Lãnh đạo Thanh Hóa nói gì về việc ngư dân Sầm Sơn biểu tình?

08/03/2016 | 16:23 GMT+7

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cho rằng, việc người dân biểu tình do không hiểu chủ trương của tỉnh. Việc dân không hiểu là trách nhiệm của chính quyền cơ sở.

Dân biểu tình là trách nhiệm của chính quyền cơ sở

Sau cuộc đối thoại của ông Trịnh Văn Chiến – Bí thư Tinh ủy Thanh Hóa ngày 7/3 với ngư dân Sầm Sơn, cuộc sống ở Sầm Sơn đang dần trở lại với nhịp sống ngày thường, ngư dân nơi đây lại chuẩn bị cho chuyến đi biển mới.

Xem xét một phần nguyên nhân việc dân kéo lên trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa biểu tình gần 10 ngày nay, ông Nguyễn Đức Quyền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng, vấn đề này đã được Bí thư Trịnh Văn Chiến nhận khuyết điểm tại buổi đối thoại sáng 7/3.

Khu vực tượng đài vua Lê Lợi trước trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa trở lại bình yên như thường ngày.

Theo ông Quyền, dự án Quy hoạch không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương là chủ trương đúng của tỉnh. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền chưa đạt dẫn đến chuyện người dân chưa hiểu được chủ trương chính sách của tỉnh. Trong khi đó, dân lại tin một luồng thông tin xuyên tạc rằng, chính quyền tỉnh Thanh Hóa bán biển cho Tập đoàn FLC.

“Việc tuyên truyền chưa đạt vì dân chưa hiểu là trách nhiệm của chính quyền cơ sở và của các ngành chức năng của tỉnh, của thị xã Sầm Sơn”, ông Quyền khẳng định.

Trả lời phóng viên việc vì sao để việc người dân biểu tình kéo dài đến gần 10 ngày, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa mới có cuộc đối thoại với ngư dân, ông Quyền cho hay, Ủy ban nhân dân tỉnh ngày nào cũng tiếp dân. Do Chủ tịch tỉnh đi vắng nên 3 Phó chủ tịch tỉnh trong đó có ông Quyền trực tiếp tiếp dân.

Ngoài ra tỉnh còn tổ chức phòng tiếp dân tại thị xã Sầm Sơn để dân không mất công lên tỉnh nữa, tuy nhiên, người dân không nghe. Bên cạnh đó, tỉnh còn thành lập 4 đoàn tổ chức tiếp dân trên các địa bàn. Tất cả lãnh đạo tỉnh đều tiếp dân và ngày 7/3 đích thân Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp đối thoại với nhân dân.

Ông Quyền cũng cho biết, trong các buổi tiếp dân trước cuộc đối thoại của Bí thư Tỉnh ủy, người dân một mực tin theo luồng thông tin rằng, tỉnh đã thu hồi biển để bán. Ông Quyền khẳng định, đây là luồng tin xuyên tạc sai chủ trương, dẫn đến việc người dân lên UBND tỉnh biểu tình phán đối đòi trả lại biển.

Ông Nguyễn Đức Quyền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

Từ sự việc trên ông Quyền cho rằng, cách tuyên truyền, truyền đạt đến người dân như thế nào thì cần phải đánh giá lại. “Tỉnh ra chủ trương, chính sách giao cho các ngành các cấp hướng dẫn nhân dân. Tuy nhiên, để người dân hiểu sai chủ trương, có thể nói là cách làm của bộ máy chính quyền mình có vấn đề”, ông Quyền nhìn nhận.

Theo ông Quyền, trong thời gian tới tỉnh Thanh Hóa sẽ có đánh giá lại toàn bộ sự việc và có chỉ đạo rút kinh nghiệm.

Đối với việc cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố vụ án Gây rối trật tự công cộng, theo ông Quyền việc thực hiện quy trình tố tụng này là có cơ sở. Việc xem xét biểu tình là tự phát hay có tổ chức đang được cơ quan điều tra xem xét, ông Quyền nói.

