Giải quyết được nhiều vấn đề cử tri đặt ra

06/07/2016 | 08:16 GMT+7

Các cơ sở vật tư nông nghiệp có hành vi kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng, hàng ngoài danh mục, hàng kém chất lượng, hàng giả; tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm diễn ra ngày càng phức tạp; bất cập trong đánh giá chất lượng học tập của học sinh tiểu học... đó là một số vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm tại kỳ họp lần này được ngành chức năng trả lời khá rõ.

Đại biểu HĐND tỉnh tích cực phát biểu tại kỳ họp này.

Kỳ họp lần này không tổ chức chất vấn trực tiếp, nhưng ngành chức năng cũng tích cực giải trình và đề ra giải pháp tháo gỡ thực trạng trên.

Hiện nay, nhiều cử tri đặt vấn đề với ngành chức năng về tình trạng các cơ sở vật tư nông nghiệp có hành vi kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng, hàng ngoài danh mục, hàng kém chất lượng, hàng giả, gây ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất của người dân. Cụ thể, đầu năm đến nay, ngành chức năng đã kiểm tra 167 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, qua đó phát hiện, xử lý 23 trường hợp vi phạm. Như vậy, vai trò kiểm tra trong công tác này có được quan tâm, chú trọng hay không, trong khi số vụ việc vi phạm ngày càng tăng ?

Giải trình vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, cho rằng dù tỷ lệ vi phạm của các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp 6 tháng đầu năm tăng nhưng đa phần các hành vi vi phạm rơi vào các lỗi nhỏ, ít nghiêm trọng, chủ yếu là về thủ tục, phương tiện kinh doanh… Các hành vi về sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng giảm. Để người dân yên tâm hơn trong sản xuất, đồng thời ngăn chặn tình trạng kinh doanh vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường vai trò của chính quyền địa phương trong quản lý; phối hợp với các ngành hữu quan tăng cường thanh tra, kiểm tra vật tư nông nghiệp trên diện rộng; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để tạo tính răn đe.

Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay đang gia tăng về số lượng và mức độ nguy hiểm. Nói về chức năng và trách nhiệm của ngành về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, cho biết: “Ngành đã tích cực chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện xử lý vi phạm. 6 tháng đầu năm đã thành lập hàng trăm đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về vấn đề này, qua đó, phát hiện, xử lý 509 cơ sở vi phạm”.

Thời gian tới, ngành y tế sẽ tiếp tục tăng cường nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Tăng cường công tác lấy mẫu thực phẩm đi kiểm nghiệm, thực hiện kiểm tra nhanh để đánh giá nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm. Tích cực phối hợp với các ngành chức năng trong đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm được chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Trong khi đó, thực hiện Thông tư 30 ngày 28/8/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành giáo dục tỉnh có sự đổi mới về cách thức đánh giá kết quả học tập đối với học sinh tiểu học, trong đánh giá không phân biệt học sinh giỏi, khá, trung bình… nên học sinh không bị áp lực về điểm số. Nhưng điều này làm cho cử tri trong tỉnh có nhiều lo ngại về tính khách quan của nó.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, việc thay đổi cách đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30 giúp cho giáo viên điều chỉnh, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động dạy học; kịp thời phát hiện những cố gắng, tiến bộ của học sinh để động viên, khích lệ, cũng như hướng dẫn, giúp đỡ học sinh vượt qua khó khăn để học tập tốt hơn. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số trường, cán bộ quản lý chỉ đạo máy móc, cứng nhắc, gây áp lực cho giáo viên, nhất là về hệ thống hồ sơ, sổ sách. Một bộ phận cha mẹ học sinh chưa thực sự yên tâm với cách đánh giá mới, không thích cách nhận xét, chưa quan tâm nhiều đến việc nhận xét, do đó chưa biết cách hoặc chưa tham gia đánh giá như yêu cầu của Thông tư.

Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, cho biết: “Tới đây, ngành giáo dục tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền để thay đổi nhận thức và thói quen cũ về đánh giá học sinh cho một bộ phận giáo viên, cán bộ quản lý, cha mẹ học sinh và xã hội. Bên cạnh đó, giáo viên cũng sẽ tích cực đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục, tạo cơ hội để học sinh hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất cần thiết. Nhà trường sẽ tăng cường tổ chức sinh hoạt, đánh giá chuyên môn về cách đánh giá học sinh tiểu học theo quy định”.

Theo ông Nguyễn Quốc Ca, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, tại kỳ họp này, đại biểu HĐND tỉnh đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao khi đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, tập trung vào các vấn đề quan trọng, bức xúc của cuộc sống, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Trong đó, đại biểu tập trung thảo luận nhiều nhất là đánh giá, làm rõ thêm nhiều vấn đề kinh tế - xã hội, tình hình thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh 6 tháng đầu năm 2016; phân tích những mặt làm được, chưa làm được và nguyên nhân, trách nhiệm của UBND và các sở, ngành tỉnh; đề xuất các giải pháp, cụ thể, thiết thực, khắc phục những hạn chế, thiếu sót để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng cuối năm.

 

Phó Chủ tịch HĐND thị xã Ngã Bảy Phạm Thị Đan: “Tôi mong rằng, thời gian tới, các ngành, các cấp cần làm tốt công tác phối hợp để giải quyết nhanh các bức xúc lâu ngày của nhân dân như việc đầu tư kết cấu hạ tầng trong sản xuất nông nghiệp; kiềm chế, ngăn chặn tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm; tình trạng vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng”.

Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ Lê Văn Khởi: “Tôi rất tâm đắc với các giải pháp mà ngành nông nghiệp đề ra tại kỳ họp. Nhiệm kỳ này, HĐND tỉnh đã có sự quan tâm nhiều hơn đối với lĩnh vực nông nghiệp. Nếu Đề án phát triển giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản chất lượng cao và Đề án phát triển trạm bơm điện tỉnh giai đoạn 2016-2020 được triển khai nhanh sẽ góp phần phát huy tốt thế mạnh sản xuất nông nghiệp của tỉnh thời gian tới”.

 

Bài, ảnh: GIA HUY - MỸ AN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>