Tuyên truyền miệng “đi trước mở đường”

01/08/2023 | 09:07 GMT+7

93 năm qua, kể từ ngày 1-8-1930, ngành Tuyên giáo và công tác tuyên giáo trở thành bộ phận không thể tách rời, luôn gắn bó sâu sắc với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang ấy, ngành Tuyên giáo Hậu Giang đã chủ động, nhạy bén, linh hoạt, sáng tạo, tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra.

Ông Lê Văn Liệt (trái), ở ấp 2A, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, chăm chút cảnh quan môi trường của gia đình.

Trong nhiều kết quả mà ngành Tuyên giáo Hậu Giang đạt được thời gian qua, nổi bật phải kể đến công tác tuyên truyền miệng đã góp phần định hướng thông tin, giải thích, phân tích cho Nhân dân hiểu rõ đâu là thông tin chính thức, chính thống, trên cơ sở đó định hướng dư luận xã hội, góp phần tạo ra sự thống nhất về chính trị, tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội.

Tuyên truyền miệng tạo ra sự đồng thuận, phát triển

Mỗi năm làm 2 vụ lúa trên diện tích hơn 6 công đất, gia đình ông Lê Văn Liệt, ở ấp 2A, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, không giàu có về tiền bạc nhưng được đánh giá cao về ý thức xây dựng đời sống văn hóa. Nhà ông có hàng rào cây xanh đẹp mắt, trong sân nhà có một số cây kiểng được chăm chút tỉ mẩn, tạo dáng các con vật rất ấn tượng.

Ông Liệt cho biết: “Cấp ủy, chính quyền ở xã, ấp thường xuyên lồng ghép tuyên truyền trong các buổi họp dân về lợi ích của việc bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan sạch đẹp. Đặc biệt là một số cán bộ, đảng viên ở địa phương còn đến tận nhà dân để tuyên truyền, hưỡng dẫn cách thức thực hiện. Thấy rõ lợi ích nên chúng tôi hưởng ứng làm theo. Nhờ gia đình có cảnh quan thông thoáng, sạch đẹp nên không khí lúc nào cũng thoải mái, trong lành, giúp tôi giảm bớt mệt mỏi, vất vả từ chuyện đồng áng”.

Tuyến đường ở ấp 2A còn nhiều hộ có cảnh quan đẹp không thua kém gia đình ông Liệt. Và trên địa bàn xã nông thôn mới Vị Tân cũng không khó để nhìn thấy hình ảnh những tuyến đường hoa, những gia đình được khen ngợi vì có cảnh quan đẹp mắt. Thành quả này không phải thực hiện trong ngày một, ngày hai, mà là cả một quá trình lâu dài, với nền tảng là sự cộng hưởng giữa ý thức và hành động của người dân.

Ông Võ Thanh Phong, cán bộ tuyên giáo - dân vận Đảng ủy xã Vị Tân, cho biết để thay đổi suy nghĩ và cách làm của người dân trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao thì xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, trong đó tuyên truyền miệng đóng vai trò quan trọng. Cấp ủy đảng, chính quyền của xã thực hiện hình thức tuyên truyền này thông qua các buổi họp dân, sinh hoạt chi, tổ hội, đặc biệt là cán bộ, đảng viên của xã, ấp đến tận nhà dân để tuyên truyền cho bà con hiểu và thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, cũng như chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ông Nguyễn Hữu Tình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vị Thanh, cho biết, các cấp ủy đảng trên địa bàn thành phố luôn xác định công tác tuyên truyền miệng có vai trò đặc biệt quan trọng “đi trước mở đường”, trong việc tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền đạt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Từ đó, thành phố chỉ đạo quán triệt một cách chặt chẽ, đầy đủ và thường xuyên cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên trong toàn hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở. Trong quá trình thực hiện công tác tuyên truyền miệng, thành phố luôn vận động linh hoạt, sáng tạo, phong phú và đa dạng phù hợp với từng giai đoạn nhất định.

