Viết tiếp câu chuyện đẹp về đạo lý, tình người

29/01/2020 | 04:30 GMT+7

Tiết trời se lạnh trong những ngày cuối đông, nhưng không khí bên trong những ngôi nhà tình nghĩa luôn ấm áp, yêu thương... Hơn 16 năm qua, những ngôi nhà tình nghĩa được xây lên trên đất Hậu Giang, là câu chuyện của đạo lý, tình người...

Căn nhà tình nghĩa là nơi thờ cúng liệt sĩ và cất giữ những huân chương, kỷ niệm chương của gia đình mẹ Điều. 

Ấm lòng gia đình chính sách

Tháp tùng cùng công chức văn hóa xã hội Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, chúng tôi đến thăm gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng Châu Thị Điều, ở ấp Trường Thuận. Trong căn nhà tình nghĩa, mẹ đang trò chuyện cùng con cháu. Xuân Canh Tý, mẹ Điều đã 81 tuổi, mẹ vẫn còn minh mẫn và nhớ nhiều chuyện thời đạn bom khói lửa. Khi nhắc đến người chồng và người con trai thứ hai đã hy sinh, lòng mẹ Điều lại trào dâng bao cảm xúc.

Mẹ Điều cảm thấy ấm lòng trước sự quan tâm của địa phương.

Chồng của mẹ, liệt sĩ Lý Kỳ Quân tham gia cách mạng từ thời trai trẻ, còn mẹ làm giao liên. Năm 1968, khi ông đang tập huấn, thì bị quân địch bao điểm, ông đã hy sinh. Sau khi chồng hy sinh 2 năm, mẹ xin nghỉ công tác để lo cho 4 người con thơ dại và may quần áo cho bộ đội. Quê hương còn bóng giặc, mẹ lại động viên người con trai thứ hai là Lý Thành Công lên đường làm nhiệm vụ của người trai đối với Tổ quốc. Ngày tiễn con lên đường mẹ chỉ mong đất nước sớm im tiếng súng, con trai lành lặn trở về. Nào ngờ, năm 1973, mẹ chết lặng lần nữa khi đồng đội cho hay người con trai hy sinh…

Tri ân những đóng góp của người có công với cách mạng, huyện Châu Thành A cùng với xã Trường Long Tây luôn thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách với mẹ và gia đình. Năm 2002, gia đình mẹ đã được Đảng, Nhà nước hỗ trợ xây dựng căn nhà tình nghĩa, để mẹ có căn nhà vững chãi để ở. Sau bao năm, căn nhà tình nghĩa năm nào đã xuống cấp, một số chỗ hư hỏng. Với tấm lòng tri ân sâu sắc, chính quyền địa phương đã đề nghị xét hỗ trợ 20 triệu đồng, để gia đình mẹ sửa lại căn nhà. Ngồi trong căn nhà ấm áp nghĩa tình, mẹ Điều xúc động cho biết: “Trước đây, mẹ đã được cất nhà rồi, nên đâu nghĩ mình lại được hỗ trợ sửa chữa nhà lần nữa. Căn nhà tình nghĩa này rất có ý nghĩa với mẹ, đó không chỉ là sự quan tâm về vật chất, mà còn là sự động viên về tinh thần, giúp mẹ sống vui, sống khỏe trong những năm tháng cuối đời. Trước sự quan tâm này, mẹ cảm thấy ấm lòng lắm”.

Không riêng mẹ Điều, ông Nguyễn Hoàng Xứng, thương binh 2/4, ở ấp 6, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, phấn khởi khi được Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ 20 triệu đồng để sửa lại căn nhà tình nghĩa. Ông Xứng chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, gia đình tôi có điều kiện sửa lại căn nhà tình nghĩa, Xuân Canh Tý này vui biết bao nhiêu”.

Nhìn vào những tấm huân chương, bằng khen được Đảng, Nhà nước trao tặng, ông Xứng không khỏi tự hào, vì một thời tuổi trẻ cống hiến cho cách mạng.

