Tỉnh trẻ hàn gắn vết thương chiến tranh

25/07/2017 | 07:35 GMT+7

Bài 1: Nhớ một thời máu đổ xuống cho hoa thêm thắm

Ở tuổi gần 14, Hậu Giang vẫn được gọi là tỉnh trẻ và ngần ấy thời gian qua đi, dù trẻ và còn nhiều khó khăn, nhiều bộn bề chăm lo phát triển kinh tế, nhưng tri ân đáp nghĩa luôn được đặc biệt quan tâm, để ngày qua ngày vết thương chiến tranh được hàn gắn...

Mẹ Việt Nam anh hùng Dương Thị Quen đã hơn 10 năm tham gia nấu cơm từ thiện ở Trung tâm Y tế huyện Châu Thành. Ảnh: MỸ XUYÊN

Chúng tôi đã tìm gặp những Mẹ Việt Nam anh hùng, những thương binh để nghe nhiều câu chuyện về một thời máu đổ xuống cho hoa thêm thắm, để cảm nhận rõ hơn những hy sinh của các Mẹ, các cô, chú cho hòa bình đất Việt !

Những hy sinh khó nói hết bằng lời

Vào những ngày đầu tháng 7, chúng tôi có dịp đến thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Huế, ngụ ấp Láng Sen, xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy, lúc này Mẹ đang cùng các thành viên trong gia đình quây quần trò chuyện cùng nhau. Trong câu chuyện của Mẹ, lúc nào cũng có hình ảnh người chồng và hai người con đã hy sinh cho Tổ quốc. Nhìn 3 tấm bằng Tổ quốc ghi công được đặt trang nghiêm trên bàn thờ, giọng run run, Mẹ Huế kể: “Ông nhà tôi tham gia cách mạng từ thời trai trẻ, đến năm 1962 ông hy sinh. Trước nỗi đau mất chồng, mất cha, Mẹ cùng hai người con tiếp tục lên đường chống quân xâm lược. Đến năm 1968, người con trai thứ 2 Nguyễn Văn Chiến hy sinh. Khi đồng đội báo tin con hy sinh, Mẹ như ngã quỵ. Tuy nhiên, nỗi đau chưa dừng lại ở đó, đến năm 1974, người con gái thứ 3 của Mẹ là Nguyễn Thị Kim Hó cũng hy sinh”.

Chồng và hai con hy sinh, nỗi đau đó như ai cắt từng đoạn ruột, nhưng Mẹ cố nén nỗi đau vào lòng, Mẹ Huế tần tảo lao động để nuôi những người con còn lại, đồng thời tiếp tục cống hiến cho cách mạng. Nhiều lần bị địch tra khảo, lùng sục, bắt bớ, nhưng do không có chứng cứ, chúng phải thả tự do cho Mẹ. “Địch tra khảo tàn khốc lắm con ơi, chúng lấy điện găm vào đầu, đánh đập thương tích khắp người. Dù vậy, Mẹ cùng với những đồng chí, đồng đội vẫn một lòng với Đảng, với Bác Hồ chỉ mong đất nước sớm ngày độc lập”, Mẹ Huế nói. Sau ngày đất nước thống nhất, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Mẹ Huế luôn nỗ lực cùng con cháu vượt qua đói nghèo, không ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Không phụ lòng Mẹ, những người con còn lại của Mẹ đều trưởng thành và luôn tự hào về truyền thống cách mạng của gia đình, trân trọng sự hy sinh của những liệt sĩ đã nằm xuống và của Mẹ.

Trong chiến tranh, các bà, các mẹ không chỉ hiến dâng những người thân yêu nhất của mình cho Tổ quốc, mà còn tích cực tham gia hoạt động cách mạng trong lòng địch. Còn biết bao thương binh đã anh dũng chiến đấu và để lại chiến trường một phần cơ thể. Khi đất nước thống nhất, những người mẹ, người chiến sĩ trên chiến trường năm ấy lại tiếp tục nêu gương sáng giữa đời thường.

