Những giải pháp nâng cao văn hóa chính trị của cán bộ lãnh đạo nước ta hiện nay

06/04/2016 | 15:22 GMT+7

Ở Việt Nam hiện nay, nâng cao văn hóa chính trị của người cán bộ lãnh đạo là một điều kiện, một biện pháp quan trọng để nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và năng lực quản lý của Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Văn hóa chính trị nói chung, văn hóa chính trị của người cán bộ lãnh đạo nói riêng là một vấn đề rộng lớn chịu sự chế định của rất nhiều nhân tố khác nhau. Việc nâng cao văn hóa chính trị của người cán bộ lãnh đạo, vì vậy còn phải được đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với năng lực lãnh đạo của Đảng, với văn hóa Đảng, sự ổn định của hệ thống chính trị, sự hoàn thiện của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, sự dân chủ hóa các lĩnh vực của đời sống xã hội, cuộc đấu tranh chống tham nhũng và việc tạo lập môi trường kinh tế - văn hóa - xã hội hiện thực bền vững và phát triển.

Nâng cao văn hóa chính trị của cán bộ lãnh đạo gắn liền với việc nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đã lựa chọn đúng cán bộ cần phải dạy bảo lý luận cho cán bộ”(1). Lý luận đóng vai trò quan trọng vì nó là hệ thống tư tưởng chủ đạo được hình thành trên cơ sở tổng hợp các tri thức và kinh nghiệm của loài người tích lũy được trong quá trình lịch sử. Lý luận được đem ra giáo dục cho cán bộ, đảng viên trước hết chính là lý luận chính trị - tư tưởng, lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là lý luận liên quan trực tiếp tới sự lãnh đạo của Đảng, tới việc củng cố lập trường tư tưởng và nhân sinh quan của người cán bộ lãnh đạo.

Học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, cái quan trọng nhất là học tập tinh thần, học tập lập trường, quan điểm và phương pháp biện chứng để giải quyết những vấn đề đặt ra trong công tác cách mạng, để nâng cao năng lực tổ chức thực tiễn, đặc biệt là khả năng tập hợp, thuyết phục và cổ vũ quần chúng. Học tập lý luận Mác - Lê-nin phải gắn chặt với thực tiễn, không ngừng tổng kết thực tiễn.

Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là học tập tư tưởng lý luận mà còn là học tập cả phương pháp, phong cách, đạo đức và lối sống của Người.

Đối với người cán bộ lãnh đạo nước ta, việc không ngừng nghiên cứu, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác - Lê-nin là một điều kiện cơ bản để nâng cao trình độ lý luận, khả năng công tác và đạo đức cách mạng, một điều kiện cơ bản để nâng cao văn hóa chính trị.

Nâng cao văn hóa chính trị của cán bộ lãnh đạo gắn liền với việc nắm vững Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng

Cùng với việc nâng cao trình độ nhận thức chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, việc nắm vững Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng chính là cơ sở chủ yếu để nâng cao văn hóa chính trị. Cương lĩnh chính trị xác định mục tiêu, con đường và những phương pháp chủ yếu trong cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân, của Đảng và của các lực lượng cách mạng ở một giai đoạn tương đối dài. Nó cũng chỉ ra những động lực, những hình thức, những phương tiện chủ yếu để đạt được những mục tiêu chiến lược trong những giai đoạn chiến lược cách mạng.

Nắm vững Cương lĩnh, đường lối của Đảng, giữ vững tính kiên định chính trị, đồng thời, có khả năng đề ra và thực hiện những chủ trương, chính sách trên các lĩnh vực cụ thể nhằm quán triệt đúng đắn Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng thì mới có thể kiên trì sự lãnh đạo của Đảng, mới có cơ sở để nâng cao những tố chất của người cán bộ lãnh đạo chính trị. Bất kỳ một sự dao động, nghiêng ngả hoặc tính toán sai trái nào trên những vấn đề thuộc về nguyên tắc của Đảng đều có thể dẫn đến sự suy thoái không chỉ văn hóa chính trị của cá nhân người cán bộ lãnh đạo mà còn gây hại lớn cho Đảng và chế độ.

