Hiệu quả tiếp xúc, đối thoại

01/04/2022 | 09:38 GMT+7

Công tác tiếp xúc, đối thoại được các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện thời gian qua và mang lại nhiều kết quả thiết thực.

Tại cuộc gặp gỡ với trưởng, phó phòng và tương đương cấp tỉnh vừa qua, lãnh đạo tỉnh đã nghe nhiều ý kiến “hiến kế” tâm huyết.

Ngày 18-2-2019, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 11 về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Nhìn lại mới thấy Tỉnh ủy Hậu Giang đã “đi trước” khi ban hành Quyết định số 135 ngày 23-12-2015 về việc ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân trên địa bàn tỉnh, nay là Quyết định số 1681 ngày 23-1-2019 về việc điều chỉnh, bổ sung Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân.

Tính đến nay, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh tổ chức được hơn 1.000 cuộc tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân. Thông qua các cuộc tiếp xúc, đối thoại, nhiều vấn đề khó khăn, bức xúc của người dân đã được giải quyết rốt ráo.

Khó khăn của người dân được giải quyết

Khi gặp gỡ, tiếp xúc với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, người dân ở thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp có nhiều ý kiến phản ánh khó khăn do đường xuống cấp cần sửa chữa; vấn đề xây dựng nhà ở cho đối tượng chính sách, hộ nghèo... Sau đó, nhiều nội dung do người dân phản ánh đã được giải quyết. Chẳng hạn như tuyến lộ kênh Trường Học ở ấp Thống Nhất, thị trấn Cây Dương, được người dân phản ánh là bị xuống cấp do xây dựng đã lâu, gây khó khăn cho việc đi lại.

“Sau đó không lâu thì thấy cán bộ của huyện, xã đến đo đạc, xin ý kiến người dân để xây dựng mới con lộ này theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” (người dân làm nền hạ, còn Nhà nước đầu tư mặt cứng - PV). Đúng với ý nguyện nên chúng tôi ủng hộ hết mình. Giờ đây, tuyến lộ bê tông rộng 2m đã xây dựng hoàn thành, giúp việc đi lại dễ dàng hơn trước”, bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, ở ấp Thống Nhất, chia sẻ.

Bà Võ Thị Ngọt, ở ấp Hưng Phú, thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, phấn khởi vì có nhà mới.

Còn niềm vui của bà Võ Thị Ngọt, ở ấp Hưng Phú, thị trấn Cây Dương, là có được căn nhà mới thay cho căn nhà cũ bị xuống cấp. Bà Ngọt có chồng là liệt sĩ. Căn nhà trước đây bị hư hỏng nặng nên bà có ý kiến xin được cất lại nhà mới tại buổi tiếp xúc, đối thoại với lãnh đạo các cấp. Trên cơ sở đó, ngành chức năng của thị trấn và huyện Phụng Hiệp đến khảo sát, rồi hỗ trợ cho bà chi phí xây nhà mới theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ trị giá 40 triệu đồng. “Có được căn nhà tôi mừng lắm và rất biết ơn Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo cho các đối tượng chính sách thời gian qua”, bà Ngọt cho biết.

Xã Vĩnh Trung là một trong các đơn vị có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện Vị Thủy nên địa phương tích cực tổ chức các cuộc tiếp xúc, đối thoại với hộ nghèo. Qua đó, cấp ủy, chính quyền đã ghi nhận hàng trăm lượt ý kiến. Đa phần các ý kiến, kiến nghị của bà con đều bày tỏ nhu cầu được vay vốn phát triển kinh tế gia đình.

Giải quyết khó khăn này, cấp ủy, chính quyền xã phối hợp với ngân hàng hỗ trợ vốn vay cho hàng trăm hộ nghèo để thực hiện các mô hình phát triển kinh tế. Ông Trần Văn Hải, ở ấp 3, xã Vĩnh Trung, khẳng định: “Sau đề xuất thì gia đình tôi được vay 40 triệu đồng để nuôi bò. Không riêng gia đình tôi, nhiều hộ khác cũng được vay vốn làm ăn”.

Rõ ràng, các cuộc tiếp xúc, đối thoại đã trở thành diễn đàn bổ ích để lãnh đạo các cấp ghi nhận và hiểu hơn về cuộc sống, sản xuất của người dân; còn người dân được bày tỏ tiếng lòng của mình với lãnh đạo. Tuy nhiên, nếu chỉ ghi nhận ý kiến mà không giải quyết thì người dân sẽ mất dần sự tín nhiệm, tin tưởng vào lời hứa của cấp ủy, chính quyền. Vậy nên, Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy phải tăng cường giám sát việc thực hiện các kết luận sau tiếp xúc, đối thoại để vừa đảm bảo hiệu quả vừa nâng cao uy tín của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Nhân dân.

Đồng thời, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải ưu tiên giải quyết các vấn đề phát sinh ở cơ sở, không để kéo dài khiến người dân phải chờ đợi. Nhờ đó, nhiều vấn đề người dân còn băn khoăn, trăn trở đã có lời giải đáp thỏa đáng, giúp cho mối quan hệ máu thịt giữa các cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân trong tỉnh càng thêm khăng khít.

