Tháng 7 nghĩa tình, tri ân

25/07/2019 | 23:41 GMT+7

Chăm lo mọi mặt gia đình chính sách, người có công với cách mạng đã trở thành việc làm thường xuyên, được cả hệ thống chính trị và Nhân dân, cùng mạnh thường quân xa gần cùng vào cuộc. Đặc biệt, vào tháng 7 hàng năm được xem là tháng của hoạt động tri ân, tháng của nghĩa tình với người có công, gia đình chính sách.

Địa phương thường xuyên đến thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Thái Thị Phú, ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp.

Việc làm thường xuyên

Năm 2019 này là năm đặc biệt với gia đình ông Võ Văn Nạt, ở xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, bởi gia đình đã có căn nhà vững chãi để ở, hết lo cảnh mưa dột gió lùa. Nhớ về những năm tháng vất vả, ông không khỏi bùi ngùi. “Làm lụng vất vả bao năm mà vẫn không cất nổi căn nhà, phải tới khi được Đảng, Nhà nước xem xét hỗ trợ thì gia đình tôi mới có được căn nhà nghĩa tình này. Tôi biết ơn mọi người nhiều lắm”, ông Nạt bộc bạch. Ông Nạt là người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Những năm chiến tranh ác liệt ông không ngại gian lao, chiến đấu hết mình vì quê hương đất nước. Hòa bình lập lại, ông tiếp tục chiến đấu trên mặt trận kinh tế, song vẫn thiếu trước hụt sau. Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, gia đình ông đã có căn nhà vững chãi để an cư.

Còn bà Nguyễn Thị Xuân, ở xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, cũng phấn khởi khi được hỗ trợ căn nhà tình nghĩa. Bà Xuân là thương binh 4/4. Những năm tuổi trẻ, khi chiến tranh, như bao nam nữ trong xóm, bà Xuân hăng hái lên đường đánh giặc. Với nhiệm vụ của một giao liên, không ít lần trạm trán với kẻ thù, song với trí tuệ, mưu lược của bản thân, bà đã vượt qua sự nghi ngờ của kẻ thù, đem thư giao tận tay bộ đội, cũng như tiếp tế lương thực cho quân ta. “Ngày xưa, giặc đến thì đánh, chứ có ai nghĩ đến sau này sẽ được hưởng chế độ này nọ đâu. Năm rồi, gia đình tôi được Đảng, Nhà nước hỗ trợ căn nhà tình nghĩa, ai nấy rất đỗi vui mừng”, bà Xuân trải lòng.

Chăm lo nhà ở cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng là việc làm thường xuyên, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Những căn nhà tình nghĩa được xây dựng, sửa chữa không chỉ giúp gia đình chính sách, người có công có mái ấm an cư, mà đó còn là tấm lòng tri ân của thế hệ hôm nay với những người đã không tiếc hy sinh xương máu vì độc lập tự do của dân tộc. Từ đầu năm đến nay, đã có 17 căn nhà tình nghĩa được xây dựng từ nguồn xã hội hóa, với kinh phí trên 800 triệu đồng. Đây là minh chứng cho sự vào cuộc của cộng đồng trong công tác chăm lo.

Cùng với chăm lo, hỗ trợ về nhà ở, tỉnh đã thực hiện tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, với nhiều hình thức phong phú như tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng, giúp đỡ gia đình thương binh, liệt sĩ… Thông qua đó, phong trào đã phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp, góp phần nâng cao đời sống cho nhiều gia đình thương binh, thân nhân liệt sĩ, người có công trên địa bàn tỉnh.

Những việc làm cụ thể thiết thực ấy được thực hiện thường xuyên trong năm. Và đặc biệt trong tháng 7 này, nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” lại càng được tổ chức rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở, để tri ân đáp nghĩa các gia đình đã vì nền hòa bình độc lập dân tộc mà chịu biết bao mất mát, hy sinh.

