Giải pháp giám sát lời hứa của đại biểu dân cử

19/07/2016 | 08:01 GMT+7

Chương trình hành động của các đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp sẽ được lưu lại để làm cơ sở giám sát kết quả việc thực hiện những điều họ đã hứa. Đó là cách làm mới trong chương trình giám sát được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với HĐND tỉnh thực hiện tới đây.

Ông Trần Văn Lể, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đông Phước A, thường xuyên xem lại chương trình hành động của các đại biểu HĐND ở địa phương mình, qua đó nhằm thực hiện tốt hơn công tác giám sát hoạt động của các đại biểu dân cử.

Đang ngồi xem lại chương trình hành động của các đại biểu HĐND xã nhiệm kỳ này, ông Trần Văn Lể, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, chia sẻ: “Thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, chúng tôi đã lưu lại chương trình hành động của đại biểu HĐND xã nhiệm kỳ này. Đây là cách làm mới nhằm nhắc nhở đại biểu cố gắng thực hiện nhiệm vụ, lời hứa của mình trước cử tri để giữ được uy tín của người đại biểu dân cử”.

Cũng theo ông Lể, trong các buổi tiếp xúc cử tri của nhiệm kỳ trước, một số cử tri phản ánh một vài đại biểu chưa làm tròn những gì đã hứa. Cho nên, việc lưu lại chương trình hành động sẽ là cơ sở để đối chiếu mức độ thực hiện lời hứa của người đại biểu trong cả nhiệm kỳ này.

Được biết, đây là cách làm mới được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với HĐND tỉnh tổ chức thực hiện. Theo đó, chương trình hành động của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh sẽ được tập hợp lại thành cuốn để gửi cho Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, Thường trực UBND và các cơ quan có liên quan. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ gửi chương trình hành động của các đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh xuống các huyện, thị, thành theo từng đơn vị bầu cử. Chẳng hạn như, đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh ứng cử ở địa phương nào thì chương trình hành động của họ sẽ được gửi xuống địa phương đó, kết hợp với chương trình hành động của đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã để đóng thành cuốn chung. Các cuốn này sẽ được niêm yết tại UBND các xã, phường, thị trấn để người dân có thể xem và giám sát việc thực hiện lời hứa của các đại biểu.

Nói về mục đích của cách làm mới này, ông Huỳnh Văn Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết: “Chúng tôi muốn phát huy hơn nữa vai trò giám sát của Ủy ban MTTQ các cấp, đặc biệt là vai trò của người dân trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Người dân khi đến làm hồ sơ, thủ tục ở trụ sở các xã, phường, thị trấn thì có thể đọc chương trình hành động của các đại biểu, qua đó giám sát họ có làm đúng theo những gì đã hứa hay không. Mặt khác, cách làm này được coi như giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của các đại biểu, giúp họ phát huy tốt trách nhiệm của mình để ngày càng chiếm được lòng tin của cử tri”.

Cách làm mới này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ phía cử tri. Ông Danh Hạnh, ở khu vực 5, phường Ngã Bảy, cho biết: “Chương trình hành động của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp được đóng thành cuốn và đặt tại trụ sở các xã, phường, thị trấn là việc cần làm. Bởi nó là cơ sở để các cấp, các ngành và người dân có thể giám sát trực tiếp việc thực hiện lời hứa của đại biểu. Cử tri chúng tôi rất mong mỏi những người trúng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ này sẽ làm tròn trách nhiệm của mình với dân, với nước”.

Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và HĐND tỉnh đã có kế hoạch phối hợp liên tịch nhằm làm tốt công tác giám sát việc thực hiện chương trình hành động của đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ này. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chỉ đạo cho Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã tích cực tham gia các buổi tiếp xúc cử tri, từ đó giám sát, ghi nhận việc thực hiện trách nhiệm của các đại biểu đối với những ý kiến mà cử tri đưa ra. Nếu thấy đại biểu nào chưa tích cực thực hiện theo chương trình hành động của mình thì Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh sẽ nhắc nhở, góp ý trong các cuộc họp HĐND giữa năm và cuối năm.

Cũng theo ông Hùng, việc tổ chức các buổi tiếp xúc cử tri sẽ có những đổi mới. Trước đây, các buổi tiếp xúc cử tri thường được tổ chức ở hội trường UBND các xã, phường, thị trấn với số lượng cử tri tham dự khá hạn chế, do quy mô hội trường không lớn. Tới đây, các địa phương sẽ chọn những địa điểm nằm gần khu dân cư và có diện tích rộng (như ở các điểm trường học, các ngôi chùa Khmer...) để tổ chức tiếp xúc cử tri. “Việc đổi mới công tác tổ chức như vậy sẽ tạo điều kiện để cử tri tham dự đông hơn, ghi nhận nhiều ý kiến phản ánh hơn, góp phần giúp chất lượng các buổi tiếp xúc cử tri ngày càng được nâng lên”, ông Hùng cho biết thêm.

Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 vừa qua, Hậu Giang đã bầu ra 6 đại biểu Quốc hội, 50 đại biểu HĐND tỉnh, 254 đại biểu HĐND cấp huyện và 2.096 đại biểu cấp xã. Thiết nghĩ, nếu các đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của mình thì sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển của tỉnh Hậu Giang trong thời gian tới.

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>