Nâng cao chất lượng biên soạn, tuyên truyền lịch sử Đảng

17/11/2022 | 05:59 GMT+7

Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 20 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng giúp cho nhận thức của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của địa phương, đơn vị được nâng cao. Từ đó, nhiều công trình lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống ngành được biên soạn, xuất bản góp phần giáo dục truyền thống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho các tầng lớp nhân dân.

Hậu Giang - 15 năm thành tựu và phát triển là một trong số 23 công trình lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống ngành được biên soạn, xuất bản từ năm 2018 đến năm 2022 trên địa bàn tỉnh.

Quan tâm công tác biên soạn lịch sử

Thực hiện Chỉ thị số 20 của Ban Bí thư, Tỉnh ủy chỉ đạo các địa phương, đơn vị quan tâm thực hiện công tác biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống, trong đó chú trọng công tác sưu tầm tài liệu, mời các nhân chứng có nhiều kinh nghiệm tham gia biên soạn, tổ chức hội thảo để đóng góp, chỉnh sửa đảm bảo phản ánh chính xác các sự kiện lịch sử. Chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập tư liệu, xử lý hình ảnh để việc biên soạn đảm bảo chất lượng, các ấn phẩm khi xuất bản đạt yêu cầu theo quy định. Kết quả, từ năm 2018 đến năm 2022, toàn tỉnh đã biên soạn được 23 công trình lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống ngành.

Từ sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, các cấp ủy trong tỉnh đã quan tâm thực hiện công tác sưu tầm tư liệu, biên soạn lịch sử đảng. Ông Trần Văn Thắng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Châu Thành, cho biết, tính đến nay, toàn huyện có 19 công trình lịch sử, trong đó có 2 công trình lịch sử đảng bộ, 7 công trình lịch sử truyền thống của ngành và 10 công trình lịch sử của các xã, thị trấn.

Theo ông Trần Văn Thắng, công tác sưu tầm, biên soạn, in ấn công trình lịch sử trên địa bàn huyện thời gian qua được tiến hành đúng quy trình, đảm bảo về chất lượng. Huyện ủy và cấp ủy cơ sở chú trọng mời các cộng tác viên có trình độ chuyên môn cao tham gia biên soạn; quá trình biên soạn thực hiện tốt quy trình sưu tầm, xác minh tư liệu, viết bản thảo, tổ chức hội thảo nhiều lần.

Đơn cử như khi biên soạn “Lịch sử Đảng bộ huyện Châu Thành giai đoạn 1975-2015”, Ban biên soạn đã sưu tầm, tổng hợp tư liệu, biên soạn, lấy ý kiến tham gia của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo huyện qua các thời kỳ. Huyện còn tổ chức hội thảo ghi nhận, tiếp thu các ý kiến đóng góp về bố cục, kết cấu, nội dung, thông tin, sự kiện, tư liệu lịch sử.

Nhờ quá trình biên soạn được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ nên quyển “Lịch sử Đảng bộ huyện Châu Thành giai đoạn 1975-2015” khi xuất bản đã nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Công trình này thể hiện đầy đủ, trọn vẹn những nỗ lực xây dựng và phát triển của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Châu Thành sau ngày giải phóng, cũng như những sự kiện nổi bật, thành tựu mà Đảng bộ huyện đạt được từ năm 1975 đến năm 2015.     

Huyện Vị Thủy cũng đã tiếp thu, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 20 của Ban Bí thư. Huyện đã thành lập ban chỉ đạo, bộ phận nghiên cứu và tổ biên tập để thực hiện nghiên cứu, biên soạn lịch sử ở địa phương. Nhờ công tác triển khai thực hiện nghiêm túc nên nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân về vị trí, vai trò của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử từng bước được nâng lên. Từ đó, quá trình thực hiện nhận được sự tham gia tích cực của cán bộ, đảng viên, cán bộ lão thành cách mạng, nhân chứng lịch sử.

Đến nay, huyện đã hoàn thành việc biên soạn, phát hành quyển lịch sử truyền thống đấu tranh của đảng bộ ở 3 xã: Vị Thanh, Vị Thủy và Vĩnh Tường giai đoạn 1945-1975. Ngoài ra, huyện còn phát hành 3 kỷ yếu nhân kỷ niệm 10 năm, 15 năm và 20 năm thành lập huyện. Hiện nay, Ban Thường vụ Huyện ủy Vị Thủy đang chỉ đạo bổ sung hoàn chỉnh việc soạn thảo quyển lịch sử đấu tranh cách mạng của đảng bộ, dân và quân đối với 3 xã: Vị Thanh, Vĩnh Thuận Tây, Vĩnh Tường giai đoạn 1975-2010. Các công trình lịch sử này có ý nghĩa về giá trị lịch sử và thực tiễn, đáp ứng được lòng mong mỏi của cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Tích cực tuyên truyền, giáo dục lịch sử địa phương

