Tập trung hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp

29/02/2016 | 07:32 GMT+7

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân (ĐBHĐND) các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 dự kiến tiến hành vào ngày 22-5-2016. Cùng với cả nước, hiện nay Hậu Giang đang tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm cho công tác này và đã hoàn thành bước hiệp thương người ứng cử ĐBQH, ĐBHĐND tỉnh lần thứ nhất. Phóng viên Báo Hậu Giang có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Hữu Kế (ảnh), Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh, về vấn đề trên.

Thưa ông, nhằm đảm bảo tốt công tác lựa chọn, giới thiệu những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH và ĐBHĐND các cấp thì ở giai đoạn hiệp thương các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong tỉnh cần chú ý những vấn đề gì ?

- Xác định việc lựa chọn, giới thiệu người đủ tiêu chuẩn ra ứng cử ĐBQH, ĐBHĐND các cấp qua các bước hiệp thương là quan trọng, UBMTTQVN tỉnh và các địa phương đã tổ chức hiệp thương lần thứ nhất, thỏa thuận xong cơ cấu, thành phần và số lượng những người ứng cử ĐBQH và HĐND. UBMTTQVN tỉnh có thông báo kết quả hiệp thương lần thứ nhất, phân bổ số lượng người ứng cử cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong tỉnh, đồng thời tổ chức hướng dẫn quy trình giới thiệu người ứng cử ĐBQH và ĐBHĐND.

Theo kế hoạch, đến khoảng ngày 10-3-2016, các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử ĐBQH, ĐBHĐND phải hoàn tất các quy trình, thủ tục cần thiết theo quy định. Để làm tốt công tác này, các cơ quan, tổ chức, đơn vị cần chú ý làm tốt các nội dung quan trọng như: phải đảm bảo thực hiện việc giới thiệu người ứng cử đảm bảo đúng yêu cầu số lượng, cơ cấu, thành phần được phân bổ; trong quy trình thực hiện phải đúng hướng dẫn, thủ tục. Hồ sơ ứng cử viên được giới thiệu đảm bảo thực hiện đúng biểu mẫu quy định; việc triển khai thực hiện cần đúng tiến độ về thời gian. 

So với khóa trước, tiêu chuẩn đại biểu, cơ cấu, thành phần và số lượng ứng cử ĐBQH khóa XIV và ĐBHĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 có những điểm mới nào, thưa ông ?

- Năm 2016 cũng là năm đầu tiên áp dụng Luật Bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND, do đó, ở giai đoạn hiệp thương luật có quy định những điểm mới sau:

Luật Bầu cử ĐBQH và bầu cử ĐBHĐND quy định cụ thể phải có ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH là người dân tộc thiểu số và ít nhất 35% là phụ nữ. Đồng thời, danh sách chính thức những người ứng cử ĐBHĐND các cấp phải đảm bảo có ít nhất 35% nữ.

Ngoài ra, về danh sách người ứng cử, luật quy định số lượng người trong danh sách ứng cử ĐBQH ở mỗi đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử đó ít nhất là hai người. Số người trong danh sách ứng cử ĐBHĐND ở mỗi đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử đó. Nếu đơn vị bầu cử được bầu ba đại biểu thì số lượng trong danh sách ứng cử phải nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu ít nhất là hai người; nếu đơn vị bầu cử được bầu từ bốn đại biểu trở lên thì số lượng người trong danh sách ứng cử phải nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu ít nhất là ba người.

Ông Huỳnh Hữu Kế: Về quy trình giới thiệu người ứng cử, các cơ quan, tổ chức, đơn vị cần làm đúng các bước: Họp ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị để dự kiến người giới thiệu ứng cử; hội nghị lấy ý kiến nhận xét của cử tri tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đối với người được dự kiến giới thiệu ứng cử; hội nghị ban lãnh đạo mở rộng của cơ quan, tổ chức, đơn vị để thảo luận, giới thiệu người ứng cử.

 

Xin cảm ơn ông !

MỸ AN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>