Hiện thực hóa chỉ tiêu nghị quyết đề ra

15/03/2016 | 07:04 GMT+7

Hơn một tháng nay, người dân sinh sống dọc theo tuyến kênh 6.500, ấp 3B, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, vô cùng phấn khởi vì tuyến đường giao thông ở đây được nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại dễ dàng. Công trình này là một trong những kết quả bước đầu của địa phương trong việc cụ thể hóa chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị trấn nhiệm kỳ 2015-2020.

Tuyến đường kênh 6.500 được nâng cấp khang trang.

Chạy xe bon bon trên con đường bê tông thẳng tắp, khang trang vừa hoàn thành không lâu, chúng tôi cảm nhận được niềm vui của người dân nơi đây khi tuyến đường này được nâng cấp. Ông Võ Văn Bé Ba, ở ấp 3B, thị trấn Bảy Ngàn, chia sẻ: “Đường này làm lại nên giờ chạy xe êm ru, không dằn nữa. Trước đây đường cũ, mặt đường hư hỏng nặng, ổ gà lởm chởm; vào mùa mưa, những chỗ thấp ngập đầy nước, xe cộ qua lại khá khó khăn, nguy hiểm. Nhà nước đầu tư nâng cấp tuyến đường này chúng tôi quá phấn khởi”.

So với hiện trạng cũ, lộ kênh 6.500 được nâng cấp cao thêm khoảng 0,5m, việc làm này cũng nhằm đảm bảo khép kín diện tích lúa của người dân trong khu vực ấp 3B, giúp bà con chủ động nước tưới tiêu, ngăn lũ và ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn đang diễn biến bất thường.

Theo ông Phạm Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Bảy Ngàn, thực hiện chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ đề ra, ngay từ đầu năm, UBND thị trấn đã triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, đi lại của dân, thị trấn đã tranh thủ vốn của trên đầu tư hoàn thiện 2 công trình đường giao thông kết hợp với đê bao tổng chiều dài 2.000m. Trước tình hình nắng hạn, xâm nhập mặn đang diễn ra, thị trấn đã triển khai kế hoạch ứng phó, đang chỉ đạo các ấp họp dân vận động nạo vét lại các tuyến kênh thủy lợi; gia cố hệ thống đê bao, cống đập cho an toàn hơn.

Đến ấp 2A, thị trấn Bảy Ngàn, chúng tôi nghe nhiều người bàn về dự án sắp triển khai giúp việc sản xuất của người dân thêm thuận lợi. “Cả khu vực này được xây dựng 3 cống hở, nếu cống kênh Thủy Lợi được triển khai thì coi như toàn bộ mấy trăm héc-ta lúa của chúng tôi trong này được bảo vệ an toàn khi nước mặn về. Ngoài ra, việc bơm tát tập trung cũng dễ dàng hơn, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông dân”, ông Đặng Văn Đây, ở ấp 2A, vui vẻ cho biết.

Theo UBND thị trấn Bảy Ngàn, để giúp người dân khu vực ấp 2A chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất, địa phương đã vận động nhân dân trong ấp đóng góp kinh phí xây dựng cống hở, đảm bảo khép kín hoàn toàn diện tích đất sản xuất nông nghiệp của ấp. Song song với việc đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, thời gian qua, thị trấn đã tập trung chỉ đạo tổ kỹ thuật, các hội - đoàn thể tăng cường chuyển giao, vận động nhân dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào nông nghiệp để tăng hiệu quả sản xuất. Nhờ đó, người dân trên địa bàn đã thay đổi nhận thức, có tư duy tiến bộ hơn, góp phần cải thiện đời sống, kinh tế gia đình.

Tính đến nay, hộ ông Nguyễn Văn Vĩnh, ở ấp 4A, thị trấn Bảy Ngàn, đã áp dụng phương thức sản xuất “3 giảm, 3 tăng” được 3 vụ lúa. Theo ông Vĩnh, so với sản xuất truyền thống thì việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật giúp nông dân được nhiều lợi ích hơn. Ông Vĩnh bộc bạch: “Trước đây, tôi trồng lúa không dám sạ hàng vì nghĩ hiệu quả không cao. Cách đây 2 vụ, tôi mạnh dạn thử nghiệm 2 công, thấy có hiệu quả nên đến nay đã áp dụng sạ hàng cho toàn bộ 10 công đất lúa của gia đình. Sạ hàng giúp giảm lượng lúa giống, không phải tốn công giặm, cây lúa lại cứng, ít đổ ngã nên sản lượng tăng đáng kể. Vụ rồi năng suất lúa nhà tôi đạt trên 1,1 tấn/công. Xóm này giờ nhà nào cũng áp dụng “3 giảm, 3 tăng” vào sản xuất”.

Xác định năm 2016 là năm “khởi động” thực hiện các chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị trấn nhiệm kỳ 2015-2020, quyết tâm thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu nghị quyết đề ra, UBND thị trấn Bảy Ngàn đã triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh với nhiều nội dung và giải pháp cụ thể. Trong đó, năm 2016, địa phương tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất của người dân, góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người từ 29 triệu đồng lên 32 triệu đồng/người/năm; tập trung kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động; hoàn thiện các tiêu chí giữ vững danh hiệu đô thị văn minh; giữ ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn...

Bài, ảnh: MỸ AN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>