Trong giai đoạn cách mạng hiện nay ở nước ta, người cán bộ lãnh đạo cần phải nắm vững một cách sâu sắc Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Đường lối đổi mới của Việt Nam.

Nâng cao văn hóa chính trị của cán bộ lãnh đạo gắn liền với việc trang bị những kiến thức cơ bản về Khoa học chính trị và Khoa học lãnh đạo

Chính trị là một lĩnh vực rất phức tạp, nếu không được trang bị những tri thức căn bản để hiểu rõ bản chất và quy luật vận động của đời sống chính trị thì các chủ thể hoạt động chính trị rất dễ trở thành nạn nhân của những ảo tưởng chính trị. Thời điểm hiện nay, Việt Nam đang triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng: Tiếp tục phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới hệ thống chính trị và đi đôi với nó là thực hiện dân chủ hóa mạnh mẽ đời sống xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa, bùng nổ thông tin, trình độ dân trí ngày càng cao, đấu tranh tư tưởng và chính trị trên quy mô toàn thế giới ngày càng phức tạp,... Vì vậy, muốn giải quyết đúng đắn những vấn đề chính trị thực tiễn hết sức phức tạp hiện nay, chính trị cần phải dựa chắc chắn trên những luận cứ chính xác của khoa học,...

Khoa học chính trị đưa lại cho các chủ thể chính trị sự nhìn nhận tự giác, bao quát, hệ thống với tất cả sự phong phú của đời sống chính trị trong nước và quốc tế từ lịch sử đến hiện đại.

Đi đôi với yêu cầu trang bị những kiến thức về chính trị học đối với người cán bộ lãnh đạo là yêu cầu trang bị những kiến thức về khoa học lãnh đạo (chủ yếu là khoa học lãnh đạo chính trị) với tư cách là một khoa học chính trị đặc thù ở cấp độ ứng dụng liên quan trực tiếp đến quy trình hoạt động của người cán bộ lãnh đạo.

Khoa học lãnh đạo phải trang bị kiến thức và kỹ năng cho người cán bộ nắm bắt và phân tích kịp thời những sự kiện, quá trình và tình huống chính trị cụ thể, khả năng phân tích tâm trạng, thái độ, phản ứng chính trị ở các đối tượng khác nhau trong những thời điểm khác nhau để có những quyết sách tương ứng và kịp thời. Thực tế là, thiếu những kiến thức và kỹ năng hành động chính trị cụ thể do Khoa học lãnh đạo đem lại, người cán bộ chính trị có thể rất lúng túng trước các tình huống phức tạp và tế nhị đòi hỏi phải ứng xử nhanh nhạy, chính xác.

Nâng cao văn hóa chính trị của cán bộ lãnh đạo gắn liền với việc rèn luyện đạo đức, lối sống và phát huy tính tích cực chính trị của chủ thể chính trị này

Ở đâu người cán bộ lãnh đạo cũng phải là người tiêu biểu về đạo đức và thực hành đạo đức cách mạng để trở thành chỗ dựa và niềm tin cậy của nhân dân. Để đạt được những phẩm chất đó, cán bộ lãnh đạo cần phải đẩy mạnh việc học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, xây dựng đạo đức mới. Rèn luyện đạo đức, lối sống phải gắn liền với nâng cao ý thức pháp luật. Hơn ai hết, người cán bộ lãnh đạo phải hiểu và hành động đúng theo kỷ cương, phép nước. Cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu phải thật sự tiêu biểu về đạo đức cách mạng. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ là cán bộ cấp trên làm gương cho cấp dưới, cấp trên có trong sáng về đạo đức mới có thể giáo dục, kiểm tra được đạo đức của cấp dưới. Mỗi một người cán bộ lãnh đạo phải là tấm gương về sự tự phấn đấu, rèn luyện không ngừng mới có thể hoàn thành trọng trách được giao.

