Trả lời kiến nghị của cử tri

07/04/2017 | 08:07 GMT+7

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trả lời đề nghị của cử tri về các vấn đề liên quan đến pháp luật.

Thực tiễn xét xử hình sự đã giúp việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự thêm hoàn thiện. Ảnh: T.THỨC

Cử tri đề nghị:

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích quy định của Luật Thương mại và Luật Đầu tư về hàng hóa cấm kinh doanh liên quan đến mặt hàng pháo nổ để các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng thống nhất.

Ủy ban Tư pháp trả lời:

Những năm qua, tình hình buôn bán, vận chuyển, đốt pháo nổ ở nước ta có chiều hướng gia tăng, nhất là dịp trước và trong Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, việc xử lý các hành vi này gặp nhiều khó khăn do các cơ quan chức năng cho rằng có sự mâu thuẫn giữa quy định của Luật Đầu tư và Luật Thương mại về mặt hàng pháo nổ.

Cụ thể: Theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014: “Pháo các loại” - gồm cả pháo nổ, thuộc diện kinh doanh có điều kiện, trong khi đó, Luật Thương mại quy định giao Chính phủ quy định cụ thể hàng hóa cấm kinh doanh, hàng hóa kinh doanh có điều kiện. Theo Nghị định số 59/2006 hướng dẫn thi hành Luật Thương mại và Nghị định số 43/2009 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59 thì “pháo các loại” thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh. Để có cơ sở giải quyết các vụ án liên quan, nhiều ý kiến đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích cụ thể quy định của các luật này.

Về vấn đề trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo giao Ủy ban Kinh tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan rà soát lại các nghị định của Chính phủ để sửa đổi, bổ sung kịp thời, bảo đảm sự thống nhất. Căn cứ quy định của pháp luật hiện hành và một số quy định mới được sửa đổi, việc xử lý hành vi buôn bán, vận chuyển pháo nổ cơ bản không vướng mắc và không cần thiết phải giải thích luật.

Cụ thể: Theo Nghị định số 36 ngày 15/4/2009 của Chính phủ thì Nhà nước cấm sản xuất, mua, bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo nổ, thuốc pháo; các loại pháo hoa, thuốc pháo hoa, trừ pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất, nhập khẩu để tổ chức bắn pháo hoa đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép và pháo hoa do tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép mang vào Việt Nam để dự thi bắn pháo hoa.

Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục II của Luật Đầu tư, theo đó, đối với pháo các loại thì đã bỏ pháo nổ ra khỏi mặt hàng đầu tư kinh doanh có điều kiện. Như vậy, đối chiếu với các quy định, pháo nổ sẽ thuộc diện hàng cấm, các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan hữu quan có đủ cơ sở để xử lý về hành chính và hình sự.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng đã dự kiến sửa đổi, bổ sung Điều 190 và Điều 191 quy định “pháo nổ” là hàng cấm sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển.  

Về ý kiến đề nghị quy định bổ sung hình phạt tử hình đối với đối tượng là người dưới 18 tuổi phạm tội giết người, Ủy ban Tư pháp trả lời như sau:

Chủ trương của Đảng, Nhà nước ta là “hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”, và điều này đã được khẳng định trong Nghị quyết số 49 ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Đồng thời, với truyền thống nhân đạo của Nhà nước ta, nguyên tắc xử lý hình sự đối với người chưa thành niên đã được thể hiện xuyên suốt trong chính sách hình sự của Việt Nam từ trước đến nay là: xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Việc xử lý phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.

Quá trình xây dựng Bộ luật Hình sự năm 2015, vấn đề tăng hình phạt đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng đã được Quốc hội thảo luận kỹ. Trên cơ sở cân nhắc các ý kiến, nhất là kết quả lấy ý kiến nhân dân, Quốc hội đã thống nhất giữ quy định về độ tuổi và mức hình phạt cao nhất mà Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định đối với người dưới 18 tuổi. Điều này cũng phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã ký kết. Để giải quyết tình trạng tội phạm trẻ em gia tăng đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ về kinh tế, xã hội, với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, trong đó, phòng ngừa người dưới 18 tuổi phạm tội phải được coi là biện pháp chủ yếu.

Cử tri đề nghị:

Quốc hội có biện pháp xử lý nghiêm minh hơn đối với tội phạm tham nhũng có số tiền lớn; đề nghị không bỏ hình phạt tử hình đối với các tội phạm về tham nhũng nhằm đấu tranh hiệu quả với “quốc nạn tham nhũng” và xem xét lại quy định người phạm tội tham nhũng có thể nộp tiền thay án tử hình.

Ủy ban Tư pháp trả lời:

Trong quá trình xây dựng Bộ luật Hình sự năm 2015, trên cơ sở tiếp thu ý kiến nhân dân, Quốc hội đã quyết định giữ nguyên hình phạt tử hình ở các tội tham ô và nhận hối lộ nhằm răn đe và xử lý nghiêm đối với tội phạm tham nhũng.

Khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định không thi hành hình phạt tử hình đối với người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà “sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”.

Quy định này thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước ta đối với người phạm tội đã biết ăn năn hối cải, tích cực khắc phục hậu quả mà mình đã gây ra. Đối với người phạm các tội mang tính vụ lợi thì yếu tố khắc phục hậu quả, thu hồi tài sản chiếm đoạt cần được xem là một tình tiết đặc biệt khi thi hành án. Tuy nhiên, để bảo đảm sự công bằng, người phạm tội phải hội đủ nhiều yếu tố mới có thể được xem xét không thi hành án tử hình. Bên cạnh việc nộp lại tài sản phải “hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn” thì mới được xem xét không thi hành án. Quy định tại khoản 3, Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015 nhằm mở ra cơ hội sống cho người bị kết án tử hình nếu họ thỏa mãn các điều kiện đặt ra nhưng họ vẫn phải thi hành hình phạt tù chung thân và dù có tích cực cải tạo thì thời gian thực tế chấp hành án phạt tù của họ tối thiểu cũng là 30 năm.

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>