Tiếp nối mạch nguồn tri ân

Là một trong những địa phương có đông gia đình chính sách, người có công với cách mạng, thời gian qua, huyện Phụng Hiệp đã thực hiện tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” với nhiều hoạt động cụ thể, nhằm giúp đỡ, động viên các đối tượng chính sách và người có công vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Bà Đỗ Thị Ngọc Trúc, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Tết Nguyên đán năm nay, toàn huyện có 21 gia đình chính sách vui xuân đón tết trong căn nhà tình nghĩa mới”.

Khác với những cái tết qua, Tết Nguyên đán năm nay, gia đình ông Lâm Văn Qua, ở ấp Phương Thạnh, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, phấn khởi khi được quây quần đón tết trong căn nhà mới. Trên khuôn mặt khắc khổ của người chiến sĩ cách mạng từng bị địch bắt tù đày không giấu nổi niềm vui và hạnh phúc. Với ông, tất cả cứ ngỡ là mơ, bởi cả đời làm lụng vất vả đến ăn còn chẳng đủ, thì nói gì đến dành dụm cất nhà.

Ông Qua (thứ 4 từ phải sang) phấn khởi khi được hỗ trợ căn nhà tình nghĩa.

Ngắm nhìn ngôi nhà còn thơm mùi vôi mới, vững chãi, rộng rãi, ông Qua cảm thấy trào lên nỗi xúc động và thầm cảm ơn lãnh đạo huyện đã quan tâm vận động hỗ trợ gia đình ông 50 triệu đồng, để xây dựng căn nhà tình nghĩa mới. “Trước đây, căn nhà cũ xập xệ, mỗi khi tết đến, con cháu ở xa về thăm nhà không có chỗ nghỉ ngơi. Nhờ chính quyền các cấp quan tâm vận động hỗ trợ, gia đình tôi đã có căn nhà vững chãi để ở. Tết này, con cháu đã có nơi chốn quây quần sum họp”, ông Qua bộc bạch…

Mỗi căn nhà tình nghĩa được xây dựng mới, hoặc sửa chữa là thêm một câu chuyện đẹp về đạo lý, tình người, về mối đoàn kết, về sự sẻ chia sâu nặng nghĩa tình, là trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với những người đã không ngại hy sinh xương máu cho ngày giải phóng dân tộc của quê hương, đất nước. 

Sau 16 năm thành lập, dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Hậu Giang vẫn luôn quan tâm chăm lo đời sống cho các gia đình thương binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng. Ngoài xây dựng những căn nhà tình nghĩa mới, địa phương còn quan tâm hỗ trợ sửa chữa nhà tình nghĩa, để gia đình chính sách có mái ấm an cư.

Ông Xứng (trái) trong căn nhà tình nghĩa được hỗ trợ sửa chữa.

Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng, sửa chữa trên 6.000 căn nhà tình nghĩa, với tổng kinh phí trên 194 tỉ đồng. Mỗi ngôi nhà được xây dựng, sửa chữa là sự chung tay góp sức của chính quyền địa phương, cộng đồng xã hội đem lại niềm vui cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Bà Hồ Thu Ánh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: “Về cơ bản các gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh đều được xây dựng nhà tình nghĩa. Tuy nhiên, qua năm tháng, nhiều căn nhà đã xuống cấp. Nhiều căn đã được sửa chữa, được cất mới. Thời gian tới, địa phương tiếp tục thực hiện tốt các chế độ dành cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Tiếp tục vận động xã hội hóa, để hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho các gia đình, để mọi người có cuộc sống tốt hơn…”.

Trong mùa xuân này, nhiều gia đình chính sách được quây quần, sum họp trong căn nhà tình nghĩa thấm đượm nghĩa tình. Đây chính là nguồn động viên khích lệ để các gia đình tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tích cực lao động sản xuất, gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp...

Toàn tỉnh có trên 35.500 gia đình chính sách. Trong đó, có 2003 Mẹ Việt Nam anh hùng (còn sống 114 mẹ), 23 Anh hùng lực lượng vũ trang (còn sống 5 người), trên 5.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, trên 12.500 liệt sĩ, trên 7.300 người có công với cách mạng...

Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng, sửa chữa trên 6.000 căn nhà tình nghĩa, với tổng kinh phí trên 194 tỉ đồng.

 

CẨM LÌNH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>