Đối với bản thân người lãnh đạo, tự giác nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực có tác dụng quyết định việc làm tròn công tác lãnh đạo. Điều đáng thất vọng là có những người lãnh đạo đã không tự giác mà lại buông lỏng mình, tự cao, tự đại, xa xỉ, phô trương, tư túng đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh và uy tín của lãnh đạo nói chung.

Là người tiêu biểu về tính tích cực chính trị đòi hỏi người lãnh đạo phải là người không ngừng học tập. Những cán bộ lãnh đạo lười học, lười suy nghĩ, gặp đâu làm đấy theo kinh nghiệm cũ sẽ không giúp được gì, thậm chí còn là trở ngại, kìm hãm sự nghiệp đổi mới. Người cán bộ lãnh đạo không những phải chú ý chăm chỉ học tập mà còn coi trọng khổ luyện. Để đạt được một nền tảng trí tuệ vững chắc cùng với một phẩm chất cao đẹp phải trải qua quá trình gian nan rèn luyện và phấn đấu.

Nâng cao văn hóa chính trị của cán bộ lãnh đạo gắn liền với việc không ngừng nâng cao trình độ văn hóa chính trị của quần chúng nhân dân lao động

Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra một nguyên tắc hoạt động chính trị: “Phải đưa chính trị vào giữa dân gian”(2). Trình độ văn hóa chính trị của nhân dân là một thước đo về hiệu quả hoạt động chính trị của những người lãnh đạo cộng sản hết lòng vì quyền lợi của quần chúng lao động. Mặt khác, chỉ trên một nền tảng được bảo đảm về văn hóa chính trị của nhân dân lao động thì việc nâng cao văn hóa chính trị của cán bộ lãnh đạo mới có cơ sở thực tế để tiến hành. Hơn nữa, khi trình độ văn hóa chính trị của nhân dân lao động được nâng cao sẽ tạo ra những thách thức cần thiết đòi hỏi người cán bộ phải có bước trưởng thành cao hơn, vì tư cách của họ là chủ thể lãnh đạo mang tính tiên phong, dẫn đường. Một quốc gia dân tộc có một nền văn hóa chính trị cao biểu hiện trước hết là trình độ văn hóa chính trị phổ quát của nhân dân lao động và chiều cao văn hóa trí tuệ của những đại biểu ưu tú xuất hiện trên cái nền tảng phổ quát ấy.

Nâng cao văn hóa chính trị của quần chúng nhân dân lao động là nhằm lôi cuốn mọi công dân vào hoạt động chính trị - xã hội, phát triển ở họ tính tích cực chính trị, sự phản xạ và sự hưởng ứng nhanh chóng với những hiện tượng chính trị, những nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước đề ra.

Nâng cao văn hóa chính trị của quần chúng nhân dân sẽ khơi dậy được sự sáng tạo của các nguồn lực xã hội trong công cuộc xây dựng đất nước. Trình độ văn hóa chính trị là điều kiện bảo đảm cho người dân nắm bắt và thực hành dân chủ. Và chỉ như thế, chế độ chính trị - xã hội mới đạt được sự ổn định và bền vững, tạo ra được lợi thế so sánh phát triển. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên”(3).

Càng có trình độ văn hóa chính trị cao, con người càng nhận thức sâu hơn về những giá trị xã hội, về quyền và nghĩa vụ của mình cũng như khả năng độc lập đánh giá và suy lý về những tiến trình chính trị đang xảy ra. Với một trình độ văn hóa chính trị nhất định, những công dân bình thường có thể thường xuyên ở trong sự diễn tiến của những sự kiện quan trọng, nhanh chóng nhận biết những hành vi và tư cách của các chủ thể lãnh đạo.