Công tác tuyên truyền miệng được thực hiện hiệu quả là một trong những yếu tố quan trọng giúp thành phố Vị Thanh đạt được những điểm sáng đáng phấn khởi. Đặc biệt là thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng các tiêu chí đô thị loại II và xây dựng nông thôn mới trước 1 năm so với nghị quyết của thành phố và nhiệm vụ tỉnh giao (công nhận năm 2019). Hiện nay, thành phố đã và đang triển khai nhiều công trình, dự án. Điểm đáng chú ý là qua triển khai đồng loạt các công trình, dự án nhưng thành phố không xảy ra điểm nóng về tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội, không xảy ra tình trạng khiếu nại, khiếu kiện đông người. Điều đó cho thấy công tác tuyên truyền, trong đó có tuyên truyền miệng đã mang lại hiệu quả tích cực.

Tại huyện Phụng Hiệp, công tác tuyên truyền miệng cũng rất được quan tâm nhằm kêu gọi, tập hợp sự đoàn kết của các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện các phong trào, nhiệm vụ chính trị ở địa phương, trong đó có việc nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường, cây cầu bị xuống cấp. Trong 6 tháng đầu năm nay, toàn huyện vận động xã hội hóa xây dựng được 38 cây cầu nông thôn, trị giá gần 16 tỉ đồng; giặm vá 12km lộ giao thông nông thôn, sửa chữa cống đập, móng cầu… trị giá 2,3 tỉ đồng.

Thấy tuyến lộ của ấp mình bị hư hỏng, Chi bộ ấp Mỹ Quới B, thị trấn Cây Dương, tiến hành họp dân để tuyên truyền, vận động kinh phí sửa chữa. Tại đây, chi bộ nói rõ ý nghĩa của việc giặm vá lộ và kêu gọi bà con đóng góp tùy vào điều kiện kinh tế từng gia đình.

Công tác tuyên truyền miệng được Chi bộ ấp Mỹ Quới B thực hiện hiệu quả đã tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân, bà con không hề có sự so đo, tị nạnh chuyện đóng góp nhiều hay ít. Nhờ đó, tuyến lộ của ấp được giặm vá xong dài 2km, kinh phí thực hiện 20 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Giang, ở ấp Mỹ Quới B, được mọi người tin tưởng giao cho việc mua vật liệu xây dựng. Ông dùng chiếc vỏ lãi của gia đình chở vật liệu về sửa lộ. Trong ngày giặm vá lộ, ông còn góp sức thực hiện.

“Nghe Chi bộ ấp nói có lý, có tình nên người dân chúng tôi ủng hộ thực hiện. Việc cùng nhau góp công, góp tiền giặm vá tuyến lộ của ấp là cách chúng tôi xây dựng quê hương phát triển hơn”, ông Giang chia sẻ.

Hiệu quả tuyên truyền miệng trực tuyến

Đáng chú ý là thời gian gần đây, ngoài tuyên truyền miệng trực tiếp, tỉnh còn tiến hành phương thức tuyên truyền miệng trực tuyến. Cách làm này nhằm thích ứng với sự phát triển của công nghệ thông tin và yêu cầu áp dụng công nghệ hiện đại vào công tác tuyên truyền miệng.

Ưu điểm của tuyên truyền miệng trực tuyến là đưa thông tin nhanh, trên diện rộng, tức thời và đồng thời trên quy mô lớn ở nhiều cấp và có chi phí thấp. Do đó, phương thức tuyên truyền này ngày càng được chú trọng. Cụ thể như trong thời gian gần đây, tại các hội nghị báo cáo viên được Ban Tuyên giáo Trung ương triển khai bằng hình thức trực tuyến, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đều triển khai kết nối đường truyền đến tất cả các huyện, thị, thành ủy. Với cách làm này, việc thông tin được triển khai nhanh, thông suốt, tiết kiệm được chi phí và đảm bảo được chất lượng thông tin.