Hiến dâng cuộc đời cho Tổ quốc

Rời nhà Mẹ Huế, chúng tôi tiếp tục đến thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Năm, ở ấp Thạnh Trung, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh. Hiện nay, dù sức khỏe đã yếu, không còn được minh mẫn, nhưng khi trò chuyện cùng chúng tôi, những ký ức khốc liệt tràn về làm cảm xúc của Mẹ lại trào dâng. Mẹ Năm quê ở xã Hỏa Lựu, ngày còn trẻ, nghe theo tiếng gọi của Đảng, Bác Hồ, Mẹ cùng chồng là ông Nguyễn Văn Kiên tham gia phong trào cách mạng. Lúc đó, ông hoạt động nội thành ở Rạch Giá, còn Mẹ ở nhà nuôi chứa cán bộ cách mạng. Năm 1959, ông Kiên hy sinh tại nhà tù Côn Đảo, biết tin Mẹ đau đến ngất lịm, nhưng Mẹ không khóc, cố vững vàng, vì Mẹ biết còn nhiều người đau cả hơn Mẹ. Chị Nguyễn Thị Hương, cháu nội của Mẹ Năm cho biết: “Những năm trước bà nội còn khỏe, bà thường hay kể cho tụi tôi nghe những chuyện về ông nội và bác Hai tôi. Bà nội kể rằng, năm 1954 hoạt động của ông nội tôi bị địch phát hiện, nên chúng bắt ông nội tôi giam ở khám Chí Hòa. Tại đây, ông nội tôi liên kết với những người tù tiếp tục chống đối quân địch và tiến hành phá khám. Sau đó, ông nội tôi bị quân của Ngô Đình Diệm bắt được, rồi đày ra tù Côn Đảo. Ban ngày chúng bắt ông nội tôi lên rừng đốn củi, tối nhốt vào “chuồng cọp”. Trong thời gian đó, quân địch tra khảo dã man cộng thêm bị bệnh sốt rét rừng, nên sức khỏe của ông nội tôi ngày càng yếu. Dù vậy, khi địch nói nếu ông khai sẽ tiêm thuốc trị bệnh cho ông, dù hơi tàn sức yếu nhưng ông vẫn kiên quyết một lòng với cách mạng, không hé lộ bất kỳ tin tức gì với kẻ thù. Vài ngày sau ông đã trút hơi thở sau cùng ở trong tù”.

Cha ngã xuống, con lại tiếp tục lên đường. Năm 1966, khi được 16 tuổi, người con trai đầu lòng của Mẹ là Nguyễn Văn Quy cũng quyết tâm lên đường đánh giặc thay cha. Ngày tiễn con trai lên đường, Mẹ vẫn nhớ, buổi chia tay dù Mẹ lo lắng, nhưng không quên dặn dò: “Con cứ yên tâm đi đánh giặc, giặc giã thế này nhà mình phải đóng góp với đất nước”. Cuộc chiến tranh mỗi ngày một khốc liệt và sự lo sợ của Mẹ cũng đến, năm 1969 đau đớn khi biết tin con trai hy sinh. “Bị địch phục kích, bác Hai tôi đã bị bắn gãy một chân. Với quyết tâm không để rơi vào tay địch, bác đã rút mìn tự sát và giết được vài tên địch”, chị Hương kể lại.

Không chỉ có chồng và con hy sinh cho Tổ quốc mà trong những năm miền Nam bị Mỹ xâm lược, nơi gia đình Mẹ sinh sống nằm trong vùng thường xảy ra những cuộc đụng độ giữa du kích địa phương và quân địch. Gia đình Mẹ đảm nhiệm việc nấu cơm tiếp tế cho cán bộ cách mạng. Theo thời gian hoạt động và yêu cầu công tác, nhóm cán bộ này chuyển đi, nhóm cán bộ, du kích khác chuyển đến đều được gia đình Mẹ nuôi giấu chu đáo.

Mẹ Năm có 2 người con, ông Quy hy sinh cho cách mạng, còn người con trai thứ ba cũng bị lựu đạn nổ chết. Hiện nay, mẹ sống cùng vợ chồng người cháu nội. Mỗi Mẹ Việt Nam anh hùng đều có hoàn cảnh riêng, nhưng rất dễ nhận ở các Mẹ đều có điểm chung là lòng nhân ái, bao dung, thiết tha yêu nước và rất đỗi anh hùng.