Tấm lòng với mẹ

Những ngày gần cuối tháng 7, mặc dù bận rộn với nhiều công việc, nhưng lãnh đạo tỉnh đã dành thời gian để đến thăm các mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh nặng trên địa bàn tỉnh. Hoạt động này nhằm thể hiện tấm lòng tri ân với những gia đình có công với nước. Được địa phương thông báo Bí thư Tỉnh ủy sẽ đến thăm, Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Bảy, ở xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, cảm thấy rất vui. Nắm chặt tay đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lữ Văn Hùng, Mẹ Bảy nói: “Chiến tranh đã cướp mất chồng và con trai của Mẹ, giờ Mẹ không chỉ được các ngành, các cấp, địa phương quan tâm, mà còn được hàng xóm quý mến, con cháu hiếu thảo, Mẹ thấy ấm lòng lắm”.

Ngày ấy, như những người phụ nữ yêu nước khác, khi có tiếng gọi của non sông, dù biết sẽ phải hy sinh những người thân yêu của mình, nhưng Mẹ Bảy vẫn hồ hởi tiễn chồng, con mình lên đường đánh giặc. Và chồng, con của Mẹ đã mãi mãi ra đi. Nén đau thương vào lòng, Mẹ tiếp tục nuôi dạy bốn người con còn lại nên người.

Nắm lấy bàn tay run run vì tuổi già của Mẹ, Bí thư Tỉnh ủy Lữ Văn Hùng đã ân cần hỏi Mẹ dạo này khỏe không, ăn ngủ thế nào. Đồng thời, chúc Mẹ sống trăm tuổi, tiếp tục là tấm gương để con cháu noi theo. Bí thư Tỉnh ủy nói: “Nhờ có những bà mẹ Việt Nam anh hùng, những thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng đã nuôi dưỡng và cống hiến những người con ưu tú, góp phần giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc. Giờ đây, mong Mẹ sống vui, sống khỏe để thấy quê hương, đất nước ngày càng phát triển”. 

Toàn tỉnh có 2.003 mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng, song vì tuổi già sức yếu, đến nay chỉ còn 122 mẹ còn sống. Hiện nay, tất cả các mẹ đều được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời. Ngoài ra, chính quyền địa phương còn thường xuyên đến thăm hỏi, động viên mẹ sống vui, sống khỏe.

Mẹ Thái Thị Phú, ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Chồng, con hy sinh xót xa lắm, nhưng Mẹ coi đây là niềm tự hào, bởi chồng và con của Mẹ đã hy sinh thân mình cho công cuộc giải phóng đất nước”. Mất đi hai người thân yêu, nhưng Mẹ đã có thêm nhiều người thân khác, những người luôn hết lòng quan tâm, chăm lo cho Mẹ. Giờ đây, mỗi ngày, căn nhà nhỏ của mẹ thật ấm áp khi luôn có sự quan tâm, thăm hỏi thường xuyên của đoàn thể, cấp ủy, chính quyền địa phương và bà con làng xóm… Với Mẹ Phú, đây là món quà vô giá.

Ghi nhận kịp thời những góp ý của gia đình chính sách

Cùng với đến tận nhà để thăm hỏi, tặng quà các mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh nặng, trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với UBND thành phố Vị Thanh và huyện Phụng Hiệp tổ chức Hội nghị gặp gỡ, trao đổi và thông tin đến người có công với cách mạng. Hoạt động này được duy trì thực hiện hàng năm, nhằm lắng nghe ý kiến phản ánh của người có công trong việc thực hiện chính sách, chế độ chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng tại địa phương trong thời gian qua và ghi nhận những kiến nghị của các gia đình, để đề xuất về trên. Từ đó, thực hiện ngày càng tốt hơn công tác “Đền ơn đáp nghĩa” tại địa phương.

Là một trong những người có mặt từ sớm tại Hội nghị gặp gỡ, trao đổi và thông tin đến người có công với cách mạng tại xã Tân Tiến, ông Võ Thanh Kèn, ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, đã đặt câu hỏi với ngành chức năng. Ông Kèn cho biết, trước đây ông tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, chất độc ấy đã để lại di chứng trên người con trai của ông. Hiện nay, anh không thể tự phục vụ sinh hoạt cá nhân. Ông hỏi con ông bị như vậy thì người nuôi dưỡng có được chế độ chăm sóc hay không? Trước câu hỏi này, ngành lao động - thương binh và xã hội đã trả lời cụ thể, giúp ông biết được rằng hiện nay theo quy định người chăm sóc người bị ảnh hưởng chất độc hóa học vẫn chưa được hưởng chế độ. Được giải thích cụ thể, tận tình, ông đã hiểu rõ những quyền lợi mà mình được hưởng. “Tôi thấy những hội nghị như thế này rất có ích, giúp gia đình chính sách chúng tôi ngày càng hiểu rõ hơn chính sách, chủ trương của Nhà nước”, ông Kèn chia sẻ.