Tại huyện Châu Thành A, từ năm 2020 đến nay, huyện thực hiện tốt việc tổ chức điểm cầu trực tuyến hội nghị báo cáo viên Trung ương và cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã đúng theo yêu cầu, tính chất của từng hội nghị và hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Ông Hà Hòa Bình, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Châu Thành A, cho biết, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã chủ động tổ chức nhiều cuộc hội nghị báo cáo viên cấp huyện bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến đến các xã, thị trấn trong huyện. Cụ thể, tính từ năm 2020 đến giữa năm nay, đã tổ chức được 14 cuộc, có trên 4.500 lượt đồng chí tham dự. Qua đó, rút ngắn thời gian triển khai các chuyên đề đến cán bộ, đảng viên ở cơ sở, giảm chi phí tổ chức các hội nghị tuyên truyền viên ở cấp xã.

Đáng chú ý là các báo cáo viên của huyện hiện nay đều được trang bị máy tính xách tay và thực hiện tốt việc chuyển đổi số trong tuyên truyền miệng, như ứng dụng tốt công nghệ thông tin để biên soạn nội dung chuyên đề, thiết kế các chuyên đề bằng file trình chiếu (PowerPoint), có chèn hình ảnh, biểu đồ phù hợp với nội dung chuyên đề để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tuyên truyền miệng.

Tuyên truyền miệng phải phát huy hiệu quả thực chất

Rõ ràng, một khi công tác tuyên truyền miệng được thực hiện hiệu quả, thực chất sẽ mang lại sự đồng thuận, phát triển ổn định và bền vững. Do vậy, việc nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân là nhiệm vụ hết sức quan trọng, cấp bách trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội.

Theo ông Lê Công Lý, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới, các địa phương, đơn vị cần nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên; động viên các cán bộ đã nghỉ hưu, cựu chiến binh, người có uy tín ở khu dân cư tham gia báo cáo viên, tuyên truyền viên ở cơ sở. Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng về chính trị, nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền miệng, phương pháp nắm bắt và định hướng dư luận xã hội cho cán bộ tuyên giáo, báo cáo viên, tuyên truyền viên.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng tổ chức hội nghị báo cáo viên các cấp. Tiếp tục nâng cao chất lượng biên soạn, cung cấp tài liệu tuyên truyền, bản tin Thông báo nội bộ hàng tháng phục vụ các cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên khai thác, sử dụng trong sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và công tác thông tin, tuyên truyền ra dân. Tiếp tục rà soát, kịp thời đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị kỹ thuật... phục vụ công tác thông tin cơ sở.

Đa dạng hóa các hình thức cung cấp thông tin, trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ, giải đáp thắc mắc cho báo cáo viên, tuyên truyền viên trên các nền tảng internet, mạng xã hội. Nội dung và hình thức tuyên truyền miệng theo hướng đi sâu, bám sát từng nhóm đối tượng tuyên truyền cụ thể ở cơ sở để phát huy hiệu quả thực chất trong công tác tuyên truyền miệng...

Ngày 1-8-1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền (tiền thân của Ban Tuyên giáo Trung ương ngày nay) đã xuất bản tài liệu “Ngày quốc tế đỏ 1.8” kêu gọi chống chiến tranh đế quốc, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Liên bang Xô - Viết. Sau khi được phát hành, tài liệu này đã gây tiếng vang lớn trong xã hội. Chỉ một thời gian ngắn, trong cả nước đã nổ ra hàng trăm cuộc mít-tinh, biểu tình của Nhân dân ta chống đế quốc. Ngày 1-8 trở thành mốc son trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng; gắn liền sự ra đời của một tài liệu lịch sử quý giá, đánh dấu một hoạt động có ý nghĩa trong công tác tuyên giáo của Đảng.

Xuất phát từ sự kiện có ý nghĩa lịch sử đặc biệt này, năm 2000, để khẳng định và tôn vinh những đóng góp to lớn của đội ngũ cán bộ tuyên giáo qua các thời kỳ, theo đề nghị của Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã quyết định lấy ngày 1-8 hàng năm làm Ngày truyền thống công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng. Năm 2007, sau khi Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) quyết định lấy ngày 1-8 hàng năm làm Ngày truyền thống công tác tuyên giáo của Đảng.

 

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>