng quy mô cũng như ảnh hưởng uy tín trên trường quốc tế. Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã cảnh báo nếu như Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) sẽ kéo theo hậu quả lớn và tiêu cực cho nền kinh tế nước này, làm giảm thu nhập của người dân và nguy hại đến nền kinh tế của các nước châu Âu khác.

Sự đi của Anh chắc chắn sẽ giáng một đòn nặng nề đối với sự hội nhập châu Âu và có thể gây ra sự đổ vỡ cho một quá trình vốn đã mong manh. Việc người dân Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) không chỉ tác động tiêu cực đến nền kinh tế khu vực và toàn cầu mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới sự ổn định chính trị của cả nước này lẫn Liên minh châu Âu (EU). Tác động đầu tiên đối với Anh là có thể tạo ra một tiền lệ không tốt cho các thành viên trong Liên hiệp Vương quốc Anh như Scotland và Xứ Wales đang manh nha ý định muốn tách khỏi Anh. Anh ra đi cũng đồng nghĩa với việc Liên minh châu Âu (EU) mất đi một thành viên quan trọng vốn có tiếng nói lớn trong các quyết sách của Liên minh châu Âu (EU).

Cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh ở lại hay rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) được Thủ tướng Anh David Cameron kêu gọi tổ chức vì ông đã hứa trong chiến dịch tranh cử là sẽ đàm phán lại điều kiện với Liên minh châu Âu (EU) về tư cách thành viên của Anh. Sau đó, ông sẽ tổ chức trưng cầu dân ý và tin rằng thế nào cũng thuyết phục được cử tri Anh bỏ phiếu Anh ở lại Liên minh châu Âu (EU), nhưng ông Cameron  chưa lường trước được kết quả ngoài dự đoán. Chính vì thế, ông Cameron đã buồn bã tuyên bố nhận thấy không còn thích hợp để lãnh đạo đất nước trong giai đoạn mới. Mặc dù không công bố cụ thể thời điểm từ chức nhưng Thủ tướng Anh David Cameron cho biết nước Anh sẽ có nhà lãnh đạo mới khi Đảng Bảo thủ tiến hành hội nghị thường niên vào tháng 10 tới.

TRUNG HƯNG tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>