Khó mấy cũng phải làm tốt

04/10/2017 | 07:32 GMT+7

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng vẫn còn đó những trường hợp đã cống hiến cho non sông, đất nước vẫn chưa được công nhận người có công với cách mạng. Vì vậy, công tác giải quyết hồ sơ người có công càng được quan tâm thực hiện, góp phần bù đắp vết thương chiến tranh vốn đã hằn sâu...

Ông Phẩm kể lại quá trình làm hồ sơ đề nghị công nhận thương binh.

Có chậm, nhưng công khai, minh bạch

Đến nay, gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Mười, ở ấp 8, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ vẫn chưa quên được cảm xúc khi mẹ được trao tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Với gia đình, việc được phong tặng danh hiệu cao quý này không phải để gia đình được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước, mà điều quan trọng là những cống hiến, hy sinh của chồng và con mẹ Mười đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận. Ông Lương Hoàng Minh, con trai mẹ Mười, bộc bạch: “Ngày được phong tặng, mẹ khóc rất nhiều, bởi biết bao cảm xúc về cha và anh tôi lại tràn về. Mẹ thường nói, vẫn biết tiễn người thân lên đường là không hẹn ngày về, nhưng mẹ tôi vẫn luôn động viên, kìm nén giọt nước mắt để cha và anh tôi yên tâm lên đường đánh giặc”.

Mấy năm trước, gia đình ông Minh cũng làm hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho mẹ Mười, nhưng do bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Lương Văn Hồng (anh trai ông Minh) bị sai sót, nên mãi đến đợt vừa qua mới hoàn tất hồ sơ và được phong tặng. Mẹ Mười chia sẻ rằng, dù có trễ nhưng Mẹ cũng thông cảm.

Không riêng hồ sơ Bà mẹ Việt Nam anh hùng, tất cả hồ sơ công nhận thương binh, liệt sĩ, người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học… đều được địa phương xem xét, giải quyết một cách công khai, minh bạch. Từng cầm súng chiến đấu, lại mang trên người vết thương chiến tranh, nhưng khoảng 10 năm trước khi đi làm hồ sơ, ông Đặng Văn Phẩm, ở ấp Mỹ Thành A, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, vẫn chưa được công nhận thương binh và chưa được hưởng chế độ của Nhà nước. Theo ông Phẩm, gia đình cũng “gõ cửa” nhiều nơi đề nghị công nhận thương binh nhưng chưa có kết quả, do hồ sơ không đầy đủ. Đến cuối năm 2016, gia đình vui mừng khi hồ sơ đã được thông qua, ông Phẩm được công nhận thương binh 4/4. Ông Phẩm bảo rằng đó là niềm an ủi.

Ông Phẩm tham gia cách mạng khi tuổi đời mới đôi mươi tại địa phương. Trong trận chống càn, ông bị pháo nổ thủng màng nhĩ, điếc hẳn một bên tai. Dù vậy, ông vẫn tiếp tục cống hiến cho cách mạng đến ngày đất nước sạch bóng quân thù. Ông Phẩm bộc bạch: “Tui làm hồ sơ công nhận thương binh không phải ham danh lợi gì cho bản thân mình, mà là niềm vinh dự cho cả gia đình. Trong cuộc sống hôm nay, tui luôn giáo dục con cháu phải sống sao có ích cho gia đình, xã hội”.

Giúp người có công hưởng đúng, đủ các chế độ, chính sách ưu đãi

Thời gian qua, huyện Phụng Hiệp luôn thực hiện tốt các chế độ, chính sách cũng như quan tâm giải quyết hồ sơ về công nhận thương binh, liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng, người bị nhiễm chất độc hóa học… Ông Đào Ngọc Điền, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Chúng tôi đã nỗ lực để giải quyết hồ sơ người có công với cách mạng. Từ đó, giúp mọi người hưởng đúng, đủ các chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước. Việc làm này thể hiện tấm lòng tri ân của thế hệ hôm nay với những người đã từng góp công cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của đất nước”. Từ năm 2005 đến nay, huyện đã giải quyết 22 hồ sơ Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 9 hồ sơ công nhận thương binh…

Những năm qua, các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh luôn nỗ lực trong việc xác minh, để giải quyết hồ sơ người có công với cách mạng. Đây cũng là nhiệm vụ được đề ra trong nghị quyết nhiệm kỳ của Đảng bộ tỉnh và các địa phương. Tuy nhiên, công tác này gặp không ít khó khăn, bởi trải qua các cuộc chiến tranh khốc liệt, lâu dài, nhiều cơ quan quản lý thay đổi, người hy sinh, người bị thương không còn lưu giữ được hồ sơ. Với lại, bản thân người tham gia kháng chiến năm xưa cũng không nghĩ đến chuyện lưu giữ lại giấy tờ cho riêng mình… Toàn tỉnh có 32 hồ sơ tồn đọng. Trong số này, vừa qua đã công nhận được 6 hồ sơ liệt sĩ, những hồ sơ còn lại đang được xác minh, làm rõ.

Theo ông Nguyễn Trung Liệt, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, để giải quyết dứt điểm hồ sơ đề nghị công nhận người có công với cách mạng, các địa phương cần tổ chức xác minh cụ thể từng trường hợp, hạn chế tối đa các trường hợp làm hồ sơ giả. Trong quá trình xét duyệt hồ sơ, phải tận dụng mọi thông tin, nhằm xác định đúng người có công với cách mạng. Việc tổ chức các cuộc họp với người dân nơi có người có công đề nghị phải tổ chức chặt chẽ, nhất thiết phải mời các đồng chí lão thành cách mạng, người hoạt động kháng chiến, người cao tuổi...

Giải quyết hồ sơ cho người có công dù khó, nhưng ngành chức năng đã, đang và sẽ tiếp tục cố gắng làm thật tốt, đó là cách đền đáp công ơn, công lao của những người đã cống hiến, hy sinh cho hòa bình, độc lập dân tộc. 

Tiếp tục giải quyết các hồ sơ tồn đọng còn lại

Ông Nguyễn Trung Liệt, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: “Việc giải quyết hồ sơ người có công với cách mạng được xem là nhiệm vụ quan trọng nhằm góp phần tôn vinh những người ngã xuống vì hòa bình, thống nhất đất nước… Vì vậy, dù công tác này có khó khăn, chúng tôi cũng nỗ lực để làm. Sau thời gian thực hiện, nhiều hồ sơ được giải quyết một cách minh bạch, công khai. Thời gian tới, ngành tiếp tục giải quyết các hồ sơ còn lại, nhằm thực hiện tốt công tác chăm lo người có công”.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>