Trận tập kích cứ điểm Bảy Ngàn của Tiểu đoàn 307 ngày 16-8-1952

16/08/2022 | 11:35 GMT+7

Sau thời gian hoạt động trên chiến trường Khu 8 (phân liên khu miền Đông) lập được nhiều chiến công vang dội như: Mộc Hóa (8-1948), La Bang (12-1948), Tân Hương (8.1948),… tháng 5-1952 Tiểu đoàn 307 (1) được lệnh chuyển sang hoạt động trên chiến trường Khu 9 (phân liên khu miền Tây). Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 307 lúc này có các đồng chí: Đoàn Văn Tám - Tiểu đoàn phó, Trần Đình Cửu - Chính trị viên, Đoàn Hiến - Chính trị viên phó (2).

Đầu tháng 8-1948, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 307 đang tổ chức đánh địch càn quét vào khu vực Xẻo Sình (Vị Thanh) và Giồng Sao (Long Mỹ), thì được Bộ Tư lệnh Phân liên khu miền Tây giao nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm Bảy Ngàn nhằm mục đích giải phóng Nhân dân thoát khỏi sự bóc lột và xóa bỏ địa điểm tập kết, xuất phát hành quân của thực dân Pháp đánh phá vào căn cứ cách mạng Vị Thanh - Hỏa Lựu của tỉnh Cần Thơ.

Cứ điểm Bảy Ngàn nằm ở phía Đông Nam của kênh xáng Xà No, là trung tâm đề kháng bảo vệ đồn điền Bảy Ngàn (3) của thực dân Pháp, lực lượng địch tại đây có khoảng 2 đại đội bộ binh. Trong giai đoạn 1947-1951, các đơn vị bộ đội chủ lực Khu 9 đã nhiều lần tiến công cứ điểm Bảy Ngàn nhưng chưa tiêu diệt được. Đồng thời, sau mỗi lần bộ đội tiến công, địch lại bố trí thêm hỏa lực và xây dựng cứ điểm Bảy Ngàn kiên cố hơn.

Cứ điểm Bảy Ngàn bao gồm 1 đồn chính (có một tầng lầu); 2 trại lính án ngữ hai bên cùng với hệ thống các lô cốt, trận địa súng cối 60mm và 81mm ở giữa đồn; xung quanh cứ điểm bố trí 3 lớp rào dây thép gai, có lính canh phòng, tuần tiểu thường xuyên vào ban đêm. Phía Tây Bắc cứ điểm Bảy Ngàn có con lộ chạy dọc theo kênh xáng Xà No với dày đặt lô cốt; về phía Đông Bắc có con rạch nối liền kênh xáng Xà No với kênh xáng Lái Hiếu; về phía Tây Nam cách đồn khoảng 50m là chợ Bảy Ngàn; phía Đông Nam là cánh đồng lúa rộng mênh mông.

Sau khi nhận nhiệm vụ từ Bộ Tư lệnh Phân liên khu miền Tây, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 307 tổ chức cuộc họp phân công nhiệm vụ cho các bộ phận đi điều nghiên chiến trường khảo sát cách bố trí lực lượng, công sự và quy luật hoạt động của địch tại cứ điểm Bảy Ngàn, làm cơ sở để xây dựng quyết tâm chiến đấu. Lực lượng điều nghiên cứ điểm Bảy Ngàn được tổ chức thành 5 tổ (4 tổ trinh sát đặc công và 1 tổ trinh sát địch tình). Trong đó, mỗi tổ đặc công có nhiệm vụ nghiên cứu một phía của cứ điểm; đồng chí chủ công chịu trách nhiệm đánh vào vị trí then chốt, 2 đồng chí còn lại được phân công nghiên cứu vị trí nào phải nắm cụ thể chi tiết vị trí đó. Ngoài ra, từng đồng chí trong mỗi tổ đặc công luân phiên nghiên cứu phần việc của đồng đội, nhằm bảo đảm 100% nắm chắc từng ổ đề kháng của địch, nơi tổ mình được phân công.

Để đảm bảo yếu tố bí mật cho lực lượng làm nhiệm vụ điều nghiên, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 307 thống nhất bộ đội đặc công mặc quần lót, người thoa đầy bùn cho tiệp với màu đất khu vực điều nghiên. Các chiến sĩ đặc công ở phía kênh rạch thì phải ngâm mình dưới nước, đầu ngụy trang bằng lục bình để di chuyển theo dòng nước. Đối với tổ trinh sát địch tình, phải cải trang thành người khuân vác thuê đem hàng hóa vào bên trong đồn hoặc người phát cỏ thuê gần đồn,… để tiếp cận quan sát nắm chắc tình cứ điểm Bảy Ngàn.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ điều nghiên nắm tình hình, Tiểu đoàn tiến hành thâm nhập thực địa cứ điểm Bảy Ngàn dưới sự hướng dẫn của tổ đặc công, thành phần gồm: Cán bộ tiểu đoàn, tác chiến và tổ trưởng xung kích, mục đích là tận mắt quan sát, thẩm tra, làm cơ sở cho việc hạ quyết tâm chiến đấu.