Nâng cao văn hóa chính trị của cán bộ lãnh đạo gắn liền với đổi mới công tác cán bộ của Đảng

Công tác cán bộ là một phương diện lãnh đạo chủ yếu của Đảng. Chất lượng của công tác cán bộ tác động trực tiếp, nhiều mặt đến đời sống và sự nghiệp của người cán bộ, đảng viên. Nâng cao văn hóa chính trị của cán bộ lãnh đạo ở nước ta hiện nay có quan hệ mật thiết đến việc đổi mới công tác cán bộ của Đảng.

Trong thời kỳ đổi mới hiện nay, so với những yêu cầu, nhiệm vụ chính trị, đội ngũ cán bộ nước ta còn có nhiều mặt hạn chế cả về phẩm chất và năng lực. Tình hình trên có nhiều nguyên nhân, trong đó, có một nguyên nhân chủ yếu là công tác cán bộ còn chưa chủ động nhạy bén; thiếu một chiến lược cán bộ tổng thể; hệ thống chính sách cán bộ thiếu đồng bộ; việc quán triệt các quan điểm và nguyên tắc cơ bản của Đảng về công tác cán bộ chưa thật đầy đủ và sâu sắc.

Để có được những cán bộ đúng tiêu chuẩn, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, đứng đầu, đáp ứng với nhiệm vụ mới mà cách mạng đề ra, công tác cán bộ hiện nay cần tập trung một số vấn đề sau đây:

- Trên cơ sở xác định tiêu chuẩn của từng chức danh cán bộ ở các lĩnh vực công tác, phải tiến hành phân tích và đánh giá cán bộ thật chính xác. Từ đó bố trí, sử dụng cán bộ theo phương châm vừa ổn định vừa phát triển. Hiệu quả công việc và uy tín lãnh đạo là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá và bố trí cán bộ.

- Bồi dưỡng kiến thức về mọi mặt cho cán bộ chủ chốt theo đặc điểm và yêu cầu của từng loại cán bộ, để kịp thời đáp ứng được chức trách, nhiệm vụ đang đảm nhiệm. Đổi mới chương trình, nội dung đào tạo. Bảo đảm phương châm lý luận gắn liền với thực tiễn, đào tạo trong nhà trường gắn liền với rèn luyện trong thực tế, kết hợp trang bị kiến thức nghiệp vụ với nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, kiến thức pháp luật, kỹ năng thực hành. Trang bị kiến thức vừa rộng vừa sâu, kết hợp kiến thức cơ bản và kiến thức chuyên ngành.

- Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các quy chế, quy trình công tác cán bộ, như quy hoạch cán bộ; tuyển chọn và bổ nhiệm cán bộ; điều động và luân chuyển cán bộ; quản lý, kiểm tra, giám sát cán bộ; phê bình và bãi miễn cán bộ,... nhằm làm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, có tính khoa học, bảo đảm theo nguyên tắc và chuẩn mực chung. Trong đó, tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản, xuyên suốt trong từng nội dung cụ thể của công tác cán bộ của Đảng.

- Đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính sách cán bộ nhằm phát huy được tính tích cực, sự yên tâm với công việc, nâng cao tính trách nhiệm của cán bộ, phát huy được nhân tài. Hệ thống chính sách cán bộ phải bảo đảm quyền lợi gắn liền với trách nhiệm, quyền lợi càng lớn, trách nhiệm càng nặng nề. Trong bối cảnh hiện nay cần đột phá vào một số khâu cơ bản, như chính sách tiền lương cán bộ; chính sách thu hút và khuyến khích tài năng,...

------------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 5, tr. 276

(2) Hồ Chí Minh, Sđd, t. 5, tr. 298

(3) Hồ Chí Minh, Sđd, t. 9, tr. 592

Theo Lâm Quốc TuấnTS, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh/tapchicongsan.org.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích