Giúp người có công ổn định cuộc sống

23/12/2020 | 21:23 GMT+7

Năm 2020, các hoạt động chăm lo cho người có công của tỉnh đã có những bước tiến mới, hướng về cơ sở và đi vào chiều sâu. Từ đó, giúp người có công có cuộc sống tốt hơn.

Công tác chăm lo gia đình chính sách là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các ngành, các cấp và địa phương quan tâm thực hiện.

Những việc làm thiết thực

Trong căn nhà tình nghĩa được xây dựng trong năm 2020, bà Bùi Thị Hoa, ở khu vực Bình Hòa, phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ vui mừng khôn tả, căn nhà không chỉ là nơi để gia đình có mái ấm an cư mà còn là nơi thờ cúng liệt sĩ. Căn nhà được chính quyền địa phương vận động hỗ trợ 54 triệu đồng từ Quỹ đền ơn đáp nghĩa, còn lại do gia đình đóng góp. Trong căn nhà ấm áp, bà Hoa cho biết: “Được sự quan tâm của Nhà nước, địa phương mà gia đình tôi có được cuộc sống như ngày hôm nay, tôi cảm kích về điều đó. Lúc chiến tranh, chồng tôi đã hăng hái lên đường đánh giặc và đã hy sinh, trong cuộc sống hôm nay tôi luôn răn dạy con cháu phải biết chăm lo học hành, chí thú làm ăn, tránh xa những tệ nạn, quyết tâm nỗ lực phát triển kinh tế gia đình”.

Năm nay, bà Hoa 78 tuổi nhưng bà vẫn tích cực cùng gia đình thực hiện mô hình kinh tế hiệu quả. Với 6 công đất vườn, bà cùng với người con trai trồng chuối sáp, bình quân mỗi tháng thu nhập từ 6-7 triệu đồng, nhờ vậy cuộc sống gia đình ổn định. Nay được hỗ trợ căn nhà tình nghĩa, cả nhà càng cố gắng hơn nữa, để kinh tế gia đình phát triển, góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp.

Đất nước giải phóng, như nhiều thanh niên khác, ông Trần Quốc Hùng, ở ấp Nhơn Hòa, xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A trở về địa phương xây dựng quê hương. Bản thân là thương binh 2/4 nhưng ông luôn phấn đấu phát triển kinh tế gia đình. Theo ông Hùng, sống theo lý tưởng của Đảng, Bác Hồ nên người lính như ông luôn quyết tâm sống có ích cho quê hương, đất nước. Được ghi nhận công lao bằng những khoản trợ cấp hàng tháng, sự quan tâm của chính quyền địa phương trong các ngày lễ, tết, hay sự quan tâm giúp đỡ của địa phương đã mang đến động lực để bản thân ông vươn lên trong cuộc sống. Sức khỏe nay không còn như trước, nhưng hễ còn làm được gì có ích cho gia đình, xã hội là ông không ngần ngại.

Trên phần đất của gia đình, ông Hùng trồng hạnh, bưởi, mít, mỗi năm cũng mang về nguồn thu nhập kha khá cho gia đình. “Sức tới đâu mình làm tới đó. Thời chiến thì lo bảo vệ hòa bình, còn nay hòa bình thì lo phát triển kinh tế”, ông Hùng chia sẻ.

Những thương binh, gia đình có công nỗ lực vươn lên giữa thời bình là hình ảnh đẹp trong phát huy truyền thống quý báu của cha anh đi trước: Sẵn sàng lên đường thời chiến, tích cực phấn đấu giữa thời bình.

Tiếp tục phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hậu quả của nó để lại vẫn còn hết sức nặng nề. Toàn tỉnh hiện có 2.020 Mẹ Việt Nam anh hùng, trên 12.000 gia đình liệt sĩ, trên 5.000 thương binh, trên 7.000 người có công với cách mạng... Họ là những người đã hy sinh những người con, chồng và một phần cơ thể của mình vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Xác định công tác chăm lo đời sống gia đình chính sách, người có công với cách mạng là nhiệm vụ quan trọng, những năm qua từ tỉnh đến cơ sở luôn quan tâm, thực hiện tốt công tác này, góp phần giúp gia đình chính sách có cuộc sống tốt hơn. Theo bà Đỗ Thị Ngọc Trúc, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phụng Hiệp, thời gian qua, cùng với việc thực hiện đúng chế độ chính sách, huyện luôn phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” thông qua các hoạt động chăm sóc Mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Việc chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, cấp thuốc, hỗ trợ nhà ở, dạy nghề, chế độ điều dưỡng… đều được quan tâm bằng nhiều hình thức thiết thực và hiệu quả.

Toàn tỉnh hiện có trên 35.000 gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Trong những năm qua, bên cạnh việc thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân cũng tích cực tham gia đóng góp vào các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chung sức chăm lo tạo điều kiện cho người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú. Theo ông Lý Minh Khánh, Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tường, trong năm 2020 từ nguồn vận động xã hội hóa phường đã xây dựng 3 căn nhà tình nghĩa. Những căn nhà tình nghĩa được xây dựng không chỉ giúp gia đình chính sách có mái ấm an cư, mà còn thể hiện lòng tri ân của thế hệ hôm nay với những người đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. “Chúng tôi tiếp tục thực hiện tốt phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống gia đình chính sách bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, để toàn xã hội cùng tham gia chăm sóc người có công”, ông Khánh cho biết.

Những hoạt động ý nghĩa, thiết thực của Đảng bộ, chính quyền và người dân trong tỉnh hôm nay đã thể hiện sự tri ân đối với những người đã hiến dâng tuổi thanh xuân và máu xương của mình để giành độc lập, tự do cho dân tộc. Nét đẹp tri ân này sẽ luôn sáng mãi để nhắc nhở mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ biết trân trọng những hy sinh cao cả, những cống hiến vô giá cho nền độc lập của cha anh đi trước. Từ đó, luôn dặn lòng mình phải sống xứng đáng với sự hy sinh to lớn đó, góp phần xây dựng đất nước, quê hương giàu đẹp...

Toàn tỉnh hiện có 2.020 Mẹ Việt Nam anh hùng, trên 12.000 gia đình liệt sĩ, trên 5.000 thương binh, trên 7.000 người có công với cách mạng. Toàn tỉnh hiện có trên 35.000 gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Trong những năm qua, bên cạnh việc thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân cũng tích cực tham gia đóng góp vào các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chung sức chăm lo tạo điều kiện cho người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>