Căn cứ vào tình hình đã nghiên cứu, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 307 hạ đạt mệnh lệnh trên sa bàn cứ điểm Bảy Ngàn và giao nhiệm vụ cho từng đại đội. Cụ thể: Đại đội 931 là đơn vị chủ công, có nhiệm vụ tiến công tiêu diệt địch từ hai hướng Đông Bắc và Đông Nam của cứ điểm; Đại đội 933 đột nhập vào khu chợ, tiến công tiêu diệt các lô cốt và vị trí chiến đấu của địch ở phía Tây Nam; Đại đội 932 tiến công tiêu diệt lô cốt đầu cầu và khống chế các lô cốt dọc theo kênh xáng Xà No về phía Đông Bắc; Đại đội trợ chiến khống chế địch tại các lô cốt phía bên kia của bờ kênh xáng Xà No (đối diện với cứ điểm Bảy Ngàn). Đồng thời, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 307 cho lập cứ điểm giả tương tự cứ điểm Bảy Ngàn, khu vực từ vàm kênh Mười Ba (xã Hồ Văn Tốt) thông ra Vịnh Chèo làm nơi luyện tập của các tổ đặc công và các đại đội xung kích. Vào những đêm luyện tập, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn và một số cán bộ đại đội đứng trên chòi canh dùng đèn pin quan sát và lắng nghe động tĩnh. Cuộc diễn tập đạt kết quả mỹ mãn, các chiến sĩ đặc công và bộ phận xung kích cơ động lực lượng, bố trí đội hình đúng nơi quy định, bảo đảm được yếu tố bí mật và an toàn.

Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 307 thống nhất thời gian nổ súng sẽ diễn ra vào lúc 0 giờ ngày 16-8-1952.

Sau khi hoàn thành mọi công tác chuẩn bị, chiều ngày 16-8-1952, từ Vịnh Chèo - Hỏa Lựu bộ đội xuất phát hành quân đường bộ đến điểm tập kết tại ngã tư Lái Hiếu (cách cứ điểm Bảy Ngàn khoảng 5km). Trời vừa tối, bộ đội chuyển sang hành quân bằng xuồng theo con rạch hành quân về Bảy Ngàn, khi còn cách cứ điểm khoảng 1km, bộ đội rời xuồng chuyển sang hành quân bộ để tiếp cận mục tiêu. Đến 23 giờ 45 phút, các đội xung kích sẵn sàng vào vị trí chiến đấu. Những chiến sĩ đặc công bí mật vượt các lớp rào dây thép gai, bố trí bộc phá đúng theo kế hoạch. Lúc này, trời đổ mưa lớn nên quá trình hành quân chiếm lĩnh trận địa của bộ đội ở các mũi diễn ra thuận lợi. Tuy nhiên, trong quá trình bố trí bộc khóa (trước thời điểm nổ súng 15 phút) một chiến sĩ đặc công do chủ quan đã không thực hiện đúng kỹ thuật di chuyển đã gây ra tiếng động, địch chiếu đèn kiểm tra, chiến sĩ đặc công nhanh trí phóng mình qua một bên tránh ánh đèn nên không bị địch phát hiện, nhưng cú nhảy của chiến sĩ đặc công lại vướng vào dây điện trên tay của 02 đồng chí đặc công cùng tổ vô tình làm tuột mối dây bộc phá dẫn đến ụ cối 81mm. Bình tĩnh và nhanh nhẹn, đồng chí Tổ trưởng đặc công cùng với 2 chiến sĩ kịp thời khắc phục, bảo đảm bộc phá nổ đúng theo kế hoạch đã hiệp đồng. Lúc sau, Ban Chỉ huy sở Tiểu đoàn 307 nhận được tin báo từ các mũi là đã bố trí xong đội hình chiến đấu, trời lúc này vẫn còn mưa to.

Đúng 0 giờ ngày 16-8-1952, tiếng bộc phá trên các hướng nổ rền vang - cũng là hiệu lệnh nổ súng, bộ đội trên các hướng đồng loạt xung phong vào cứ điểm Bảy Ngàn.