Trải qua hai cuộc kháng chiến của dân tộc, hàng nghìn người con ưu tú của quê hương Hậu Giang đã mãi mãi nằm xuống. Nhiều gia đình không chỉ hiến dâng những người thân yêu nhất của mình cho Tổ quốc, mà còn tích cực tham gia hoạt động cách mạng trong lòng địch. Tri ân những đóng góp của các mẹ, những thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, những năm qua, dù điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn khó khăn, song tỉnh luôn chú trọng công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo đời sống gia đình chính sách, người có công với cách mạng với tinh thần trách nhiệm cao, để cuộc sống của người có công được ngày càng đầy đủ và tốt đẹp hơn.

Toàn tỉnh hiện có trên 35.500 gia đình chính sách, người có công, trong đó, có gần 8.000 gia đình chính sách hưởng trợ cấp thường xuyên. Theo bà Hồ Thu Ánh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, công tác chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng luôn được tổ chức thường xuyên với nhiều hoạt động ý nghĩa, đã trở thành phong trào rộng khắp, góp phần giúp nhiều thương binh, gia đình liệt sĩ có điều kiện phát triển kinh tế, cống hiến vào sự phát triển chung của toàn xã hội…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đồng Văn Thanh:

Chăm lo gia đình chính sách bằng cả cái tâm, cùng san sẻ, đồng cảm…

- Cuộc đời các mẹ, các chú, các anh, đã cống hiến rất nhiều, mang nhiều nỗi đau, thì tấm lòng của những người hiện tại đang được thụ hưởng nền độc lập, hòa bình được gầy dựng từ xương máu cha ông, phải là tấm lòng trân trọng, nêu bật được tinh thần trách nhiệm cao. Hình ảnh 3 lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ, không chỉ có trong thơ, trong nhạc, mà thực tế cuộc sống tại vùng đất Hậu Giang này không thiếu những mẹ Việt Nam anh hùng mất cả chồng, cả con vì chiến tranh.

Chúng tôi luôn cố gắng động viên, khuyến khích và vận động sự quan tâm chăm lo của cả cộng đồng dành cho những gia đình chính sách, người có công, nhất là những mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, những thương binh, bệnh binh nặng… Những năm qua, Hậu Giang đã luôn cố gắng và thực hiện tốt công tác chăm lo cho gia đình chính sách, người có công. Điểm nhấn đẹp là công tác này nhận được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các mạnh thường quân xa gần.

Với những cống hiến, đóng góp và sự hy sinh to lớn của các mẹ, các gia đình chính sách, người có công, những liệt sĩ đã ngã xuống cho hoa nở hôm nay, chúng ta phải bù đắp bằng cả cái tâm, bằng tấm lòng, sự thấu hiểu, chia sẻ và đặc biệt quan tâm, để các mẹ, các gia đình thấy yên lòng, an tâm và cảm nhận được sự ấm áp sau những mất mát đó…

 

Toàn tỉnh có trên 35.500 gia đình chính sách. Trong đó, có 2003 mẹ Việt Nam anh hùng (còn sống 122 mẹ), 23 anh hùng lực lượng vũ trang (còn sống 6 người), trên 5.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, trên 12.500 liệt sĩ, trên 7.300 người có công với cách mạng...

----------------

Đẹp lắm tấm lòng tri ân

Mấy năm nay, cứ gần đến dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, lãnh đạo tỉnh và các địa phương lại đến tận nhà các mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh nặng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân để thăm hỏi, động viên và tặng quà. Có những nơi còn khó đi, lãnh đạo tỉnh phải lội bộ hoặc đi xe máy, những hình ảnh giản dị và đẹp đẽ đó nhận được sự đồng cảm, trân trọng từ người dân, các gia đình chính sách. Đến tận nhà để thăm hỏi, không chỉ thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, mà còn nói lên trách nhiệm, sự tận tụy của lãnh đạo tỉnh đối với các mẹ, các gia đình chính sách, người có công.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>