Nhiều “hiến kế” tâm huyết với lãnh đạo tỉnh

Gần đây, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại rất thiết thực với trưởng, phó phòng và tương đương cấp tỉnh, cấp huyện; cán bộ, hội viên phụ nữ; cán bộ, đoàn viên, thanh niên, công chức, viên chức, công đoàn viên và người lao động trong tỉnh. Từ các cuộc tiếp xúc, đối thoại này, lãnh đạo tỉnh đã ghi nhận hàng ngàn ý kiến trực tiếp và thông qua phiếu khảo sát.

Đáng ghi nhận là các ý kiến đều cho thấy sự tâm huyết phản ánh những khó khăn, vướng mắc mà các địa phương, đơn vị đang gặp phải; đồng thời hiến kế, đóng góp cho những chính sách, định hướng phát triển của tỉnh. Đơn cử như tại cuộc gặp gỡ với trưởng, phó phòng và tương đương cấp tỉnh vừa qua, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã nghe nhiều ý kiến góp ý tâm huyết về công tác cán bộ.

Phát biểu tại đây, ông Huỳnh Vũ Hiền, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế về chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh. Đó là từ khi thành lập tỉnh, không ít công chức, viên chức chưa được đào tạo và cần mất thời gian dài để đào tạo; do tinh giản biên chế. Mặt khác, một số cán bộ, công chức, viên chức chưa sử dụng tốt thời gian, giờ giấc làm việc nên hiệu quả xử lý công việc chưa cao...

Do đó, ông Hiền kiến nghị tỉnh cần thực hiện nghiêm túc, chất lượng công tác đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức; có khen thưởng đột xuất đối với các cán bộ, công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Mặt khác, tỉnh cần tổng kết và chỉ đạo thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao ý thức trách nhiệm, rèn luyện đạo đức, tác phong, xây dựng lề lối làm việc khoa học, hiệu quả; công khai, dân chủ, để ngày càng nâng cao hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.

Cũng liên quan đến công tác cán bộ, một số ý kiến tại cuộc gặp gỡ còn mong muốn tỉnh tiếp tục quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục cán bộ, nhất là tạo điều kiện cho lãnh đạo cấp phòng của tỉnh luân chuyển về cơ sở để học hỏi, tích lũy thêm kinh nghiệm và kiến thức từ thực tế. Đồng thời, kiến nghị các cấp, các ngành thực hiện nghiêm công tác đánh giá cán bộ hàng năm, tạo cơ sở xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; cần tổ chức thi tuyển các chức danh lãnh đạo, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị…

Còn tại Hội nghị lãnh đạo tỉnh tiếp xúc, đối thoại với trưởng, phó phòng và tương đương cấp huyện, nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương đã được phản ánh. Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết, diện tích trồng mía trên địa bàn còn rất nhiều. Theo thông báo của Công ty Cổ phần mía đường Cần Thơ (Casuco) thì năm 2022, Casuco chỉ bao tiêu 2.000ha mía, diện tích còn lại khoảng trên 2.000ha. Đây là khó khăn cho bà con nông dân trong vụ mía tới.

Trong khi hiện nay, huyện có những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đến đầu tư cho người dân sản xuất các loại hoa màu để bà con chuyển đổi từ đất mía sang trồng các loại cây trồng khác. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp đến khảo sát rất ít, có khi đến khảo sát nhưng sau đó chưa thấy phản hồi. Do đó, một số bà con chưa biết chuyển đổi diện tích mía sang trồng loại cây gì. Qua đây, ông Tuấn đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc các sở, ngành khác hỗ trợ cho huyện kêu gọi các nhà đầu tư đến giúp bà con nông dân chuyển đổi diện tích mía sang cây trồng khác.

Có thể nói, từ các cuộc tiếp xúc, đối thoại kể trên giúp lãnh đạo tỉnh hiểu hơn, sâu sát hơn tình hình thực hiện nhiệm vụ cũng như những khó khăn, vướng mắc mà các địa phương đang gặp phải. Đặc biệt là ghi nhận nhiều ý kiến “hiến kế” đầy tâm huyết đối với sự phát triển của tỉnh. Đây còn là dịp để lãnh đạo tỉnh thông tin kết quả phát triển, cùng những khó khăn, thử thách mà tỉnh đối mặt trong thời gian qua, đặc biệt là nhấn mạnh đến các nghị quyết, đề án, kế hoạch, mục tiêu, chỉ tiêu đột phá mà tỉnh đã ban hành, đề ra trong giai đoạn phát triển tới.

Từ đó, giúp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, thanh niên, hội viên phụ nữ, công đoàn viên thấy được vai trò, trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Để rồi, từng người hình thành cho mình tinh thần đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Hậu Giang phát triển vươn lên trong giai đoạn mới.

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>