Bị ta tiến công bất ngờ, quân địch tại cứ điểm Bảy Ngàn hoàn toàn bị bất ngờ không kịp nổ súng chống trả. Ngay phút đầu, Đại đội 931 đã làm chủ được khu vực tầng trệt của đồn chính. Các đại đội 932, 933 và đại đội trợ chiến hoàn toàn làm chủ được các lô cốt bố trí hai bên bờ kênh xáng Xà No. Lúc sau, quân địch ở cánh phải của cứ điểm củng cố đội hình, sử dụng các loại vũ khí được trang bị (nhất là khẩu trung liên đặt tại nhà máy ở bên hông của cứ điểm) điên cuồng nã đạn về phía đội hình của Đại đội 931, nhưng không gây thương vong cho bộ đội mà chỉ làm cản bước tiến của bộ đội lên trên tầng lầu của đồn chính, nơi tên Rémy đang cầm cự bằng khẩu đại liên đặt trên nóc tầng lầu.

Sau 15 phút nổ súng giằng co quyết liệt giữa hai bên, ta bắt sống được tên Léon và đưa hắn vào khu vực tầng trệt để kêu gọi tên Rémy ra đầu hàng. Tuy nhiên, tên Rémy ngoan cố không chịu đầu hàng, tiếp tục nổ súng chống trả. Ngay lập tức, đồng chí Lê Quang So - Tổ trưởng đặc công dũng cảm lợi dụng chiếc thang gãy để đu mình leo lên tầng lầu tung lựu đạn. Lúc này, tên Rémy mới chịu bỏ khẩu Lewis giơ tay đầu hàng, ta hoàn toàn làm chủ cứ điểm Bảy Ngàn.

Kết quả, ta tiêu diệt trên 100 tên, bắt sống 95 tù binh, thu hơn 150 khẩu súng các loại, cùng nhiều đạn dược, máy móc, điện đài và toàn bộ hồ sơ, sổ sách của đồn điền Bảy Ngàn. Phía ta, có 2 đồng chí hy sinh (một cán bộ trung đội và một chiến sĩ).

Đối với tù binh địch, sau khi khai thác thông tin và đưa đi giáo dục. Thực hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng, Bộ Tư lệnh phân khu miền Tây trả tự do cho chúng về Sóc Trăng trong dịp tết. Ngày được khoan hồng tên Rémy Grassier đã tỏ lòng cảm ơn bộ đội Việt Minh cứu mạng. Hắn còn trố mắt ngạc nhiên, thán phục khi bộ đội phụ trách tù binh của ta cho biết “Người cứu mày và vợ con mày là một chiến sĩ Tiểu đoàn 307, đồng chí Lê Quang So đã dũng cảm dùng lựu đạn khống chế để mày đầu hàng chứ không diệt và anh cũng là người cõng vợ con mày từ lầu xuống bằng cầu thang bị gãy một bên,…”.

Trận tập kích cứ điểm Bảy Ngàn của Tiểu đoàn 307 giành thắng lợi đã giải phóng hơn 7.000 hộ nông dân thoát khỏi sự áp bức, bóc lột của điền chủ người Pháp và xóa bỏ được địa điểm tập kết, xuất phát hành quân của thực dân Pháp đánh phá vào căn cứ cách mạng Vị Thanh - Hỏa Lựu của tỉnh Cần Thơ. Đồng thời, thắng lợi này đã góp phần cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên chiến trường Khu 9.

LÂM VĂN MINH

--------------------------

(1) Tiểu đoàn 307 - Tiểu đoàn chủ lực đầu tiên của Khu 8 được thành lập ngày 1-5-1948 tại hai bên bờ kênh Nguyễn Văn Tiếp, xã Mỹ Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang ngày nay). Sau hơn 2 tháng ổn định tổ chức và huấn luyện, ngày 5-7-1948, tại Giồng Luông, xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, Tiểu đoàn 307 làm lễ xuất quân.

(2) Lúc này, đồng chí Nguyễn Vân Tiên - Tiểu đoàn trưởng đang đi học tại Trường Đảng của Trung ương Cục miền Nam.

(3) Đồn điền Bảy Ngàn trải dài từ kênh xáng Xà No đến các huyện Long Mỹ và Ô Môn, có diện tích trên 30.000ha với hơn 7.000 hộ tá điền, do gia đình Albert Grassier quản lý, khai thác từ khi thực dân Pháp chiếm Cần Thơ. Mỗi năm Albert Grassier thu lúa ruộng, lúa vay của tá điền lên đến hàng triệu giạ. Nơi đây tập trung cụm nhà máy xay lúa lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ với công suất 300 tấn/ngày. Khi Albert Gressier chết đã giao lại cho 2 người con trai là Léon và Grassier quản lý.

 

* Tài liệu tham khảo:

- Tiểu đoàn 307 trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1948-1954), NXB. Chính trị quốc gia, năm 2011.

- Tư liệu Họp mặt kỷ niệm 65 năm chiến thắng Bảy Ngàn (16/8/1952-16/8/2017).

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>