Tuyên ngôn Độc lập - Sức sống trường tồn với thời gian

03/09/2018 | 08:12 GMT+7

Cách đây vừa tròn 73 năm, sau khi cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay Nhân dân, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước cuộc mít-tinh của đông đảo Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với quốc dân đồng bào cả nước và toàn thể nhân loại trên thế giới, bắt đầu từ nay Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra đời. Bản Tuyên ngôn Độc lập ngắn gọn nhưng chứa đựng những nội dung bất hủ, mang sức sống trường tồn với thời gian.

Trước hết, Tuyên ngôn Độc lập đã khẳng định quyền dân tộc và quyền con người luôn gắn bó chặt chẽ với nhau bằng việc luận dẫn những lời bất hủ trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.

Ở Hồ Chí Minh, bằng trí tuệ mẫn tiệp, bằng sự trải nghiệm thực tế và thực tiễn cách mạng Việt Nam đã phát triển sáng tạo, đưa ra một mệnh đề không thể phủ nhận về quyền độc lập của mọi dân tộc: “Suy rộng ra câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Trong bản Tuyên ngôn của mình, Bác trích dẫn một cách khéo léo lời hai bản Tuyên ngôn nổi tiếng thế giới với dụng ý sâu sắc. Sự suy rộng ra đã thể hiện một tư tưởng lớn, một luận điểm quan trọng thể hiện sự vượt trội của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được trình bày trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam. Đây là một nội dung rất căn bản, có ý nghĩa không chỉ đối với dân tộc ta mà còn có ý nghĩa sâu sắc đối với thời đại. Từ đó tới nay, các nước trên thế giới đã và đang liên tục đấu tranh để giành độc lập, giành quyền dân tộc cơ bản của mình.

Trong Tuyên ngôn Độc lập, quyền dân tộc và quyền con người có mối quan hệ biện chứng, gắn bó mật thiết, tác động qua lại lẫn nhau. Dân tộc độc lập là điều kiện tiên quyết, là tiền đề để bảo đảm thực hiện quyền con người và ngược lại thực hiện tốt quyền con người chính là phát huy những giá trị cao cả và ý nghĩa thật sự của độc lập dân tộc. Bởi vì, con người có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Nhưng dưới chế độ thực dân, phong kiến đã bị tước đoạt và chỉ khi dưới chế độ ta ba quyền ấy được đảm bảo ngày một tốt hơn. Điều đó mang một ý nghĩa thời đại, là mục tiêu không thể xa rời của sự nghiệp cách mạng. Vì vậy, Bác đã khẳng định nước ta được độc lập mà dân không được tự do thì độc lập ấy chẳng có ý nghĩa gì. Quyền dân tộc và quyền con người có mối quan hệ mật thiết với nhau và cũng là nét độc đáo trong Tuyên ngôn Độc lập của Bác.

Từ quyền con người, Bác đã nâng lên thành quyền dân tộc, từ quyền của cá nhân Bác đã nâng lên thành quyền của mọi dân tộc bị áp bức trên thế giới. Có thể nói, đây chính là cống hiến vĩ đại của Bác, thể hiện tâm huyết lớn của Người dành cho dân tộc Việt Nam và các dân tộc trên thế giới, tất cả vì mục tiêu giải phóng con người. Khẳng định tất cả các dân tộc đều có quyền tự quyết định lấy vận mệnh của dân tộc mình, lấy sức ta để giải phóng cho ta.

Sau khi khẳng định quyền dân tộc và quyền con người, Bác dùng những đanh thép tố cáo và vạch trần bản chất cướp nước, giả nhân giả nghĩa, lợi dụng lá cờ tự do bình đẳng, bác ái để che đậy hành vi bất nhân, bất nghĩa từ chính sách ngu dân, rượu cồn, thuốc phiện, thuế khóa… Người không chỉ tố cáo, vạch trần tội ác của chủ nghĩa thực dân trước nhân dân thế giới mà còn giúp họ phòng, chống chủ nghĩa thực dân. Như vậy, quyền con người sẽ không thực hiện được khi còn chủ nghĩa thực dân.

Kết thúc bản Tuyên ngôn Độc lập, sau khi trịnh trọng tuyên bố với thế giới về các quyền của nước Việt Nam hưởng tự do và độc lập và hơn thế, sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Nhân danh dân tộc Việt Nam, Người long trọng khẳng định: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy!”.

Lời khẳng định thật đanh thép. Lời của lãnh tụ thể hiện quyết tâm của toàn thể dân tộc, ý thức rất rõ mối hiểm nguy, thách thức đang chờ, và vì vậy, sự sẵn sàng chấp nhận những hy sinh, mất mát, có thể là rất to lớn để bảo vệ bằng được thành quả quý giá, lớn lao nhất vừa giành được: quyền độc lập, tự do, quyền tồn tại cả một quốc gia dân tộc.

Thực hiện lời thề độc lập, dân tộc Việt Nam do Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã anh dũng chiến đấu suốt 30 năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược với tinh thần “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, giành độc lập, thống nhất hoàn toàn với những chiến công hiển hách: Điện Biên Phủ năm 1954 và Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Chiến tranh qua đi, cả nước bắt tay vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hơn 40 năm qua, chúng ta đã đạt được rất nhiều thành tựu, đất nước không ngừng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên, thế và lực của nước ta trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định. Điều đó chứng tỏ giá trị lịch sử của Tuyên ngôn Độc lập, nó đã mở ra một kỷ nguyên mới, lần đầu tiên người dân Việt Nam có quyền ngẩng cao đầu, tự hào mình đã trở thành công dân của một nước tự do và độc lập. Tuyên ngôn là sự kết tinh khát vọng độc lập mấy ngàn năm của dân tộc và cũng tỏ rõ ý chí, quyết tâm giữ vững quyền tự do, độc lập. Độc lập của Tổ quốc gắn liền với tự do, hạnh phúc của Nhân dân. Hơn ai hết, mỗi người dân Việt Nam đều hiểu giá trị của nền độc lập.

PHẠM QUỲNH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>