Trên cơ sở các công trình lịch sử được biên soạn, xuất bản, cấp ủy đảng các cấp thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền lịch sử trong cán bộ, đảng viên toàn tỉnh thông qua các hình thức như: hội nghị triển khai, hệ thống đài truyền thanh từ cấp huyện đến cấp xã, các buổi sinh hoạt dưới cờ, hoạt động ngoại khóa của học sinh, sinh viên… Ngoài ra, hàng năm, các địa phương, đơn vị trong tỉnh tổ chức hội thi viết tìm hiểu hoặc thi báo cáo viên giỏi tuyên truyền lịch sử đảng bộ địa phương lồng ghép với thi tìm hiểu về chủ quyền biển, đảo, về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…

Vào đầu tháng 7 năm nay, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Châu Thành tổ chức Hội thi “Tìm hiểu lịch sử Đảng bộ huyện, giai đoạn 1975-2015, tìm hiểu Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị và tìm hiểu chủ quyền biển, đảo Việt Nam” năm 2022. Hội thi được tổ chức với hình thức hái hoa dân chủ với sự tham gia của 50 thi sinh đến từ 10 đội thi ở các xã, thị trấn và 2 đội của Trường THPT Ngã Sáu và Trường THPT Phú Hữu.

Theo ông Nguyễn Văn Châu, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Châu Thành, thông qua hội thi giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền lịch sử đảng bộ huyện, góp phần bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, nhân cách sống cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Tại huyện Vị Thủy, công tác tuyên truyền lịch sử đảng bộ cũng được các cấp, các ngành quan tâm. Vào tháng 5 năm nay, Đảng ủy thị trấn Nàng Mau tổ chức tuyên truyền về lịch sử Đảng bộ xã Vị Thủy giai đoạn 1945-1975 cho học sinh khối lớp 5 Trường Tiểu học thị trấn Nàng Mau I. Tại đây, giáo viên và hơn 100 học sinh của trường được giới thiệu về lịch sử hình thành, phát triển, truyền thống đấu tranh giải phóng dân tộc của Đảng bộ, quân và dân xã Vị Thủy qua các thời kỳ, đặc biệt là giai đoạn 1945-1975, trong đó có Đảng bộ thị trấn Nàng Mau sau này.

Ông Nguyễn Văn Đủ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND thị trấn Nàng Mau, cho biết, buổi tuyên truyền có ý nghĩa rất tích cực, góp phần giáo dục đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào về truyền thống cách mạng của địa phương trong đội ngũ giáo viên, học sinh Trường Tiểu học thị trấn Nàng Mau I.

Cũng theo ông Đủ, sau buổi tuyên truyền tại Trường Tiểu học thị trấn Nàng Mau I, Đảng ủy thị trấn đã tổ chức rút kinh nghiệm, xây dựng nội dung tuyên truyền sát với thực tiễn, phù hợp với từng đối tượng, nhất là các em học sinh tiểu học, sau đó tiếp tục tổ chức tuyên truyền tại các trường còn lại trên địa bàn thị trấn.

Ban Tuyên giáo Huyện ủy Vị Thủy cho biết, để thực hiện hiệu quả hoạt động tuyên truyền lịch sử đảng bộ địa phương, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã xây dựng kế hoạch phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh triển khai tuyên truyền lịch sử đảng bộ địa phương ở các trường học trên địa bàn huyện. Đây là hoạt động thiết thực giúp cán bộ, đảng viên, giáo viên, học sinh nắm được lịch sử hào hùng của địa phương.

Đánh giá về kết quả thực hiện Chỉ thị số 20 của Ban Bí thư trên địa bàn tỉnh thời gian qua, ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, cho rằng các cấp ủy đảng đã chủ động quán triệt, triển khai thực hiện chỉ thị, nhờ đó công tác sưu tầm, biên soạn các ấn phẩm lịch sử được tiến hành bài bản, đúng quy trình, đạt về chất lượng. Nhiều ấn phẩm có nội dung phong phú, phản ánh trung thực, khách quan, hình thức đẹp, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đón đọc và tìm hiểu. Qua đó, góp phần vun bồi lý tưởng cách mạng, nhân cách sống và ý chí vươn lên trong các tầng lớp nhân dân.

Để phát huy kết quả đạt được trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 20, chú trọng rà soát lại các công trình lịch sử trên địa bản tỉnh, khắc phục những “khoảng trống” trong lịch sử đảng bộ; tập trung nghiên cứu, biên niên sự kiện lịch sử đảng bộ địa phương, đơn vị.

Bí thư Tỉnh ủy cũng lưu ý phải tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng, lịch sử cách mạng địa phương đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên và Nhân dân, kết hợp đấu tranh chống quan điểm sai trái, xuyên tạc, bảo vệ nền tảng tư tưởng, quan điểm, đường lối và lịch sử của Đảng. Hoàn thành việc biên soạn, xuất bản quyển Địa chí Hậu Giang nhằm chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2025-2030. Đặc biệt là phối hợp xây dựng Bộ phim tài liệu về lịch sử hình thành và 20 năm phát triển tỉnh Hậu Giang.

Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỆU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>