Dân muốn “sổ đỏ” cho 1.500m bờ biển

Nói về việc bỏ cả đi biển để kéo lên thành phố biểu tình trước trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa mấy ngày qua, ông Vũ Như Tâm (xã Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn) cho biết, ban đầu lãnh đạo xã gọi ngư dân lên và truyền đạt về chủ trương của tỉnh và diện tích bờ biển Sầm Sơn là của nhà nước nên người dân phải di dời đi nơi khác.

Sau thông báo của xã Quảng Cư đến lượt lãnh đạo thị xã Sầm Sơn cũng nói về chủ trương của tỉnh thu hồi phục vụ dự án Quy hoạch không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương.

Chính vì là chủ trương của tỉnh nên ngư dân Sầm Sơn phải kéo nhau lên UBND tỉnh để khiếu kiện. “Chủ trương gì cũng phải đảm bảo cuộc sống của những người dân nghèo như chúng tôi”, ông Tâm cho hay.

Ông Vũ Như Kính.

Nhận xét về buổi đối thoại với Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa sáng 7/3, ông Tâm cho rằng, ông muốn lãnh đạo cao nhất của tỉnh Thanh Hóa nói rõ hơn việc để lại 1.500m bãi biển cho người dân 4 xã, phường đi biển nhằm đảo bảo cuộc sống dân sinh. “1.500m bãi biển mãi mãi là của ngư dân thì chúng tôi mới yên tâm”, ông Tâm phân tích.

Nói về việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án Gây rối trật tự công cộng, ông Tâm cho hay, do dân bức xúc quá. Việc khởi tố là quá nặng nề.

Cùng quan điểm, ông Vũ Như Kính (63 tuổi, người dân thôn Hồng Thắng, xã Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn) cho biết, cái ông mong muốn nhất trong buổi đối thoại với Bí thư Tỉnh ủy là ngư dân Sầm Sơn muốn giữ ít nhất 1.500m bãi biển lâu dài hết đời này và hết đời khác. “Mục tiêu cao nhất của nhân dân là bãi biển chứ không tiền nong”.

Trước đó, trong buổi đối thoại với người dân Sầm Sơn sáng 7/3, ông Trịnh Văn Chiến – Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa khẳng định: Biển, bờ biển là của đất nước chúng ta, của người dân chúng ta, trong đó có Sầm Sơn. Nhưng biển, bờ biển phải được Nhà nước quản lý theo quy hoạch bằng các quy định hiện hành. Không có chuyện tỉnh thu biển, thu bờ biển giao cho bất cứ doanh nghiệp nào, không có chuyện đó. Vì làm như vậy là trái với chủ trương, trái với đường lối chính sách của Đảng và nhà nước.

Ông Trịnh Văn Chiến nêu rõ: Nếu bà con nào đồng ý với chủ trương, dự án và quyết định hỗ trợ của tỉnh thì nhận tiền, còn bà con nào không đồng ý thì cứ tiếp tục đi biển bình thường, không có bất cứ văn bản nào chỉ đạo bà con phải di chuyển tàu thuyền ở thời điểm nào hết.

Ông Nguyễn Đức Quyền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa: Lộ trình của tỉnh là chuyển đổi khai thác hải sản từ thuyền nhỏ sang thuyền lớn. Khi đấy bãi biển sẽ không còn thuyền nhỏ. Nếu ngư dân vẫn còn có thuyền nhỏ thì vẫn đi làm ăn bình thường. Bà con ngư dân vẫn tập kết tàu bè ở nơi cũ, nơi tập kết không ảnh hưởng đến bãi tắm.

Trong quá trình này, cơ quan chức năng tiếp tục vận động. Ai nhận tiền thì cứ nhận tiền bồi thường. Ai nhận tiền nâng cấp tàu thuyền thì cứ việc nâng cấp. Tàu thuyền đã nâng cấp thì phải vào cảng. Như vậy sẽ giảm dần số thuyền nhỏ. Đến lúc khai thác không còn hiệu quả nữa thì người dân sẽ chuyển hẳn sang tàu lớn.

 

Nhóm PV VOV

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>