Mà đâu chỉ các Mẹ Việt Nam anh hùng, những thương binh cũng đã có những năm tháng chiến đấu quên tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc. Chúng tôi tìm gặp thương binh 2/4 Nguyễn Thanh Bình, ở ấp 1, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, để nghe câu chuyện của ông. Chiến tranh đã lùi xa 42 năm, nhưng ông vẫn nhớ rất rõ chuyện của một thời khói lửa hào hùng. Và đó đã trở thành một phần ký ức không thể nào quên. Ông Bình sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng. Năm 19 tuổi, cũng như bao thanh niên khác, ông Bình tình nguyện lên đường để đi theo tiếng gọi của non sông. Ông tham gia vào an ninh vũ trang thị xã Vị Thanh, ông được phân công vào lực lượng trinh sát vũ trang, đánh trực tiếp với địch. Năm 1973, ở kênh Mười Thước, trong trận đánh tiểu khu Chương Thiện, đội của ông có 3 người, do bị pháo chụp nên 2 người đã bị thương. Bản thân ông bị miểng cắm vào đầu, tay và chân. Dù sức khỏe giảm sút, ông vẫn mong muốn được cùng các đồng chí, đồng đội của mình tiếp tục cầm chắc tay súng bảo vệ quê hương, đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào công cuộc giải phóng đất nước. Khi vết thương hồi phục, ông vẫn tiếp tục phục vụ cho cách mạng.

Hòa bình lập lại, với niềm tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, ông Bình luôn giáo dục con cháu phải trung thành với Đảng, biết ơn các thế hệ đi trước, sống yêu thương, chan hòa với mọi người xung quanh.

Những câu chuyện kể đó chưa nói lên hết được những hy sinh, mất mát, nhưng thế hệ hôm nay luôn hiểu rằng không có gì có thể đền đáp được công lao to lớn của các Mẹ, những liệt sĩ, thương binh - những người đã hiến dâng những gì quý giá nhất của đời mình cho độc lập, tự do của dân tộc. Sự hy sinh đó là tài sản tinh thần vô giá, trường tồn cùng lịch sử, mãi mãi được Tổ quốc ghi nhớ, tri ân. Trân trọng, tri ân trước những đóng góp thiêng liêng ấy, Hậu Giang luôn thực hiện tốt những hoạt động chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng về vật chất lẫn tinh thần...

Mẹ vẫn giúp đời !

Gần 80 tuổi, nhưng Mẹ Việt Nam anh hùng Dương Thị Quen, ở ấp Đông Thuận, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, vẫn thường xuyên đi sớm về muộn để phụ giúp nấu cơm từ thiện ở Trung tâm Y tế huyện Châu Thành. Mẹ Quen tự mình đi xin rau cải những tiểu thương bán ở các chợ về nấu cơm cho người bệnh và thân nhân đang nằm điều trị ở đó, đã hơn 10 năm rồi Mẹ gắn bó với công việc này. Người dân ở vùng quê Đông Thuận hay gọi Mẹ bằng cái tên quen thuộc “Má Năm” hay “Bà Năm từ thiện”. Những năm tháng chiến tranh, hai lần tiễn con, tiễn chồng ra chiến trường là hai lần mẹ khóc thầm lặng lẽ. Mẹ Quen nói: “Mất người thân còn gì đau hơn đâu mấy con, nhưng chiến tranh mà, mọi chuyện cũng qua rồi, nỗi đau của Mẹ cũng dần vơi đi, vì quanh Mẹ còn nhiều người gọi Mẹ là mẹ…”.

 

Toàn tỉnh có trên 35.000 gia đình chính sách

Toàn tỉnh có trên 35.000 gia đình chính sách. Trong đó, có 170 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống; 64 thương binh, bệnh binh từ 81% trở lên; 2.840 thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh có tỷ lệ thương tật từ 81% trở xuống; 619 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày...

Trong chuyến thăm và tặng quà cho gia đình chính sách mới đây ở xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đánh giá cao công tác chăm lo cho gia đình chính sách, người có công của Hậu Giang. Ông mong muốn công tác chăm lo, đền ơn đáp nghĩa phải được thực hiện tốt hơn nữa, đó là đạo lý và trách nhiệm với thế hệ đi trước, đúng như tinh thần Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng được ban hành ngày 19/7/2017, là phấn đấu đến năm 2020, 100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú…

 

BÍCH CHÂU

------

Bài 2: Nét đẹp tri ân

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>